Ai sẽ phải trả chi phí giải cứu con tàu khổng lồ Ever Given?

Dù đã được giải cứu ở kênh đào Suez, con tàu khổng lồ Ever Given có thể vẫn là tâm điểm của các cuộc chiến pháp lý kéo dài về việc ai sẽ trả chi phí giải cứu hay đền bù thiệt hại.

Con tàu dài 400 m, một trong những tàu container lớn nhất thế giới, bị mắc cạn ở bờ phía đông của kênh Suez từ ngày 23/3, chặn đứng hoàn toàn vận tải hàng hóa suốt nhiều ngày trên tuyến đường ngắn nhất nối châu Âu và châu Á.

Vụ mắc kẹt gây thiệt hại 9,6 tỷ USD mỗi ngày cho thương mại toàn cầu, khi hàng trăm tàu chở hàng khác phải "chôn chân" chờ đợi. Tổn thất đối với kênh đào Suez là 15 triệu USD mỗi ngày.

Nhưng ai sẽ phải đền bù cho các tổn thất là điều mà các điều tra viên và công ty bảo hiểm sẽ còn đấu tranh trong thời gian dài, có thể trong nhiều năm tới. Con tàu giờ đang neo đậu ở một hồ gần đó, và các điều tra viên đã lên tàu để tìm hiểu nguyên nhân vụ việc.

 Một người vẫy cờ Ai Cập sau khi tàu Ever Given thoát khỏi nơi bị mắc cạn và di chuyển trở lại. Ảnh: Getty Images.

Một người vẫy cờ Ai Cập sau khi tàu Ever Given thoát khỏi nơi bị mắc cạn và di chuyển trở lại. Ảnh: Getty Images.

Nguyên nhân sẽ quyết định ai bồi thường

Công ty vận hành về mặt kỹ thuật của tàu Ever Given, Bernhard Schulte Shipmanagement (BSM), đã đổ lỗi cho gió mạnh. “Điều tra ban đầu loại trừ các nguyên nhân kỹ thuật hoặc sự cố động cơ”, công ty này nói.

Một số nhà quan sát nói con tàu có thể đã gặp phải “hiệu ứng cánh buồm”, khi các container chất cao trên tàu đóng vai trò như cánh buồm, khiến con tàu bị ảnh hưởng bởi gió mạnh.

Nhưng một số ý kiến khác không đồng tình. Cơ quan quản lý kênh đào Suez ban đầu cho biết con tàu có thể đã mất khả năng điều khiển do gió to và bão cát.

Nhưng sau đó, Trung tướng Osama Rabie, một quan chức của cơ quan này, nói với các phóng viên rằng không thể loại trừ lỗi kỹ thuật hoặc lỗi của con người, và cuộc điều tra sẽ không chỉ tập trung vào thời tiết.

Sal Mercogliano, một chuyên gia hàng hải và giáo sư tại Đại học Campbell ở bang North Carolina, Mỹ cho rằng đang có những giả thuyết trái ngược về nguyên nhân vụ việc, vì nguyên nhân này sẽ quyết định xem ai phải chịu trách nhiệm.

“Nếu là lỗi kỹ thuật hoặc lỗi con người, thì bỗng nhiên công ty BSM và công ty vận hành tàu (công ty Evergreen Marine của Đài Loan) phải chịu trách nhiệm”, ông nói với Guardian.

Nhưng ông nói thêm rằng nếu nguyên nhân là gió to, thì các hoa tiêu (chuyên lên tàu để hướng dẫn đi qua kênh Suez) lẽ ra không nên đưa tàu Ever Given vào kênh. “Vậy trách nhiệm thuộc về hoa tiêu. Hãy nhớ rằng con tàu mới chỉ vào con kênh được khoảng 8 km khi vụ việc xảy ra”, ông nói thêm.

Tuy nhiên, quy định của cơ quan quản lý kênh Suez ghi rằng các tàu phải “chịu trách nhiệm hoàn toàn” cho mọi hư hại, trừ khi công ty vận hành tàu chứng tỏ được rằng đây là một vụ tai nạn.

 Một tàu kéo giải cứu tàu container Ever Given. Ảnh: AP.

Một tàu kéo giải cứu tàu container Ever Given. Ảnh: AP.

Chi phí “sẽ ở mức khổng lồ”

James Davey, chuyên gia hàng hải của Đại học Southampton ở Anh, cho biết các cuộc kiện tụng về pháp lý có thể rơi vào 5 nhóm: Hư hại cho con tàu; hư hại cho hàng hóa; chi phí làm nổi và giải cứu tàu; thiệt hại tài chính cho cơ quan quản lý kênh Suez, bao gồm hư hại cho con kênh; và thiệt hại đối với các tàu phải dừng chờ.

Ông cho biết chi phí làm nổi và giải cứu con tàu “sẽ ở mức khổng lồ”, và có thể sẽ do gói bảo hiểm của con tàu và của hàng hóa cùng chi trả.

Một vấn đề nữa là ai sẽ đền bù thiệt hại cho kênh Suez. Quy trình xác định trách nhiệm sẽ mất nhiều thời gian.

Công ty luật Clyde & Co ước tính rằng tàu Ever Given có thể có trị giá khoảng 110 triệu USD, trong khi giá trị của hàng hóa có thể là 500 triệu USD.

Jamil Sayegh, chuyên gia hàng hải ở Beirut, cho biết khó có khả năng thuyền trưởng của tàu phải đối mặt với trách nhiệm hình sự, nhưng có thể vẫn có phần trách nhiệm nếu bị kết luận là bất cẩn.

Ông nói một tương lai kiện tụng liên miên, phức tạp đang chờ đón tàu Ever Given, vì mỗi container trong số 20.000 container trên tàu có liên quan tới 8-9 bên có quyền lợi. Chưa kể đến 9,6 tỷ USD hàng hóa trên hơn 300 tàu phải dừng đợi.

Một số chủ tàu và công ty vận hành tàu phải cân nhắc lựa chọn còn lại cho các tàu hàng di chuyển giữa châu Á và châu Âu là vòng qua mũi Hảo Vọng ở phía nam châu Phi, nhưng con đường đó mất thêm một cho tới vài tuần, và thêm hàng chục nghìn USD vào chi phí chuyến đi, theo Wall Street Journal.

Công ty đánh giá tín dụng Fitch Ratings gọi đây là “vụ việc gây tổn thất lớn nhất cho ngành tái bảo hiểm”. Đây là các công ty bảo hiểm cho các hãng bảo hiểm.

Công ty bảo hiểm của tàu Ever Given, mang tên “UK Protection and Indemnity Club”, sẽ nhận hàng loạt yêu cầu đền bù.

Bình luận về vụ việc, công ty này cho biết “mọi yêu cầu bồi thường chính đáng sẽ được cân nhắc bởi chủ tàu, bởi UK Club (công ty bảo hiểm), và các cố vấn pháp lý trong thời gian thích hợp”.

Điều này đồng nghĩa với hàng chục tỷ USD tổng giá trị và nhiều năm kiện tụng. Ông Sayegh nói các công ty, cũng như các luật sư hàng hải, sẽ có “nhiều năm bận rộn ở phía trước”.

'Làm sao giải cứu con tàu mắc kẹt ở kênh đào Suez? Hãy gọi Godzilla!' Kênh CNN đã nhờ một số phụ huynh hỏi con cái họ làm cách nào để đưa con tàu Ever Given đang mắc cạn di chuyển trở lại và khai thông kênh đào Suez.

Trọng Thuấn

Theo Guardian

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/ai-se-phai-tra-chi-phi-giai-cuu-con-tau-khong-lo-ever-given-post1199233.html