Ám ảnh đuối nước: Đến hẹn lại... lo
Nắng nóng đầu mùa nhưng hàng loạt vụ đuối nước thương tâm xảy ra trên địa bàn tỉnh Nghệ An. Nạn nhân phần lớn là học sinh. Nhiều diễn đàn, giải pháp, họp bàn, cam kết nhưng đâu lại vào đó, các vụ đuối nước năm sau lại nhiều hơn năm trước.
Một tuần 7 học sinh chết đuối
Đợt nắng nóng đầu tháng 4 ở Nghệ An nhiệt độ xấp xỉ ngưỡng 40 độ C, các em học sinh tìm đến niềm vui trong việc bơi lội. Không có điều kiện tới bể bơi, nhiều em đã chọn ao, hồ, sông, suối… làm giải pháp thay thế. Không có sự giám sát của cha mẹ hay người lớn, các em phải đối mặt với nguy cơ đuối nước cao.
Từ ngày 31/3 đến 6/4, trên địa bàn tỉnh Nghệ An xảy ra 4 vụ đuối nước làm 7 em học sinh từ 10 tuổi cho đến 17 tuổi tử vong.
Ngày 31/3, tại khu vực sông Rộ, đoạn qua địa bàn thôn Thủy Phong, xã Thanh Thủy, huyện Thanh Chương xảy ra vụ đuối nước thương tâm. Nạn nhân là hai nam học sinh lớp 11.
Hay trưa ngày 3/2, một nhóm học sinh ở xã Hoa Sơn (huyện Tân Kỳ) ra khu vực bờ sông Lam, để tắm. Trong lúc tắm, 2 em T.V.H.P. (10 tuổi, học lớp 4) và T.V.P. (11 tuổi, học lớp 5) không may bị nước cuốn trôi. Sau hai ngày tìm kiếm, thi thể em T.V.H.P. được tìm thấy cách hiện trường khoảng 5km. Trước đó, vào sáng cùng ngày thi thể em T.V.P. được tìm thấy trên sông Lam, đoạn chảy qua thị trấn huyện Anh Sơn.
Một ngày sau đó, em Vi Sỹ H. (17 tuổi) trú tại xóm Khe Sài, xã Nghĩa Lộc, huyện Nghĩa Đàn khi đi chơi rồi tắm cùng bạn ở bờ sông Hiếu bị nước cuốn trôi.
Chiều ngày 6/4, tại xã Quỳnh Diễn, huyện Quỳnh Lưu và xã Văn Sơn, huyện Đô Lương xảy ra 2 vụ đuối nước. Nạn nhân là hai học sinh 10 tuổi và 15 tuổi.
Có một điểm chung là các vụ đuối nước xảy ra ở khu vực nông thôn, tại các con sông. Đa phần các nhóm học sinh rủ nhau ra sông tắm, học sinh bị nạn phần lớn đều biết bơi.
Nguy cơ tiềm ẩn
Theo Sở Lao động Thương binh và Xã hội, bình quân mỗi năm tại Nghệ An xảy ra 35 vụ đuối nước, khiến trên 50 trẻ tử vong. Trong đó, nhiều nhất là nhóm từ 5 đến 16 tuổi. Qua thống kê, từ các vụ đuối nước, tỷ lệ đuối nước tại ao, hồ nước gần nhà chiếm gần 40%. Tai nạn đuối nước xảy ra ở khu vực nông thôn cao gấp gần 4 lần so với khu vực thành thị.
Nghệ An là tỉnh có địa hình phức tạp, thời tiết khắc nghiệt, mùa hè nắng nóng kéo dài. Có bờ biển dài 82 km với 6 cửa lạch nối ra biển, hệ thống sông ngòi, đập nước, ao, hồ... nhiều (tuyến đường thủy nội địa có 13 con sông lớn, nhỏ với tổng chiều dài trên 1.000 km), luôn tiềm ẩn nhiều nguy cơ cao về tai nạn đuối nước đối với trẻ em.
Trong khi đó, tỉ lệ trẻ em biết bơi và có kỹ năng an toàn trong môi trường nước tại Nghệ An rất thấp. Bên cạnh đó, nhận thức xã hội và người dân, đặc biệt là đối với các bậc phụ huynh về phòng chống đuối nước còn hạn chế. "Sự giám sát, chăm sóc trẻ em tại các vùng nông thôn và vùng kinh tế khó khăn chưa được quan tâm nhiều. Việc tuyên truyền, giáo dục về kiến thức và các kỹ năng phòng, chống đuối nước cho trẻ em cũng chưa được triển khai một cách quy mô, bài bản. Đó là những nguyên nhân chính khiến tỉ lệ trẻ em tử vong do đuối nước tại địa phương này luôn ở mức cao", một lãnh đạo Sở Giáo dục và Đào tạo Nghệ An nói.
Để hạn chế tình trạng đuối nước, UBND tỉnh Nghệ An quyết định triển khai chính sách hỗ trợ đầu tư bể bơi và tổ chức dạy bơi cho trẻ em trên địa bàn. Từ đầu năm 2024, UBND tỉnh này giao Sở Văn hóa và Thể thao chủ trì, phối hợp với các sở, ngành hướng dẫn, chỉ đạo các huyện, thị xã tổ chức thực hiện Nghị quyết số 09/2023 của HĐND tỉnh. Theo đó, yêu cầu UBND các huyện, thị xã phải bố trí địa điểm đặt bể bơi tại trường hoặc xã, phù hợp với thực tế tại địa phương.
Về mức hỗ trợ, mỗi đơn vị cấp xã hoặc trường được hỗ trợ kinh phí đầu tư 1 bể bơi di động. Trong đó, đối với đơn vị cấp xã hoặc trường thuộc khu vực I, III vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi được hỗ trợ tối đa 100% kinh phí đầu tư bể bơi nhưng không quá 100 triệu đồng/bể. Đối với đơn vị cấp xã hoặc trường còn lại của tỉnh được hỗ trợ tối đa 70% kinh phí đầu tư bể bơi nhưng không quá 70 triệu đồng/bể.
Đã đến lúc toàn xã hội phải chung tay và có những hành động thiết thực để ngăn chặn đuối nước trẻ em. Trong đó, việc tuyên truyền một cách quy mô, bài bản và trang bị các kỹ năng về phòng chống đuối nước, tạo môi trường sống an toàn cho trẻ được xem là giải pháp quan trọng để không còn những nỗi đau mang tên đuối nước.
Mục tiêu đến năm 2025, 50% trẻ em tỉnh Nghệ An trong độ tuổi 9-16 được phổ cập bơi, biết kỹ năng an toàn trong môi trường nước. Có 100% huyện, thành phố, thị xã hoàn thành việc xây dựng mô hình "Trẻ em toàn xã biết bơi", "Học sinh toàn trường biết bơi" và giảm thiểu từ 5-10% số trẻ em tử vong do đuối nước.
Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/am-anh-duoi-nuoc-den-hen-lai-lo-169240406220607532.htm