Ấn Độ nối lại đàm phán mua Su-57E của Nga?
Trong bối cảnh chương trình máy bay chiến đấu tàng hình nội địa AMCA đang chậm tiến độ, Ấn Độ đang xem xét việc mua máy bay Su-57E của Nga.
Thông tin được Bộ trưởng Quốc phòng Ấn Độ Rajesh Kumar Singh xác nhận trong cuộc phỏng vấn gần đây với kênh CNBC-TV18, nơi ông gọi đây là "những cuộc đàm phán nhạy cảm".

Máy bay chiến đấu Su-57 Nga và F-35 Mỹ. (Nguồn: X)
Không chỉ Nga, Ấn Độ còn đang thảo luận với Mỹ về khả năng tiếp cận tiêm kích F-35, tuy nhiên các rào cản về công nghệ và kiểm soát xuất khẩu từ phía Washington khiến lựa chọn này kém hấp dẫn hơn.
Trái lại, Nga đưa ra một đề xuất toàn diện: cung cấp Su-57E cùng với quyền chuyển giao công nghệ, cho phép lắp ráp tại nhà máy Hindustan Aeronautics Limited (HAL) ở Nashik, nơi từng sản xuất hơn 220 chiếc Su-30MKI. Mức độ nội địa hóa được đề xuất có thể đạt 40–60%, đồng thời cho phép tích hợp các hệ thống vũ khí và cảm biến do Ấn Độ tự phát triển.
Tình thế hiện tại của Không quân Ấn Độ đang khá cấp bách. Hiện lực lượng này chỉ có 31 phi đội tiêm kích, thấp hơn nhiều so với yêu cầu tối thiểu là 42. Trong đó, nhiều đơn vị vẫn sử dụng các dòng MiG-21 cũ.
Su-57E được Nga kỳ vọng là một đối trọng với các dòng tiêm kích tàng hình của phương Tây như F-35 hay F-22. Máy bay được thiết kế để thực hiện cả nhiệm vụ chiếm ưu thế trên không lẫn tấn công mặt đất, đồng thời có khả năng tác chiến điện tử.
Su-57E được trang bị radar mảng pha chủ động (AESA) N036 Byelka, hệ thống tìm kiếm hồng ngoại (IRST), và có khoang vũ khí trong để giảm diện tích phản xạ radar.
Về vũ khí, Su-57E có thể mang theo các tên lửa không đối không tầm xa R-77M (bắn xa hơn 190 km), R-37M (bắn xa đến 400 km), và tên lửa hành trình Kh-59MK2 cho các cuộc tấn công chính xác. Nga cũng đang phát triển biến thể nâng cấp sử dụng động cơ "Izdeliye 127" cho phép máy bay đạt tốc độ siêu hành trình mà không cần đốt tăng lực, một đặc điểm đặc trưng của thế hệ tiêm kích thứ năm.
Nga nhấn mạnh kinh nghiệm tác chiến thực tế của Su-57 tại Ukraine, nơi máy bay này được cho là đã thực hiện các nhiệm vụ như chế áp phòng không và tấn công chính xác.
Thế nhưng, khả năng tàng hình của Su-57E vẫn là vấn đề gây tranh cãi. Một số phân tích độc lập, trong đó có bài viết trên tạp chí The National Interest, cho rằng diện tích phản xạ radar của Su-57 lớn hơn F-35, có thể làm giảm khả năng sống sót trước các hệ thống phòng không hiện đại. Ngoài ra, các lệnh trừng phạt của phương Tây cũng đang làm gián đoạn khả năng tiếp cận linh kiện công nghệ cao của Nga, ảnh hưởng tới chất lượng hệ thống điện tử hàng không.
Dù vậy, điều hấp dẫn Ấn Độ nhất là Nga sẵn sàng chia sẻ mã nguồn điều khiển, cho phép tích hợp các vũ khí và thiết bị nội địa như tên lửa Astra, radar AESA Virupaksha và tên lửa chống radar Rudram, một mức độ hợp tác mà Mỹ chưa từng đề xuất khi chào bán F-35.
Lịch sử hợp tác quốc phòng lâu đời giữa Ấn Độ và Nga cũng là một yếu tố quan trọng. Hiện nay, lực lượng không quân Ấn Độ đang vận hành gần 300 chiếc Su-30MKI do Nga thiết kế và được lắp ráp tại chỗ.
Nga đề xuất giao nhanh từ 20–30 chiếc Su-57E trong 3–4 năm tới, sau đó cung cấp thêm 60–70 chiếc nữa trong thập kỷ tiếp theo. Cùng với đó là đề nghị bán Su-35M, dòng tiêm kích thế hệ 4.5 có tới 80% cấu trúc tương đồng với Su-30MKI, giúp rút ngắn thời gian đào tạo và bảo trì.
Ngoài Su-57E, gói đề xuất của Nga còn bao gồm cả UAV tàng hình S-70 Okhotnik-B, có khả năng phối hợp với Su-57E trong mô hình tác chiến có người lái–không người lái (MUM-T). Với tầm bay lên đến 6.000 km và thiết kế tàng hình, Okhotnik-B có thể đảm nhiệm các nhiệm vụ trinh sát sâu, đánh phá mục tiêu chiến lược mà không cần mạo hiểm sinh mạng phi công.
Trong khi đó, chương trình AMCA của Ấn Độ, dự kiến là máy bay chiến đấu tàng hình hai động cơ với radar AESA và khoang vũ khí trong, vẫn đang ở giai đoạn phát triển khái niệm. Nguyên mẫu đầu tiên chưa thể bay thử trước năm 2028, việc đưa vào biên chế có thể kéo dài đến cuối những năm 2030.
Nga thậm chí còn đề xuất hỗ trợ trực tiếp cho AMCA bằng cách chuyển giao công nghệ tàng hình, động cơ và thiết bị hàng không, có thể giúp đẩy nhanh tiến độ chương trình nội địa. Tuy nhiên, Su-57E hiện chỉ có phiên bản một chỗ ngồi, trong khi Không quân Ấn Độ đang ưu tiên máy bay hai chỗ ngồi cho một số nhiệm vụ đặc biệt, đặt ra thách thức kỹ thuật nếu muốn triển khai đại trà.