Anh em 'như thể tay chân'…

Thời gian qua, tổ dân phố số 5 được đánh giá là một trong những điểm sáng trong công tác hòa giải cơ sở ở của phường Hàng Bồ (quận Hoàn Kiếm, Hà Nội). Nhờ sự nhiệt tâm, khéo léo của các thành viên trong tổ hòa giải và đặc biệt là cá nhân ông Nguyễn Văn Cảo (66 tuổi) - Tổ trưởng Tổ dân phố, Tổ trưởng tổ hòa giải số 5, cùng những buổi phân xử thấu tình đạt lý của tổ hòa giải đã giúp phố phường yên vui, bà con xích lại gần nhau hơn, nhiều gia đình thêm hạnh phúc.

Câu chuyện hòa giải:

 “Vấn đề tranh chấp tài sản thừa kế là mảng làm tổ hòa giải đau đầu nhất. Chỉ vì lợi ích kinh tế dẫn tới mâu thuẫn, rạn nứt tình cảm gia đình, an hem ruột thịt. Dù gặp rất nhiều khó khăn, nhưng tổ cũng đã hàn gắn không ít gia đình sống hòa thuận với nhau” - ông Nguyễn Văn Cảo chia sẻ. Ảnh: Khánh Phong

“Vấn đề tranh chấp tài sản thừa kế là mảng làm tổ hòa giải đau đầu nhất. Chỉ vì lợi ích kinh tế dẫn tới mâu thuẫn, rạn nứt tình cảm gia đình, an hem ruột thịt. Dù gặp rất nhiều khó khăn, nhưng tổ cũng đã hàn gắn không ít gia đình sống hòa thuận với nhau” - ông Nguyễn Văn Cảo chia sẻ. Ảnh: Khánh Phong

Ông Văn, bà Bình và bà Cúc là anh chị em ruột. Sau khi cha mẹ ông bà qua đời có để lại phần đất diện tích là 56m2 được ông Văn quản lý và xây nhà ở nhưng không để lại di chúc. Gia đình bà Bình và bà Cúc ở phía sau nhà ông Văn, muốn đi ra đường thì phải đi qua sân nhà ông Văn, lối đi này đã có từ lúc cha mẹ của ông bà còn sống. Tuy nhiên, hiện lối đi đã bị gia đình ông Văn thu hẹp lại gây khó khăn cho việc đi lại của 2 gia đình. Bà Bình và bà Cúc nhiều lần nói với ông Văn mở lại lối đi như cũ nhưng ông Văn không đồng ý. Ông Văn cho rằng đất của ông thì ông có toàn quyền quyết định.

Vì vậy, bà Bình và bà Cúc làm đơn đề nghị tổ hòa giải tiến hành hòa giải để 2 gia đình có lối đi ra đường chính thuận tiện nhất.

Tiếp nhận vụ việc, ông Cảo đã đến gặp bà Bình và bà Cúc để tìm hiểu rõ sự việc trước khi tiến hành hòa giải thì được biết, phần đất hiện nay ông Văn xây nhà ở là di sản của cha mẹ ông bà để lại nhưng không có di chúc. Bà Bình và bà Cúc cũng là con nhưng không đòi chia phần. Hai bà đồng ý để hết cho anh trai của mình và chỉ yêu cầu ông Văn trả lại nguyên trạng lối đi lúc ban đầu để cho 2 gia đình thuận tiện trong việc đi lại.

Sau khi tìm hiểu rõ bản chất sự việc, nhận thấy đây là tranh chấp về lối đi qua bất động sản liền kề, ông Cảo đến gặp ông Văn, giải thích cho ông hiểu quy định tại Điều 254 Bộ luật Dân sự năm 2015. Cụ thể, Điều luật này quy định: “Chủ sở hữu có bất động sản bị vây bọc bởi các bất động sản của các chủ sở hữu khác mà không có hoặc không đủ lối đi ra đường công cộng, có quyền yêu cầu chủ sở hữu bất động sản vây bọc dành cho mình một lối đi hợp lý trên phần đất của họ”.

Như vậy, theo quy định này, ông Văn có nghĩa vụ dành cho gia đình bà Bình và bà Cúc lối đi được mở trên đất của ông sao cho thuận tiện và hợp lý nhất.

Mặt khác, hòa giải viên cũng thông tin cho ông Văn biết về quy định của Bộ luật Dân sự năm 2015 về thừa kế theo pháp luật. Cụ thể, khoản 1, 2 Điều 651 Bộ luật dân sự năm 2015 quy định:

“1. Những người thừa kế theo pháp luật được quy định theo thứ tự sau đây:

a) Hàng thừa kế thứ nhất gồm: vợ, chồng, cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi của người chết;

b) Hàng thừa kế thứ hai gồm: ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại, anh ruột, chị ruột, em ruột của người chết; cháu ruột của người chết mà người chết là ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại;

c) Hàng thừa kế thứ ba gồm: cụ nội, cụ ngoại của người chết; bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột, dì ruột của người chết; cháu ruột của người chết mà người chết là bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột, dì ruột; chắt ruột của người chết mà người chết là cụ nội, cụ ngoại.

2. Những người thừa kế cùng hàng được hưởng phần di sản bằng nhau.”

Cha mẹ ông bà chết để lại thừa kế là quyền sử dụng đất với tổng diện tích 56 m2 nhưng không có di chúc nên theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều 650 Bộ luật dân sự năm 2015, di sản sẽ được chia theo pháp luật. Cả 03 người con (ông A, bà B, bà C) đều được hưởng phần di sản bằng nhau. Tuy nhiên, 02 em gái của ông Văn là bà Bình và bà Cúc đều từ chối nhận di sản, thống nhất nhường toàn bộ 56 m2 đất cho ông thì ông cũng nên tạo điều kiện thuận lợi cho việc đi lại của gia đình các em mình.

Tổ hòa giải tổ dân phố đã tiến hành hòa giải tranh chấp giữa các bên. Tại buổi hòa giải, một lần nữa, ông Cảo đã phân tích các quy định của Bộ luật Dân sự về thừa kế và quyền về lối đi qua; đồng thời, khơi gợi tình cảm anh em ruột thịt “như thể tay chân” giữa 3 anh em để ông Văn nhận thấy được tình cảm thương yêu của 2 người em gái dành cho mình mà có hành động, cách cư xử phù hợp.

Nghe hòa giải viên phân tích có lý, có tình, ông Văn đã đồng ý mở lại lối đi theo hiện trạng ban đầu. Ngay sau buổi hòa giải thành, 3 người đã tiến hành làm thủ tục sang tên quyền sử dụng 56 m2 đất cho ông Văn.

Minh Phong

Nguồn PL&XH: https://phapluatxahoi.kinhtedothi.vn/anh-em-nhu-the-tay-chan-381990.html