9 cuốn nhật ký tướng Hoàng Đan và vợ viết chung trong 3 năm

Trong khoảng thời gian sống xa nhau, tướng Hoàng Đan và bà An Vinh đều đặn viết nhật ký mỗi ngày. Cuối tuần, ông sẽ đạp xe lên chỗ vợ, hai người trao đổi nhật ký.

 Tướng Hoàng Đan và vợ là đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị An Vinh khi còn trẻ.

Tướng Hoàng Đan và vợ là đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị An Vinh khi còn trẻ.

"Cháy hàng" tại nhiều hiệu sách, tái bản lần thứ tư chỉ sau một tháng rưỡi phát hành với 2,6 vạn bản đã cho thấy sự đón nhận nhiệt tình của độc giả dành cho cuốn sách Thư cho em của tác giả Hoàng Nam Tiến.

Sau sự kiện ra mắt hồi giữa tháng 4, nhân dịp cuốn sách được tái bản lần 4, ông Hoàng Nam Tiến tiếp tục có buổi giao lưu cùng bạn đọc tại Bưu điện Hà Nội, nơi không chỉ có ý nghĩa lịch sử và văn hóa với thủ đô, mà còn là “chứng nhân lịch sử” gắn liền với những kỷ niệm sâu sắc của gia đình tác giả. Đây vừa là nơi trao - nhận những lá thư tình yêu giữa tướng Hoàng Đan và bà An Vinh, cũng là phương cách liên lạc duy nhất của bao người yêu nhau, bao gia đình trong những năm tháng gian khó của dân tộc.

Tại sự kiện, ông Hoàng Nam Tiến - con trai út của tướng Hoàng Đan và bà An Vinh - cùng độc giả trò chuyện về tình yêu, tuổi trẻ, đặc biệt về những lá thư tay.

Câu chuyện tình truyền cảm hứng

Thư cho em là tổng hợp những bức thư kể lại câu chuyện tình yêu của tướng Hoàng Đan và vợ là Đại biểu quốc hội Nguyễn Thị An Vinh trong suốt 30-40 năm khói lửa của lịch sử dân tộc.

Chia sẻ tại sự kiện, ông Hoàng Nam Tiến bày tỏ sự cảm kích khi nhận được những "feedback" dễ thương của bạn đọc sau khi đọc Thư cho em.

"Một bạn trẻ từng nói với tôi: 'Chú ơi, sau khi đọc sách của chú, cháu tin là tình yêu có thật'. Hay như có vợ chồng cô chú kia ngoài 70 tuổi gửi thư về, nói rằng đã cùng nhau đọc Thư cho em, rồi không giận nhau nữa...", ông kể.

 Ông Hoàng Nam Tiến giao lưu với độc giả tại sự kiện chiều 25/5. Ảnh: A.H.

Ông Hoàng Nam Tiến giao lưu với độc giả tại sự kiện chiều 25/5. Ảnh: A.H.

Với sự đón nhận nhiệt tình của độc giả, ông Hoàng Nam Tiến cũng cho hay đang hợp tác với ứng dụng sách nói Fonos để cho ra mắt phiên bản nghe của tác phẩm. Đặc biệt, chính ông sẽ là người góp giọng đọc và có phần bình luận của bản thân, kể thêm những chi tiết không có trong sách sau từng đoạn.

Khi được một độc giả hỏi liệu có điều gì hối tiếc khi đọc xong những lá thư của cha mẹ, ông Hoàng Nam Tiến chia sẻ có 3 điều.

"Chúng ta bây giờ có các ứng dụng nhắn tin, có Internet để trò chuyện với nhau, nhưng ba mẹ tôi ngày xưa thì không. Thời gian đầu, họ còn sống sách nhau 150 km, ba tôi ở Hà Nội, mẹ ở Lạng Sơn, hai người quyết định 'trò chuyện' với nhau qua nhật ký. Cụ thể, cứ đều đặn mỗi tối suốt 3 năm, ba mẹ tôi đều viết nhật ký. Đến 17h chiều thứ 7, ba tôi sẽ đạp xe lên thăm mẹ và tới nơi vào 8h hôm sau. Một trong những việc quan trọng nhất khi gặp của hai người là trao đổi nhật ký, viết tiếp phần của mình. Cứ như vậy, họ có tới 9 quyển nhật ký viết chung", ông nói.

Ông Hoàng Nam Tiến cũng nhấn mạnh những cuốn nhật ký này được viết ở thời kỳ đầu ba mẹ ông gần gũi nhau. Tuy nhiên đến nay, ông không có cơ hội được giữ lại cuốn nào, đó là một trong những điều ông hối tiếc.

 Cuốn sách "Thư cho em". Ảnh: N.N.

Cuốn sách "Thư cho em". Ảnh: N.N.

Bên cạnh đó, trong những lá thư trao đổi với vợ, tướng Hoàng Đan không hoặc rất ít kể về chiến tranh, về những trận chiến của mình. Nhưng qua các lá thư, ông Hoàng Nam Tiến vẫn nhận ra được sự "lãng mạn cách mạng" của tình yêu giữa bố và mẹ, trong tình yêu đôi lứa, tình yêu vợ chồng hòa cả tình yêu đất nước và sự khốc liệt của những năm tháng chiến tranh.

"Một điều nữa là ngày xưa cha mẹ tôi yêu nhau khác nhiều chúng ta bây giờ. Trong thư, ba mẹ bao giờ cũng dành chỗ để viết động viên nhau đi học, đọc sách. Tôi cũng mong các bạn trẻ ngày nay cũng như vậy, hãy chọn một cuốn sách hay bộ phim cả hai yêu thích, đọc/xem và cùng bàn với nhau về nó. Tôi thấy những dòng chữ động viên nhau ngày xưa của ba mẹ mình rất đẹp, giá như tôi đọc được sớm hơn thì có thể một số ngã rẽ cuộc đời tôi đã khác".

Những lá thư tay trong thời hiện đại

Cũng tại sự kiện, tác giả Hoàng Nam Tiến cho biết đã nhận được gần 40 bức thư tay của bạn đọc gửi về cho ông. Có những bức thư viết cho ông bà, cha mẹ, người yêu, có bức viết cho bạn bè hay chính bản thân mình. Ông đã chọn ra 3 bức thư bản thân ấn tượng nhất để gửi tặng phiên bản sách đặc biệt.

Là người đã đọc xong phân nửa Thư cho em, Bùi Văn Doanh (19 tuổi) chia sẻ với Tri thức - Znews anh rất tâm đắc với những câu từ, lời yêu thương của vị tướng và vợ bày tỏ cho nhau trong cuốn sách. Doanh nhận xét ấn phẩm cũng truyền cảm hứng về giá trị của những bức thư tay, đặc biệt trong thời hiện đại ngày nay khi nhiều bạn trẻ thích sự tiện lợi của tin nhắn, video hơn.

"Tình yêu được thể hiện trong cuốn sách cũng rất đẹp. Tôi chưa có người yêu nhưng qua cuốn này, tôi hình dung được phần nào về tình yêu, về sự ngọt ngào ngày xưa của các cụ dành cho nhau và có thêm niềm tin vào tình yêu nữa", Doanh nói.

Bùi Văn Doanh (trái) và Kim Ngân tham dự sự kiện giao lưu.

Bùi Văn Doanh (trái) và Kim Ngân tham dự sự kiện giao lưu.

Trong khi đó, Kim Ngân (21 tuổi) lại ấn tượng với chia sẻ của tác giả Hoàng Nam Tiến: "Ngày xưa, thời cha mẹ, ông bà ta yêu nhau, khi có cái gì 'hỏng' mọi người tìm cách sửa chứ không bỏ đi, tình yêu cũng vậy".

Cô gái 21 tuổi cho biết chưa có bạn trai, song qua tham dự sự kiện, cô ngày càng có thêm niềm tin vào tình yêu và tự nhủ cũng sẽ cố gắng "sửa" những thứ hỏng trong mối quan hệ nếu tìm được người xứng đáng.

Ngân chưa có dịp đọc Thư cho em, song tìm đến sự kiện sau khi xem được những video chia sẻ về cuốn sách của tác giả trên mạng xã hội. Bên cạnh đó, Ngân cũng là người thích viết thư tay hay các mẩu thiệp nhỏ gửi gia đình, bạn bè khi tặng quà.

"Sau khi xem một số trích đoạn và chia sẻ của tác giả, tôi cảm nhận được tình yêu của hai nhân vật chính thật đẹp, trong đó không chỉ có tình cảm dành cho nhau mà còn là việc họ động viên, giúp đỡ nhau học tập để phát triển bản thân", Ngân nói.

Phúc Xuyên

Nguồn Znews: https://znews.vn/9-cuon-nhat-ky-tuong-hoang-dan-va-vo-viet-chung-trong-3-nam-post1477486.html