Ai mới có lương tâm?

Lương tâm theo từ điển Wikipedia mở là ý thức chủ quan của cá nhân về nghĩa vụ và trách nhiệm của mình đối với xã hội, được coi như là nghĩa vụ và trách nhiệm đối với bản thân. Nếu như theo nghĩa này thì 'đám dân chủ cuội' ở hải ngoại, trong đó có Việt Tân sẽ không bao giờ có lương tâm. Chúng suốt ngày thốt ra những từ ngữ xuyên tạc, chống phá đất nước, đi ngược lại với sự phát triển của xã hội Việt Nam thì lương tâm đối với Việt Tân là điều xa xỉ.

Vừa qua, vụ việc Trường THPT Marie Curie tại TP. Hà Nội có những khoản thu chưa hợp lý bị đưa lên mạng xã hội. Lợi dụng việc này, Việt Tân nhanh chóng “chuyện bé xé ra to”. Chúng liên tục đăng tải các dòng tít với nội dung chê trách nền giáo dục Việt Nam kiểu như: “giáo dục dưới thời Đảng”, “bi hài cho nền giáo dục Việt Nam”, “hội phụ huynh sinh ra để làm gì”… Và đặc biệt, chúng còn tự đặt ra câu hỏi “thầy giáo có còn lương tâm?” để tạo ra một bức tranh lạm thu vô tội vạ của nền giáo dục Việt Nam. Không dừng lại ở đó, chúng còn ra sức quảng bá cho nền giáo dục phương Tây và coi đó là con đường duy nhất có tương lai tươi sáng cho thế hệ trẻ. Mục đích của chúng là kích động tư tưởng bất mãn, chống đối chính quyền bằng cách hạ thấp uy tín nền giáo dục, phủ nhận sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước đối với công tác GD&ĐT.

Đứng trước cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4, GD&ĐT lại càng có vị trí, vai trò quan trọng, là kim chỉ nam cho việc vươn đến tri thức, phát triển bền vững của xã hội. Chính vì lẽ đó, việc ưu tiên phát triển giáo dục là quan trọng hàng đầu của tất cả quốc gia, trong đó có Việt Nam. Đó cũng là lĩnh vực mà các thế lực thù địch trong và ngoài nước thường xuyên chống phá, phủ nhận, hạ thấp vai trò lãnh đạo của Đảng, Nhà nước, Chính phủ đối với công tác GD&ĐT của nước nhà.

Khi vừa giành được độc lập cho dân tộc, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã rất quan tâm đến đường lối phát triển giáo dục. Cả cuộc đời, sự nghiệp của Bác chỉ có một ham muốn tột bậc là làm sao cho nước ta được hoàn toàn độc lập, đồng bào ai cũng có cơm ăn, áo mặc, ai cũng được học hành. Theo quan điểm của Người thì “một dân tộc dốt là một dân tộc yếu”. Bác đã đi xa nhưng tư tưởng của Người vẫn còn đó, luôn thôi thúc toàn Đảng, toàn dân, toàn quân coi sự nghiệp GD&ĐT là quốc sách hàng đầu. Từ đó, trong suốt chặng đường lịch sử đã đi qua, nền GD&ĐT Việt Nam đã trải qua nhiều lần cải cách và thu được những thành tựu rất quan trọng. Những kết quả đạt được đã góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và sánh ngang với các cường quốc năm châu như Bác từng mong muốn.

Tính đến năm 2022, việc phổ cập giáo dục tiểu học mức độ 2 và đạt chuẩn phổ cập giáo dục THCS mức độ 1 đã có 63/63 tỉnh, thành phố hoàn thành. Đa số các địa phương đã triển khai hoàn thành tốt chương trình giáo dục phổ thông mới, học sinh học cả buổi sáng và chiều. Theo báo cáo của Ngân hàng Thế giới (WB) năm 2020 về vốn, nhân lực, thành phần và kết quả giáo dục thì Việt Nam đứng tương đương với các nước phát triển như Thụy Điển, Hà Lan, đạt thứ hạng 15. Ngoài ra, tỷ lệ học sinh tiểu học hoàn thành chương trình sau 5 năm học đứng ở top đầu các quốc gia ASEAN, đạt 92,08%. Kết quả tham gia các cuộc thi Olympic quốc tế của học sinh, sinh viên Việt Nam có bước tiến bộ rõ rệt. Giai đoạn 2011-2015, Việt Nam chỉ giành được 27 huy chương vàng; tuy nhiên, giai đoạn 2016-2020, con số đó là 49 huy chương vàng. Theo báo cáo của Chương trình đánh giá học sinh quốc tế (PISA), Việt Nam đầu tư cho giáo dục chưa cao nhưng có kết quả vượt trội so với trung bình các nước trong khối Hợp tác và phát triển kinh tế (OECD). Luật Giáo dục năm 2019 cũng quy định ngân sách nhà nước cần dành tối thiểu 20% đầu tư và giữ vai trò chủ đạo tổng nguồn chi cho giáo dục. Từ năm 2011-2020, mức đầu tư ngân sách cho giáo dục Việt Nam khoảng 4,9% GDP, đạt hơn 18% tổng thu ngân sách hằng năm. Có năm, Việt Nam chi gần 19% ngân sách cho giáo dục, đó là mức chi so với tổng GDP không hề thấp đối với các nước trong khu vực và trên thế giới.

Thời điểm dịch Covid-19 bùng phát vào các năm 2019, 2020 và 2021 đã làm mọi hoạt động kinh tế, xã hội bị xáo trộn, ngưng trệ, trong đó có ngành GD&ĐT. Đứng trước câu hỏi làm sao để các em học sinh có thể tiếp tục theo bài, bám lớp, Bộ GD&ĐT đã nhanh chóng triển khai chương trình dạy học trực tuyến, kết nối học sinh và các thầy cô giáo. Thủ tướng Chính phủ đã phát động chương trình “Sóng và máy tính cho em” vào ngày 12-9-2021. Đây là chương trình hỗ trợ học sinh hoàn cảnh khó khăn không có điện thoại, máy tính để học online. Chính nhờ những chính sách hỗ trợ này, hàng triệu học sinh, sinh viên hoàn cảnh khó khăn đã được tiếp tục học tập, tiếp cận tri thức, không để ai bị bỏ lại phía sau.

Dưới tác động của nền kinh tế thị trường, mọi lĩnh vực đời sống xã hội đều có bước phát triển nhanh. Quá trình phát triển nhanh đó, việc mắc phải sai lầm, khuyết điểm là điều bình thường và lĩnh vực GD&ĐT không phải ngoại lệ. Vì vậy, không thể đánh đồng một số hạn chế, khuyết điểm của cá nhân rồi quy chụp đó là sai lầm của cả hệ thống ngành giáo dục, đổ lỗi cho Đảng, Nhà nước, Chính phủ. Theo tinh thần của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng thì bất kỳ sai phạm nào cũng đều phải xử lý nghiêm minh, không có vùng cấm, không có ngoại lệ và những cá nhân, tổ chức sai phạm trong ngành giáo dục cũng phải nằm trong quy định đó.

Thành tựu của nền giáo dục Việt Nam được thể hiện sinh động qua những số liệu ấn tượng là minh chứng cho sự lãnh đạo của Đảng ta. Mặc dù trong thời gian qua với nhiều nguyên nhân khác nhau, giáo dục nước ta còn tồn tại một số hạn chế, bất cập. Song không vì thế mà những đối tượng thù địch có thể xuyên tạc, phủ nhận nền giáo dục Việt Nam. Và những kẻ không có lương tâm như Việt Tân hay một số tổ chức chống đối Việt Nam khác không có quyền gì để phán xét người khác có hay không có lương tâm.

Công Luận

Nguồn Bình Phước: https://baobinhphuoc.com.vn/news/33/137910/ai-moi-co-luong-tam