AfCFTA mở rộng cánh cửa giao thương trên toàn lục địa
Hội nghị thượng đỉnh Liên minh châu Phi (AU) đang diễn ra tại Niamey, Thủ đô của Niger, chủ yếu xoay quanh vấn đề thương mại.
Hội nghị lần này chính thức đánh dấu việc triển khai Hiệp định Khu vực Thương mại tự do châu Phi (AfCFTA), mở rộng cánh cửa giao thương giữa các quốc gia tại lục địa 1,2 tỷ dân và một thị trường trị giá tới 2.500 tỷ USD. Đây cũng được xem là bước tiến hướng tới "hòa bình và thịnh vượng ở châu Phi".
Phát biểu khai mạc hội nghị, Tổng thống nước chủ nhà Niger Mahamadou Issoufou nhấn mạnh, việc Hiệp định Khu vực Thương mại tự do châu Phi có hiệu lực là sự kiện quan trọng nhất đối với châu Phi kể từ khi thành lập Tổ chức Thống nhất châu Phi (OAU) vào năm 1963 và sau đó chuyển thành Liên minh châu Phi ngày nay.
“Hiệp định này sẽ chứng minh lợi ích quốc gia và dân tộc của chúng ta có mối liên hệ chặt chẽ với thương mại nội khối châu Phi. Điều này cũng là do người dân châu Phi và các quốc gia thành viên trong khối đều hiểu rõ lợi thế của mình. Khu vực Thương mại tự do châu Phi sẽ đóng vai trò to lớn trong việc xóa bỏ ranh giới 84.000 km vốn được hình thành từ thời thuộc địa, đảm bảo sự đoàn kết toàn diện cho toàn châu lục” - Tổng thống Niger Mahamadou Issoufou nói.
Nói một cách cụ thể, hiệp định này nhằm mục đích tạo ra một thị trường thống nhất cho các quốc gia thành viên của Liên minh châu Phi (AU) bằng cách xóa bỏ các rào cản thương mại như thuế quan trên khắp châu lục. Nó cũng được kỳ vọng sẽ góp phần thúc đẩy thương mại khu vực và cho phép các công ty mở rộng và thâm nhập vào các thị trường mới. Với hiệp định này, châu Phi trở thành khu vực mậu dịch tự do lớn nhất thế giới nếu tính theo số nước tham gia. Các nước thành viên cam kết sẽ bãi bỏ thuế đối với hơn 90% các mặt hàng trong tương lai.
Đa số các quốc gia thành viên Liên minh châu Phi đã ký hiệp định thành lập Khu vực Thương mại tự do châu Phi tại Thủ đô Kigali của Rwanda hồi tháng 3/2018. Với việc 4 quốc gia mới chính thức thông báo vào sáng qua (7/7) về việc tham gia Hiệp định Khu vực Thương mại tự do châu Phi, trong đó có Nigeria - nền kinh tế lớn nhất châu Phi, tổng số thành viên của thị trường chung này được nâng lên con số 54/55 quốc gia thành viên Liên minh châu Phi.
Tại hội nghị, lãnh đạo các nước Liên minh châu Phi đã nhất trí về công cụ hoạt động của Khu vực Thương mại tự do châu Phi gồm hệ thống thanh toán kỹ thuật số, cổng thông tin giám sát, quy tắc xuất xứ... Hiện các cuộc thương thảo tiếp tục xoay quanh lịch trình giảm thuế hải quan, mức thuế quan cũng như việc lưu thông hàng hóa nhập khẩu ngoài khối. Dự kiến Hiệp định Khu vực Thương mại tự do châu Phi sẽ đi vào hoạt động từ ngày 1/7/2020.
Tuy nhiên, tiến trình đàm phán về kế hoạch triển khai Hiệp định Khu vực Thương mại tự do châu Phi theo lộ trình vẫn đang đứng trước nhiều thách thức. Một số ý kiến cho rằng việc thiếu các nền kinh tế bổ sung hay hàng nhập khẩu giá rẻ sẽ làm tổn thương các nhà sản xuất nông nghiệp và công nghiệp nhỏ trong nước.
Các nhà lãnh đạo Liên minh châu Phi vẫn cần giải quyết những vấn đề then chốt, trong đó có việc lập ra các tiêu chuẩn chung để quyết định các quy tắc xuất xứ của sản phẩm được giao dịch. Chuyên gia kinh tế thì nhận định, những thách thức đáng kể vẫn còn, trong đó phải kể tới các vấn đề liên quan tới cơ sở hạ tầng đường bộ và đường sắt còn nghèo nàn, nhiều khu vực vẫn chứng kiến tình trạng bất ổn, quan liêu, tham nhũng …vốn kìm hãm sự phát triển cũng như tiến trình hội nhập./.
Nguồn VOV: https://vov.vn/kinh-te/afcfta-mo-rong-canh-cua-giao-thuong-tren-toan-luc-dia-929871.vov