Ẩn họa từ bánh kẹo không rõ nguồn gốc xuất xứ

Còn hơn 2 tháng nữa mới đến Tết Giáp Thìn 2024 nhưng thị trường bánh kẹo Tết đã khá nhộn nhịp. Đặc biệt, các loại bánh kẹo gắn mác nội địa nước ngoài trở thành mặt hàng hot vì giá cả phải chăng, màu sắc bắt mắt, lại nhiều vị ngon, lạ.

Những mặt hàng này được bày bán công khai tại các cửa hàng tạp hóa, siêu thị mini, cổng trường học, thậm chí cả mạng xã hội, dấy lên lo ngại về tình trạng ngộ độc, mất an toàn vệ sinh thực phẩm, nhất là thời gian gần đây, nhiều học sinh liên tiếp bị ngộ độc khi sử dụng các loại bánh kẹo gắn mác nội địa nước ngoài này.

Liên tiếp nhiều vụ ngộ độc bánh kẹo “lạ”

Thời gian gần đây, mạng xã hội xôn xao chia sẻ các hình ảnh, clip về những loại kẹo không rõ nguồn gốc xuất xứ, có chữ nước ngoài mà lực lượng chức năng thu giữ được tại một số trường học trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh và Lạng Sơn khiến nhiều học sinh bị ngộ độc. Những thông tin về loại kẹo lạ chứa ma túy khiến phụ huynh, học sinh và nhiều người hoang mang. Ngay sau đó, tin đồn về loại kẹo này chứa ma túy được lực lượng chức năng bác bỏ. Tuy nhiên, loại kẹo này đang được cảnh báo gây ngộ độc thực phẩm, khi liên tiếp xuất hiện tình trạng học sinh bị ngộ độc khi ăn kẹo tại cổng trường học, hàng tạp hóa.

Cẩn trọng với bánh kẹo không rõ nguồn gốc xuất xứ tại cổng trường, các hiệu tạp hóa.

Theo đó, tỉnh Quảng Ninh đã ghi nhận nhiều học sinh ở thị trấn Cái Rồng, huyện Vân Đồn và trường THCS&THPT Hoành Mô, huyện Bình Liêu bị ngộ độc thực phẩm với cùng các biểu hiện đau đầu, đau bụng, buồn nôn cũng do ăn kẹo không rõ nguồn gốc xuất xứ.

Ngày 30/11/2023, 2 học sinh trường THCS Vĩnh Trại, thành phố Lạng Sơn đã sử dụng gói kẹo không rõ nguồn gốc xuất xứ khi vào giờ học và các em có biểu hiện lạ nên đã được theo dõi ở phòng y tế nhà trường. Ngay khi nắm bắt tình hình, lực lượng chức năng của các địa phương đã nhanh chóng rà soát và thu giữ một khối lượng lớn các loại kẹo do nước ngoài sản xuất không đủ điều kiện lưu thông trên thị trường.

Trưa 29/11/2023, phòng y tế Trường THCS Nguyễn Quý Đức (quận Nam Từ Liêm, Hà Nội) cũng tiếp nhận 11 học sinh đến kiểm tra với biểu hiện đau bụng, buồn nôn. Theo báo cáo của Trường THCS Nguyễn Quý Đức gửi Phòng GD-ĐT Quận Nam Từ Liêm, số học sinh này không ăn bán trú, không ngủ trưa ở trường. Trong ngày, các em đã mua một loại kẹo không rõ nguồn gốc, vỏ bao có màu xanh, ghi chữ giống chữ Trung Quốc trên đường đi học và chia nhau ăn. Sau khi ăn kẹo chừng 45 phút, tất cả học sinh kể trên có dấu hiệu mệt, đau đầu, buồn nôn. Ngay lập tức, nhà trường đã đưa các học sinh đến trạm y tế phường Đại Mỗ khám và theo dõi sức khỏe. Đến nay, sức khỏe 11 học sinh đều ổn định.

UBND phường Đại Mỗ đã chỉ đạo công an phường phối hợp các đơn vị kiểm tra cửa hàng nơi học sinh mua kẹo và thu giữ 66 gói màu xanh có hình gấu, quả đào, dâu tây, ô mai, bên ngoài bao bì ghi chữ giống chữ Trung Quốc. Các sản phẩm đang được kiểm tra về chất lượng.

Trước đó, sáng 28/11, tại Trường THCS Nguyễn Du, thành phố Sông Công, tỉnh Thái Nguyên cũng ghi nhận một số học sinh có biểu hiện đau đầu, chóng mặt, buồn nôn sau khi ăn kẹo lạ được mua gần trường.

Theo điều tra, số kẹo lạ gây ngộ độc cho các em đều không có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng. Đó là những loại kẹo có bao bì bắt mắt, nhiều màu sắc, thường có vị hoa quả, bạc hà the mát. Mỗi gói kẹo chỉ có giá từ 3.000-10.000 đồng, từ 12-15 viên, hoặc một túi 100-300gr, giá từ 30.000-70.000 đồng cho 100-300 viên kẹo. Hầu hết trên bao bì những gói kẹo đều ghi chữ nước ngoài nhưng lại không hề có nhãn phụ bằng tiếng Việt thể hiện thông tin sản phẩm.

Tại nhiều địa phương, lực lượng chức năng đã ra quân thu giữ các loại kẹo “lạ” này. Trong ngày 30/11 và 1/12, Công an thành phố Vinh đã chủ trì phối hợp với các lực lượng chức năng tổ chức ra quân đồng loạt kiểm tra các ki-ốt kinh doanh xung quanh trường học và chợ đầu mối trên địa bàn. Qua kiểm tra 63 ki-ốt, lực lượng chức năng phát hiện 32 ki-ốt vi phạm, thu giữ gần 5.000 sản phẩm bánh kẹo không rõ nguồn gốc, xuất xứ. Đây là những sản phẩm có bao bì, màu sắc hấp dẫn, giá rẻ, dễ thu hút đối tượng trẻ em, học sinh. Tuy nhiên, những sản phẩm này đều không có nhãn mác, không rõ nguồn gốc xuất xứ, gây mất vệ sinh an toàn thực phẩm.

Chỉ riêng từ ngày 28 đến ngày 30/11, Đội Quản lý thị trường số 13, Cục Quản lý thị trường Hà Nội đã kiểm tra, xử lý các cửa hàng gần khu vực cổng trường THCS Nghĩa Tân, trường THCS Dịch Vọng Hậu (quận Cầu Giấy, Hà Nội), thu giữ hàng trăm chiếc kẹo dẻo hình mắt người, nhiều sản phẩm bim bim, thanh sốt chua cay, lương khô, bánh trứng chảy, bánh gấu... không rõ nguồn gốc xuất xứ.

Ngày 30/11, Công an thành phố Lào Cai đã phối hợp cùng Đội Quản lý thị trường, Cục Quản lý thị trường tỉnh tiến hành kiểm tra, thu giữ lô hàng kẹo hoa quả 7 màu không rõ nguồn gốc trên địa bàn. Tại thời điểm kiểm tra, Nguyễn Văn Thắng (sinh năm 1992, hộ khẩu thường trú tại tổ 20, phường Cốc Lếu, thành phố Lào Cai) khai nhận là chủ của lô hàng trên và không xuất trình được hóa đơn, chứng từ chứng minh nguồn gốc xuất xứ hàng hóa. Bên cạnh đó, lực lượng Công an cũng tích cực tuyên truyền, cảnh báo đến người dân về những nguy cơ tiềm ẩn khi tiêu thụ các sản phẩm không rõ nguồn gốc xuất xứ, kêu gọi người dân liên hệ với cơ quan chức năng ngay khi phát hiện những mặt hàng này, nhất là trong khoảng thời gian cận Tết, nhu cầu mua bánh kẹo của người dân tăng cao.

Cảnh giác với bánh kẹo không rõ nguồn gốc xuất xứ

Không thể phủ nhận sức hút của bánh kẹo nội địa Trung Quốc (hàng do Trung Quốc sản xuất và chỉ bán nội địa, không xuất khẩu) khi vài năm trở lại đây được người tiêu dùng Việt ưa chuộng bởi giá cả phải chăng, đa dạng mẫu mã, sản phẩm...

Kẹo “lạ” bán tràn lan trên mạng xã hội.

Lẽ ra, mặt hàng này phải là hàng hiếm bởi được đưa về Việt Nam qua đường xách tay hoặc qua các đơn vị trung gian, tuy nhiên thực tế lại đang được chào bán nhan nhản với mức giá rẻ như cho trên mạng xã hội, sàn thương mại điện tử và nguy hiểm hơn là đang tràn về các vùng quê, trà trộn vào cổng trường học.

Chỉ cần gõ trên mạng cụm từ “bánh kẹo nội địa”, sẽ cho ra hàng loạt các hội nhóm có hàng chục, hàng trăm người rao bán các loại bánh kẹo gắn mác nội địa Trung Quốc.

Với sức hút lớn từ quảng cáo hấp dẫn, không ít người đổ xô đi mua đồ ăn vặt Trung Quốc vì tin vào lời người nói “hàng nội địa, đảm bảo chất lượng”. Có những người mua ăn vì thấy ngon, hương vị khác lạ mà không cần quan tâm nhiều đến nguồn gốc.

Chẳng hạn, sản phẩm xúc xích sụn viên non ăn liền có giá chỉ 1.000 đồng/gói 4 viên 4 vị; tăm que cay tẩm vị, chân gà cay, râu mực cay, cá cơm, bít tết, thanh cua... có giá từ 6.000-30.000 đồng/gói. Một loại sản phẩm có tên “thịt hổ cay nội địa Trung Quốc” dạng viên cũng được bán với giá 30.000 đồng/gói 285g. Giá nhiều loại bánh kẹo được giới thiệu là “hàng nội địa Trung Quốc bán chạy nhất” cũng chỉ từ 2.000 đồng/sản phẩm.

Người bán và người mua các sản phẩm “nội địa Trung” này còn lập các nhóm trên Facebook như “Săn hàng nội địa Trung giá tốt”, “Mua hộ hàng nội địa Trung”, “Đầu mối bánh kẹo, ăn vặt nội địa Trung Quốc - Đài Loan”, “Sỉ đồ ăn vặt nội địa Trung Quốc”, “Sỉ lẻ bánh mix nội địa Trung giá rẻ”... với hàng trăm ngàn thành viên để bán buôn, bán lẻ. Hình thức giao dịch chủ yếu là người bán chào mẫu sản phẩm có sẵn và sản phẩm được đặt hàng trước (order). Với hàng order, khách phải lấy số lượng nhiều và đặt cọc tiền. Mặc dù các sản phẩm giới thiệu là “nội địa Trung Quốc” được quảng cáo về độ ngon rẻ, tuy nhiên về chất lượng hay nơi sản xuất cụ thể lại chưa thể kiểm tra, đánh giá. Trên bao bì sản phẩm, 100% đều bằng tiếng Trung, không có tiếng Anh hay dán tem phụ về thành phần, hướng dẫn sử dụng.

Mặt hàng được rao bán nhiều nhất là các loại đồ ăn vặt được coi là hot hit tại nội địa Trung Quốc như kẹo trái cây mix vị, chân gà cay Tứ Xuyên, chân gà cay Yuyu, chân vịt Dacheng, cánh vịt, đùi vịt cay Dacheng, que cay Dong Dong, bim bim cánh gà, các loại xúc xích ngô, xúc xích sụn, xúc xích cay...

Trong đó, các loại kẹo trái cây giống với các loại kẹo gây ngộ độc tại nhiều địa phương trong thời gian gần đây và bị lực lượng chức năng thu giữ được rao bán với giá rẻ từ 15 đến 25 nghìn đồng/lạng. Một tài khoản rao bán kẹo ngậm trái cây nhiều vị “15k/lạng, 30k/túi zip 2 lạng, 58k/túi zip 4 lạng, 140k/kg. Có 9 vị mix sẵn: Dâu tây, chanh dây, chanh vàng, quýt, bạc hà, việt quất, đào, nho xanh, dưa hấu”. Khi phóng viên liên hệ hỏi mua để chuẩn bị Tết thì một người bán cho biết, hàng có sẵn, đảm bảo hàng nội địa Trung Quốc, thơm ngon, chuẩn vị, an toàn vệ sinh thực phẩm, thời hạn sử dụng lâu... Các mặt hàng này người bán đã phân phối rất nhiều các tỉnh, thành và đều nhận được phản hồi tích cực. Nếu không mua sớm, gần Tết sẽ không có hàng.

Có thể thấy, các mặt hàng ăn vặt giá rẻ còn tràn về các làng quê, các hiệu tạp hóa, bày bán công khai tại các cổng trường học. Anh Trần Minh Quân (Hà Đông, Hà Nội) giật mình khi có lần cậu con trai lớp 4 mang về vài chiếc kẹo Trung Quốc chỉ có giá 3.000 đồng. Những chiếc kẹo đủ màu sắc giống hệt với những chiếc kẹo gây ngộ độc cho học sinh trong thời gian gần đây được báo chí đưa tin. Hỏi thì cậu con trai cho biết, mua ở cổng trường học và đã ăn 1-2 lần nhưng rất may chưa bị làm sao. Ngay lập tức anh cấm con không được mua đồ ăn tại cổng trường.

Còn chị Mai Anh (Thanh Oai, Hà Nội) cũng tá hỏa khi bắt gặp cô con gái mua đồ ăn vặt gần trường với giá rất rẻ. Tại cửa hàng tạp hóa, các loại đồ ăn vặt được bày bán đều có bao bì toàn chữ Trung Quốc, không có nhãn phụ tiếng Việt cũng như ngày sản xuất, hạn sử dụng như khô gà cay, que cay, thạch, ô mai, kẹo dẻo, kẹo nổ (nổ lụp bụp trong miệng khi ăn), mì vụn (mì gói bóp vụn cho vào từng gói nhỏ) với giá 1.000-5.000 đồng/gói. Ngay lập tức chị cũng cấm con mua đồ ăn vặt không rõ nguồn gốc xuất xứ khi liên tiếp xuất hiện các vụ ngộ độc thực phẩm trong thời gian gần đây.

Theo một công ty vận tải Hà Nội, hiện nay ngày càng có nhiều người nhập hàng nội địa Trung Quốc về bán do chất lượng sản phẩm tốt hơn hàng Trung Quốc xuất khẩu, đa dạng mẫu mã, tiện dụng, đa năng, giá rẻ... Ngoài các trang thương mại điện tử trong nước, người tiêu dùng còn mua hàng này trên các trang alibaba.com, taobao.com, 1688.com, tmall.com, aliexpress.com...

Tuy nhiên, có những trang (như Alibaba) chỉ bán sỉ chứ không bán lẻ, người mua khó tương tác được với người bán và thời gian nhận hàng khá lâu. Trên trang Taobao, khách được mua lẻ nhưng trên trang 1688.com thì phải mua vài chục sản phẩm trở lên mới được giá tốt và phải nhờ người mua hộ bởi trang này chỉ bán cho người dân nội địa Trung Quốc. Trang Tmall chuyên bán hàng hiệu nên giá đắt gấp 2-3 lần so với giá trên Taobao và 1688. Vì thế, việc mua được hàng nội địa Trung Quốc là rất khó. Thế nhưng, hiện nay hàng nội địa Trung Quốc lại ngập tràn trên mạng xã hội, cửa hàng tạp hóa, cổng trường học, sàn thương mại điện tử... với giá rẻ như cho.

Hiện Sở Giáo dục các tỉnh, thành phố như Bắc Giang, Quảng Ninh, Hà Nội... đã ra công điện khẩn yêu cầu nhà trường phối hợp với chính quyền địa phương tổ chức rà soát kiểm tra, xử lý các cơ sở kinh doanh quanh khu vực cổng trường nếu bày bán các sản phẩm không rõ nguồn gốc, xuất xứ. Để đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, nhà trường, giáo viên chủ nhiệm cũng chủ động tuyên truyền tới các bậc phụ huynh cảnh giác với loại kẹo này, quán triệt với học sinh không được mua những sản phẩm không rõ nguồn gốc xuất xứ.

Mai Ngọc

Nguồn ANTG: https://antg.cand.com.vn/kinh-te-van-hoa-the-thao/an-hoa-tu-banh-keo-khong-ro-nguon-goc-xuat-xu-i716115/