Ấn Độ đột ngột hạn chế nhập khẩu hương nhang: Nguy cơ hàng ngàn lao động thất nghiệp
Mới đây Ấn Độ đã ra thông báo hạn chế nhập khẩu sản phẩm này nên nguy cơ hàng ngàn lao động nông thôn sẽ thất nghiệp. Cùng với đó, doanh nghiệp kinh doanh, xuất khẩu mặt hàng này rơi vào tình thế lao đao.
Doanh nghiệp đối diện phá sản
Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho biết, ngày 31/8 vừa qua, Bộ Công thương Ấn Độ đã ra thông báo thay đổi chế độ nhập khẩu đối với các sản phẩm hương nhang từ nhập khẩu thông thường sang nhập khẩu hạn chế. Theo đó, việc nhập khẩu phải xin phép và được Ủy ban liên bộ Ấn Độ xem xét cấp phép theo từng lô hàng. Ngoài ra, thông báo từ Bộ Công thương Ấn Độ đưa ra có hiệu lực ngay từ ngày ký nhưng không kèm theo quy định nào về các tiêu chí, điều kiện cấp phép.
Ấn Độ là thị trường nhập khẩu chính sản phẩm hương nhang của Việt Nam. Theo phản ánh của các DN, tháng 9 hàng năm là tháng cao điểm cho hoạt động xuất khẩu hương sang Ấn Độ nhằm phục vụ cho dịp lễ lớn nhất của nước này trong tháng 10. Do đó, đây là thời điểm các DN Việt Nam tập trung cao độ nhân lực, vật lực, tài chính… để sản xuất hàng.
Là một DN có bề dày hơn 20 năm xuất khẩu hương nhang, bà Chu Thị Nguyệt – Giám đốc Công ty TNHH Ánh Hồng cho biết, chưa bao giờ DN của bà rơi vào tình trạng lao đao như hiện nay. Theo chia sẻ của nữ giám đốc, DN Ánh Hồng hiện có khoảng1.000 lao động, đã đầu tư 800 chiếc máy làm hương, mỗi chiếc trị giá 16 triệu đồng. Mới đây, để mở rộng quy mô sản xuất, DN đã xin thêm 2 ha đất đầu tư thêm 30 tỷ đồng xây dựng nhà xưởng, nên hiện tồn kho đã lên tới 20 tỷ đồng. Bà Hồng cho biết, đầu tư lớn và nguồn vốn chủ yếu là đi vay ngân hàng, trong khi lực lượng lao động chủ yếu là người trung niên ở vùng nông thôn, nếu việc xuất khẩu hương nhang bị đình đốn, nguy cơ DN phá sản là rất lớn. Đáng lo ngại nữa là gần 1.000 lao động đang làm việc tại DN sẽ rơi vào tình cảnh thất nghiệp.
Còn theo ông Võ Xuân Hợi, Giám đốc công ty Trường Giang, Công ty của ông sản xuất tập trung cho mùa cao điểm ở Ấn Độ nên nguyên vật liệu đang tồn kho ước tính khoảng 15 triệu USD. Nhiều DN khác cũng cho biết, việc siết nhập khẩu của nước tiêu thụ chính sản phẩm hương nhang như Ấn Độ đang gây ra nhiều khăn cho các DN Việt. Việc áp dụng quy định “oái oăm” này ngay lập tức là chưa có tiền lệ trên toàn thế giới, trừ các trường hợp với dịch bệnh. Nếu các cơ quan chức năng không vào cuộc mạnh mẽ, nguy cơ ngành nghề hương nhang sẽ bị triệt tiêu và các DN hoạt động trong lĩnh vực này sẽ bị sụp đổ.
Một quyết định thiếu căn cứ
Tại cuộc họp bàn về giải pháp ứng phó do VCCI tổ chức diễn ra mới đây, bà Nguyễn Thị Thu Trang - Giám đốc Trung tâm WTO và Hội nhập cho rằng, quy định mới của Ấn Độ hoàn toàn chưa có căn cứ, cả trong các quy định của WTO và Hiệp định Thương mại tự do giữa ASEAN và Ấn Độ (AIFTA). Nếu được thực thi, hệ lụy của nó sẽ rất lớn, ảnh hưởng đến toàn ngành sản xuất hương nhang của Việt Nam, bởi sau biện pháp hạn chế sẽ là cái cớ để tiến tới việc Ấn Độ cấm nhập khẩu hoàn toàn hương nhang của Việt Nam.
Nói rõ hơn, bà Trang cho hay, pháp luật của Ấn Độ không có bất cứ văn bản nào đề cập tới sản phẩm hương nhang, trong các quy định của WTO cũng vậy. Do đó, Ấn Độ cần phải tuân thủ những quy định bắt buộc của WTO, nếu áp dụng các biện pháp quy định nhập khẩu thì phải sau 21 ngày sau khi ban hành, quy định mới có thể có hiệu lực. Thậm chí, theo bà Trang, chính các nhà nhập khẩu Ấn Độ sẽ là những đơn vị phản ứng đầu tiên với quy định này của Chính phủ nước họ.
Tại cuộc họp này, ông Trần Thanh Hải - Cục phó Cục Xuất nhập khẩu, Bộ Công thương nêu quan điểm: So với tổng kim ngạch xuất khẩu chung của cả nước thì mặt hàng hương nhang là rất nhỏ, nhưng lại mang ý nghĩa lớn khi các DN xuất khẩu ngành hàng này chủ yếu là các DN nông thôn, giải quyết việc làm cho đông đảo người dân lao động ở nông thôn và còn là ngành sản xuất tận dụng các nguyên vật liệu là phế phẩm của các ngành khác, góp phần giảm thiểu và hạn chế tình trạng ô nhiễm môi trường nông thôn. Do đó, ông Hải khẳng định, Bộ Công thương sẽ quyết liệt hỗ trợ DN Việt Nam tháo gỡ khó khăn, tiếp tục có cơ hội xuất khẩu mặt hàng hương nhang vào thị trường này. Bên cạnh đó, ông Hải cũng khuyến cáo, các doanh nghiệp cần tự nâng cao năng lực cạnh tranh, sản xuất chuyên nghiệp hơn, đa dạng hóa sản phẩm, đa dạng hóa thị trường.