Ăn vặt ở chợ

Ăn vặt ở chợ có những điều thú vị khó cưỡng: món ăn phong phú, giá bình dân, có thể lê la hết hàng này tới hàng khác và có thể nghe được bao nhiêu câu chuyện đời thường...

Món ăn chợ thường rất bình dân. Ảnh: C.N

1. Bây giờ, khi tôi có thể ăn vặt ở chợ thỏa thích, ăn bất cứ lúc nào và bất cứ món món nào mình muốn, lại nhớ vô cùng những lần theo mẹ đi chợ thuở nhỏ. Đó là vào những năm 1980, ở chợ quê tôi không nhiều quầy hàng ăn uống và không có nhiều món như bây chừ.

Lúc ấy, họa hoằn lắm mới có vài chợ bán bún, mỳ Quảng. Muốn ăn mấy món này phải tới chợ Ái Nghĩa ở thị trấn cách nhà tôi 4 - 5 cây số, còn chợ gần nhà tôi thì chủ yếu bán đậu hũ, chè, bánh nậm (bánh gói), bánh đúc, bánh bèo...

Tới mùa thì thỉnh thoảng có bán dưa hấu, dừa, mít, bắp... Là thổ sản, nhưng mít, dưa hấu và cả dừa nữa, thường được cắt bán từng miếng nhỏ, vì hầu như không ai đủ tiền để mua nguyên trái, hoặc mấy người cùng rủ nhau mua nguyên trái rồi chia nhau cho rẻ.

Mỗi khi đi chợ cùng mẹ (thường một tuần mẹ tôi mới đi chợ một lần để bán mấy loại rau củ quả trong vườn nhà và mua đồ ăn về trữ), ngang qua hàng ăn, tôi thòm thèm lắm, chân như bị níu lại, mắt như bị các món ăn thôi miên.

Nhưng tôi nào có được ăn, phần vì mẹ tôi thường không có nhiều tiền, mỗi khi đi chợ mẹ chỉ mua vài cái bánh nậm để biếu bà tôi hoặc cho đứa cháu nhỏ, phần thì mẹ hay nói, con gái không nên ăn hàng bỏ chợ, sau này sẽ quen vì “ăn vặt quen mồm”.

Mẹ càng cấm thì tôi càng ước ao được ngồi ăn ở chợ một lần cho biết. Bữa nào bán mủng bắp, mủng đậu có tiền nhiều hơn chút, mẹ cũng mua đem về cho cả nhà cùng ăn chứ nhất quyết không cho tôi ngồi ăn ở chợ.

Thời đó đàn bà, con gái mà ăn hàng ở chợ thường bị chê cười, cho nên hình như ai ngồi trên chiếc ghế dài, tay bưng chén chè hay chén đậu hũ cũng đội nón sụp xuống che gần kín mặt. Bây giờ hồi tưởng cảnh ấy, thấy thương chi lạ!

2. Ăn vặt, ăn hàng ở chợ bây chừ là hết sức bình thường. Ăn vặt ở chợ có nhiều cái thú vị mà ít hàng quán bình dân hay sang trọng nào có được. Món ăn thức uống ở chợ rất phong phú, từ cơm, phở, bún, mỳ, xáo, cháo lòng, bánh xèo, bánh mì, nem nướng, ốc hút... đến chè, nước dừa, nước mía, nước ép trái cây, các loại nước giải khát đóng chai...

Ăn vặt ở chợ, tôi thường không ăn một món quá nhiều, ví dụ như mỳ Quảng thì ăn tô nhỏ, bún trộn thì ăn dĩa nhỏ để còn có thể ăn thêm ly chè thập cẩm hay uống ly nước dừa. Cách ăn ở chợ cũng thoải mái, có thể ngồi xổm, ngồi trên chiếc đòn, có thể ngồi trên băng ghế dài.

Ở bất cứ ngôi chợ nào cũng có khu vực dành riêng cho hàng ăn uống, trước hết để phục vụ người buôn bán ở chợ, sau nữa là phục vụ khách vãng lai, khách du lịch. Đến vùng nào đó mà chưa đi chợ, chưa ngồi ăn ở chợ thì coi như chuyến đi chưa trọn vẹn.

Đến chợ là để biết về văn hóa, đời sống của người dân địa phương; ăn uống ở chợ để biết về văn hóa ẩm thực nơi đó và cả vùng miền khác vì ở chợ không thiếu đặc sản, món ăn bình dân ở địa phương và đặc sản của khắp nơi...

Ở chợ Tam Kỳ có một chị bán bánh bèo Huế rất ngon, luôn đắt khách: người ăn tại chỗ, người mua mang về, chị còn nhận đóng hàng gửi nhanh tận Đà Nẵng, Sài Gòn.

Gọi là ăn vặt, nhưng hầu hết người buôn bán ăn bữa chính tại chợ. Từ sáng sớm, các quầy ăn uống ở chợ đã bắt đầu phục vụ những người đi chợ sớm. Và phục vụ xuyên trưa, chủ yếu là tiểu thương.

Cái kiểu vừa ăn vừa tám chuyện với người bán, cả với người đang ngồi ăn với mình về giá cả hàng hóa, chuyện đời sống, cả chuyện bóng đá hay chuyện thời sự thế giới và nhất là khi giới showbiz xảy ra vụ gì đó thì người ăn, người bán ở chợ bàn tán rất rôm rả. Hôm trước tôi ngồi ăn ở chợ, đúng dịp bộ phim “Đất rừng phương Nam” mới công chiếu, nghe các bà các cô ở chợ bình luận còn sôi nổi hơn cả trên mạng.

Ăn vặt ở chợ có những điều thú vị mà có thể không hàng quán bình dân hay sang trọng nào có được. Mỗi người, nếu vì lý do nào đó mà chưa một lần ăn vặt ở chợ, có lẽ cũng là điều đáng tiếc.

CHÂU NỮ

Nguồn Quảng Nam: https://baoquangnam.vn/xa-hoi/an-vat-o-cho-153083.html