9 ngôi chùa của đặc khu Trường Sa đồng loạt thỉnh chuông chào mừng ngày 'sắp xếp lại giang sơn'
Đúng 6h sáng hôm nay (1/7), 9 ngôi chùa ở Trường Sa đã đồng loạt thỉnh 3 hồi chuông vang vọng, vượt sóng gió đại dương để cầu quốc thái dân an, khơi dậy sức mạnh đoàn kết dân tộc và chào mừng ngày 'sắp xếp lại giang sơn' của tổ quốc Việt Nam.

Sư thầy Thích Quy Thái và lãnh đạo đảo Sinh Tồn thực hiện nghi lễ thỉnh chuông. Ảnh: Trần Nguyên Phong
Sáng sớm ngày 1/7, phóng viên báo Pháp luật Việt Nam đã kết nối thông tin với các vị sư trụ trì, cán bộ, chiến sỹ đang công tác trên các đảo tại quần đảo Trường Sa.

Đại đức Thích Chúc Thành thực hành kinh kệ trong Đại hùng Bảo điện chùa Sinh Tồn Đông. Ảnh: Trần Nguyên Phong
Đại đức Thích Chúc Thành - Trụ trì chùa đảo Sinh Tồn Đông (đặc khu Trường Sa) cho biết: Như thường nhật, sáng nay ông vẫn thức giấc từ tinh mơ để theo việc kinh kệ Phật sự. Nhưng vào đúng 6h, theo chỉ đạo chung của Giáo hội Phật Giáo Việt Nam, đại đức đã thỉnh ba hồi chuông và trống Bát nhã vang vọng trầm ngân cầu quốc thái dân an, khơi dậy sức mạnh đoàn kết dân tộc, hồn thiêng sông núi đất nước Việt Nam và chào mừng ngày đầu tiên “sắp xếp lại giang sơn”, vận hành mô hình chính quyền địa phương hai cấp trong cả nước.
Không chỉ riêng chùa đảo Sinh Tồn Đông, tất cả ngôi chùa trên các: Song Tử Tây, Nam Yết, Sơn Ca, Sinh Tồn, Đá Tây A, Phan Vinh, Trường Sa Đông, Trường Sa của đặc khu Trường Sa sáng 1/7 cùng đồng loạt thình 3 hồi chuông, trống bát nhã.

Hiện đặc khu Trường Sa có 9 ngôi chùa với vẻ uy nghi, trầm mặc. Ảnh: Trần Nguyên Phong
Sau khi thỉnh chuông và tụng kinh niệm lễ cầu mong bình an, Đại đức Thích Chúc Thành đã dùng diện thoại để nhắn tin chúc mừng đến nhiều bạn bè, người thân.
Trong dòng tin nhắn, đại đức viết: “Hòa chung trong không khí mới của dân tộc, em chúc anh luôn giữ vững niềm tin như giữ lấy tròng mắt, tiếp tục đốt lên ngọn lửa cống hiến cho quê hương đất nước. Và dù là vùng trời quê hương nào cũng là bầu trời của Tổ quốc Việt Nam”.
Đại đức Thích Quy Thái - Trụ trì chùa Sinh Tồn – thông tin thêm: “Đây là sự kiện lịch sử vô cùng đặc biệt trong tiến trình dân tộc bước vào kỷ nguyên mới phát triển phồn vinh, thịnh vượng. Với truyền thống Phật giáo đồng hành cùng dân tộc trong mọi chặng đường lịch sử, nên việc đồng loạt thỉnh chuông, trống Bát nhã cầu quốc thái dân an, tụng kinh… là việc hoạt động thường xuyên, nhiều lần vào các ngày lễ trọng của đất nước và Ngày Thương binh - Liệt sĩ 27/7 hằng năm. Tuy nhiên, cũng hiếp có dịp mà các ngôi chùa trên toàn lãnh thổ đồng loạt gióng chuông vào cùng 1 thời điểm”. Theo đại đức, việc làm này không chỉ thể hiện tinh thần đoàn kết một lòng, với ý nghĩa tâm linh, tiếng chuông, trống bát nhã cùng lúc được vang lên ở tất cả các ngôi chùa còn thể hiện một sự hợp lực, làm tăng thêm sức mạnh của những niềm tin tâm linh.

Chánh điện chùa Song Tử Tây uy nghi. Ảnh: Trần Nguyên Phong
Hiện trên quần đảo đặc khu Trường Sa có 9 ngôi chùa. Cũng như những vùng quê khác trong đất liền, tại các điểm đảo, hình ảnh ngôi chùa đã hiện hữu thân thuộc trong đời sống của quân và dân trên đảo.
Cả 9 ngôi chùa trên quần đảo hiện nay đều được tôn tạo, phục dựng với cấu trúc tổng thể, phong cách kiến trúc, dáng dấp, tỷ xích, cảnh quan thuần Việt. Công trình hài hòa với cây xanh.
Giữa muôn trùng khơi, ngôi chùa hiển hiện như chốn linh thiêng đặc biệt, là cột mốc tâm linh, nơi gửi gắm những điều tốt đẹp, là điểm tựa vững chắc cho quân và dân trên các đảo để khẳng định chủ quyền biển đảo thiêng liêng, bất khả xâm phạm của Tổ quốc Việt Nam.
Đại đức Thích Chúc Thành chia sẻ: “Chùa không chỉ là nơi thờ Phật, mà còn là ngọn đèn sáng giữa biển khơi. Chúng tôi gìn giữ không chỉ niềm tin mà còn là tình yêu với biển cả, với quê hương đất nước. Dưới mái chùa nơi này, dù cách xa đất liền nhưng lòng người vẫn luôn ấm áp, bình yên và nguyện tiếp thêm sức mạnh cho cán bộ, chiến sĩ và nhân dân trên đảo giữ gìn toàn vẹn chủ quyền lãnh thổ thiêng liêng của Tổ quốc”.

Quân và dân đảo Sinh Tồn đi lễ chùa. Ảnh: Trần Nguyên Phong