Ấm no loại bánh nhìn như đạn súng thần công

Bánh gai làng Khóng từ lâu trở thành đặc sản ngon nức tiếng của người dân Hà Tĩnh. Nhu cầu tiêu thụ cuối năm tăng cao, các hộ dân nơi đây phải tất bật ngày đêm mới làm đủ hàng để bán.

Làng bánh gai ngon nức tiếng tất bật ngày đêm phục vụ Tết

Tết Nguyên đán Quý Mão đang hối hả đến với làng Khóng, xã Đức Yên, nay thuộc tổ dân phố Hùng Dũng, thị trấn Đức Thọ, huyện Đức Thọ, Hà Tĩnh cùng những mẻ bánh gai ngon nức tiếng, những lò bánh đỏ lửa ngày đêm.

Nguyên liệu làm bánh gai gồm lá gai, bột nếp, đậu xanh, mật mía, cùi dừa. Để làm ra một chiếc bánh gai thơm ngon phải trải qua khá nhiều công đoạn.

Đầu tiên, lá gai sau khi phơi khô được cho vào nồi luộc chừng 2 tiếng, rồi lại tiếp tục rửa sạch. Bước tiếp theo, người thợ xay lá gai thành bột, sau đó trộn với bột nếp và mật mía, tạo thành một hỗn hợp màu đen có vị ngọt, thơm.

"Điều tạo nên sự khác biệt của loại bánh này chính là vị lá gai. Bột lá gái trộn với bột nếp, mật mía mang lại hương vị rất đặc biệt", chị Nguyễn Thị Nho (SN 1964, trú tại tổ dân phố Hùng Dũng, thị trấn Đức Thọ) cho biết.

Đậu xanh làm nhân bánh phải là những hạt căng tròn, vàng, bở. Sau khi nấu chín, đậu xanh được trộn với cùi dừa, vắt thành viên nhỏ.

Chiếc bánh khi đã nhồi nhân, bọc bột nhìn qua chẳng khác nào những quả đạn dùng cho súng thần công xưa.

Bánh được gói bằng lá chuối khô, buộc chặt, sau đó được đưa vào nồi hấp cách thủy trong khoảng một giờ.

Gia đình chị Nguyễn Thị Nho làm nghề gói bánh gai gần 40 năm nay. Hiện cơ sở làm bánh gai của chị đang thuê 10 lao động, với thu nhập 4-5 triệu đồng/người/tháng. Mỗi ngày, cơ sở của gia đình chị cung cấp ra thị trường hàng ngàn chiếc bánh.

Bà Phạm Thị Hương (68 tuổi) cho biết, từ nhỏ bà đã thấy ông bà, bố mẹ làm loại bánh này. "Giờ nó ( bánh gai-PV ) là đặc sản, ai đi đâu cũng mua ít bánh để làm quà. Đặc biệt, vào dịp Tết Nguyên đán, nhu cầu mua bánh gai càng nhiều hơn", bà Hương nói.

Bánh chín được xếp vào thùng xốp, chờ phân phối ở nhiều cửa hàng, đại lý trong huyện, tỉnh với giá 3.000-5.000 đồng/chiếc. Bánh gai là thứ bánh nguội, không ăn nóng được vì khi bóc ra vỏ bánh sẽ dính vào lá, vào tay. Trải qua nhiều thăng trầm, bánh gai làng Khóng vẫn giữ được hương vị riêng có, thường được người dân mua làm quà biếu mỗi khi đi xa.

Bà Nguyễn Thị Hợi, Chủ tịch Hội nông dân thị trấn Đức Thọ cho biết, làng nghề này có từ lâu đời. Hiện có gần 30 hộ dân duy trì nghề.

Bánh gai được làm quanh năm nhưng tập trung nhất là từ tháng 8 đến tháng 12 âm lịch. Bánh gai là loại đặc sản ngon, nổi tiếng ở Hà Tĩnh. Trung bình mỗi ngày, làng bánh gai làng Khóng xuất ra thị trường hàng vạn chiếc bánh.

"Năm 2022 làng nghề bánh gai làng Khóng được UBND tỉnh công nhận là nghề truyền thống. Nghề được truyền lại từ thời ông bà, đến nay có lẽ hơn 100 năm rồi. Công việc không chỉ mang lại thu nhập cao cho các hộ dân mà góp phần tạo công ăn việc làm cho rất nhiều lao động địa phương", bà Hợi cho biết.

Nguồn GĐ&XH: http://giadinh.net.vn/am-no-loai-banh-nhin-nhu-dan-sung-than-cong-172230110110243529.htm