Afghanistan và Pakistan vẫn căng thẳng sau khi Taliban lên nắm quyền
Bất chấp sự thay đổi chế độ (Taliban lên nắm quyền), Afghanistan vẫn âm ỉ mối nghi ngờ sâu sắc đối với Pakistan. Afghanistan vẫn coi Pakistan như một láng giềng thích can thiệp.
Thái độ thù địch của chế độ Taliban đối với Pakistan
Ba tháng đầu tiên Taliban cầm quyền là giai đoạn sóng gió trong quan hệ giữa Pakistan và giới chức mới của Afghanistan.
Mặc dù việc Pakistan ủng hộ phong trào nổi dậy Taliban cuối cùng đã đạt được mục đích là giảm nhẹ ảnh hưởng của Ấn Độ ở Afghanistan, thắng lợi của nhóm Hồi giáo vũ trang này không trở thành liều thuốc bách bệnh cho việc hàn gắn quan hệ song phương giữa 2 nước.
Thái độ thù địch của lực lượng Taliban Afghanistan đối với Pakistan là điều không phải bàn cãi. Các chiến binh Taliban mới đây còn nói với truyền thông rằng họ muốn mở rộng cuộc thánh chiến của họ sang Pakistan bởi vì chính quyền của Pakistan là "phi Hồi giáo". Hồi tháng 9/2021, các chiến binh Taliban đã giật lá quốc kỳ Pakistan khỏi một đoàn xe cứu trợ đi vào Afghanistan tại biên giới Torkham, khiến chế độ cầm quyền ở Kabul phải lên tiếng xin lỗi.
Vào một dịp khác, theo một cáo buộc, một nhà báo Pakistan đã bị các chiến binh Taliban bắt cóc và tra khảo vì sao không chịu ủng hộ thánh chiến ở Pakistan. Nhà phân tích về khủng bố Faran Jeffrey cho rằng, các chiến binh Taliban trẻ tuổi tỏ ra rất xem thường Pakistan, gọi đây là chế độ vô thần.
Ngoài ra, theo nhà nghiên cứu độc lập Abdul Sayed, các tài khoản Twitter liên quan đến Taliban liên tục bày tỏ quan điểm cho rằng tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng IS được Pakistan chống lưng. Một đoạn tweet trên mạng xã hội này hồi giữa tháng 10/2021 tuyên bố rằng "trung tâm của IS là Pakistan".
Đây là kết quả của nhiều năm thù địch. Khi nói chuyện với truyền thông Canada trong 1 thập kỷ qua, nhiều chiến binh Taliban bày tỏ sự khinh miệt đối với Pakistan. Một cuộc nghiên cứu vào năm 2019 phát hiện ra rằng "các thành viên Taliban biểu lộ sự phẫn uất đối với ảnh hưởng của Pakistan đối với tổ chức của họ và các vấn đề rộng lớn hơn của Afghanistan".
Tâm lý bài Pakistan tràn ngập khắp Afghanistan. Các nhân vật trong giới chính trị thường xuyên tìm cách hạ uy tín của nhau bằng cách tố đối phương là người đại diện cho Pakistan. Còn chính quyền Afghanistan trước đây liên tục tố Pakistan ủng hộ Taliban, trong lúc tổ chức khủng bố IS-K thì hay gọi Taliban là chế độ ngụy của Cơ quan Tình báo Liên ngành Pakistan.
Để chống lại các cuộc công kích trên và xây dựng hình ảnh một phong trào dân tộc chính đáng, Taliban thường xuyên hạ thấp mối quan hệ giữa mình với Pakistan. Gần đây phát ngôn viên của Taliban là Zabihullah Mujahid đã phủ nhận tổ chức của mình trung gian cho các cuộc đàm phán giữa Pakistan và TTP (nhóm Hồi giáo cực đoan Tehreek-e-Taliban Pakistan), đồng thời bác bỏ các thông tin cho rằng Taliban đã đề nghị thực hiện hoạt động quân sự chống lại TTP.
Quan hệ Afghanistan-Pakistan vốn đã căng thẳng do các nhân tố cấu trúc sâu - các nhân tố này sẽ không biến mất đơn giản chỉ vì Taliban nlênắm quyền. Một báo cáo của USIP (được hoàn thành trước khi Taliban nắm được chính quyền vào tháng 8/2021) nhận định: "Bất cứ chính quyền nào cuối cùng cũng sẽ đối mặt với một quan hệ với Pakistan thúc đẩy bởi những vấn đề mà về mặt lịch sử đã xác lập mối quan hệ song phương".
Trở ngại trong quan hệ song phương thời Taliban
Một trong các vấn đề gai góc ở đây là chủ quyền. Khu vực biên giới tranh chấp - tuyến Durand, chưa bao giờ được bất cứ chính quyền Afghanistan nào công nhận, kể cả chính quyền Taliban giai đoạn 1996-2001. Thời kỳ diễn ra cuộc chiến do Mỹ dẫn dắt, nơi đây chứng kiến các vụ đụng độ thường xuyên.
Không có lý do nào để tin rằng chế độ hiện tại ở Afghanistan sẽ công nhận tuyến Durand. Các chiến binh Taliban đã bày tỏ quan điểm cho rằng các khu vực đông người Pashtun sinh sống ở Pakistan là thuộc về Afghanistan. Taliban bị cáo buộc là phá rối hoạt động xây dựng rào biên giới mà Pakistan đã gần như hoàn thành.
Trong một cuộc phỏng vấn sau khi Taliban lên nắm quyền, phát ngôn viên Zabihullah Mujahid của tổ chức này cho biết, "Afghanistan không hài lòng và phản đối việc dựng rào", ngụ ý rằng chính thể mới sẽ không công nhận đường biên giới nói trên, mặc dù Taliban chưa ban bố một chính sách chính thức về điều này.
Căng thẳng ở vùng biên giới giữa 2 nước vẫn kéo dài từ tháng 8 đến nay.
Lo sợ làn sóng người tị nạn và sự xâm nhập của các chiến binh Hồi giáo, Pakistan đã hạn chế việc nhập cảnh đối với các công dân Afghanistan tại cửa khẩu Torkham và Chaman, khiến Taliban đóng cửa cửa khẩu thứ 2 trong hàng tuần lễ. Bạo lực đã bùng phát, còn thương mại bị đảo lộn khi các thương nhân phải xếp hàng dài trong lúc sản phẩm của họ bị thối rữa, hư hỏng dần. Kết quả là, xuất khẩu của Pakistan sang Afghanistan đã giảm mạnh.
Không chỉ vận tải đường bộ gặp vấn đề. Hồi tháng 10/2021, hãng hàng không quốc tế PIA của Pakistan đã phải ngừng các chuyến bay sang Kabul. Hãng này viện dẫn lý do là Taliban được cho là đã hăm dọa nhân viên của họ, thậm chí còn gí súng bắt giữ một cán bộ của PIA trong nhiều giờ đồng hồ.
Một nguyên nhân căng thẳng nữa là các hoạt động của Mỹ chống khủng bố. Pakistan được cho là đã cho phép Mỹ sử dụng không phận của mình để điều khiển máy bay bay vào vùng trời của Afghanistan. Nhưng Taliban phản đối các chuyến bay UAV của Mỹ và cảnh báo về hậu quả. Theo logic đó, Islamabad có thể bị xem là tòng phạm trong chuyện vi phạm chủ quyền của Afghanistan.
Chính quyền Afghanistan trước đây lo ngại việc Pakistan ủng hộ Taliban. Còn nay khi Taliban lên nắm quyền rồi, đến lượt Pakistan lại lo ngại về mối liên hệ giữa Taliban và các nhóm chiến binh chống Pakistan, bao gồm cả cáo buộc về việc cung cấp nơi trú ẩn cho TTP - tuyên bố này đã bị Taliban phủ nhận.
Taliban cơ bản tránh việc kiềm chế TTP do các chiến binh của TTP có thể đào tẩu sang IS-K nếu họ vấp phải quá nhiều áp lực từ Afghanistan. Mạng lưới Haqqani hiện đang trung gian hòa giải cho Pakistan và TTP. Tuy nhiên, phe Haqqani cũng từng làm vậy trước kia và chẳng mang lại hòa bình dài lâu.
Một nhân tố kinh niên khác trong quan hệ song phương là vấn đề buôn lậu ma túy. Ma túy bùng phát thời kỳ Mỹ tham chiến ở Afghanistan, với khu vực trồng thuốc phiện tăng gấp đôi tính từ năm 2000. Trong khi Taliban thề sẽ trấn áp ma túy, việc buôn bán ma túy dường như vẫn tiếp diễn. Người ta đã thông tin về các đợt thu giữ lớn heroin, methamphetamine, và hashish.
Trước khi Taliban giành được chính quyền, người ta hy vọng rằng căng thẳng chính trị sẽ được xoa dịu thông qua các dự án năng lượng và cơ sở hạ tầng như đường ống dẫn khí TAPI và một tuyến đường sắt nối Uzbekistan với Pakistan thông qua Afghanistan. Nhưng các sáng kiến này đối mặt với vô số trở ngại, và trở nên phức tạp hơn với các lệnh trừng phạt nhằm vào Taliban.
Hơn nữa, Pakistan đã đánh mất ảnh hưởng của họ của đối với Taliban vào tay Qatar. Ngoại trưởng Qatar là quan chức đầu tiên thăm Kabul sau cuộc thay đổi chính quyền ở Afghanistan. Qatar hiện cũng đại diện cho lợi ích của Mỹ ở Afghanistan.
Tuy nhiên, nội các lâm thời của Taliban chứa đựng các thành viên của Mạng lưới Haqqani vốn có quan hệ gần gũi với Pakistan. Quan hệ giữa chế độ mới ở Kabul và Islamabad cho tới nay dẫu sao vẫn tránh được căng thẳng dưới thời chính phủ Afghanistan tiền nhiệm của Ashraf Ghani.
Mặc dù Pakistan chưa công nhận chính quyền mới ở Afghanistan, giới chức ngoại giao Taliban đã được cử tới nhiều nơi ở Pakistan. Tình hình biên giới phần nào được cải thiện trong các tuần gần đây.
Thế nhưng không có gì bảo đảm cho các bước tiến này. Mối nghi ngờ vẫn tồn tại giữa hai nước./.