80 năm Đảng bộ huyện Thanh Hà xây nền, dựng thế, mở đường phát triển
Trải qua 80 năm (1945 - 2025) xây nền, dựng thế và mở đường phát triển, Đảng bộ huyện Thanh Hà (Hải Dương) đã khẳng định vai trò trung tâm lãnh đạo trong các giai đoạn lịch sử địa phương.

Lãnh đạo huyện Thanh Hà kiểm tra công trình trọng điểm Dự án Nâng cấp đường tỉnh 390B và xây dựng tuyến tránh trung tâm thị trấn Thanh Hà. Ảnh: THÀNH CHUNG
Từ những hạt giống cách mạng đầu tiên
Ngay từ năm 1928, các cán bộ cách mạng đã truyền bá cuốn “Đường Kách Mệnh” của Chủ tịch Hồ Chí Minh và tài liệu quan trọng về địa phương. Hạt giống cách mạng ấy âm thầm bén rễ, lan tỏa trong nhân dân, hình thành nên một phong trào yêu nước sục sôi khắp các làng quê.
Khi cao trào Việt Minh lan rộng, đến tháng 5/1945, Thanh Hà đã có 49 làng thành lập tổ chức Việt Minh, 11 làng có đội tự vệ cứu quốc. Trong bối cảnh tình hình cách mạng cả nước chuyển biến mạnh mẽ, ngày 25/5/1945, tại chùa Vạn Tuế (xã Tân Việt), Chi bộ Đảng đầu tiên của huyện Thanh Hà được thành lập với 3 đảng viên do đồng chí Ngô Xuân Lựu làm bí thư. Đây là dấu mốc lịch sử quan trọng, khẳng định sự trưởng thành của phong trào cách mạng địa phương và mở đầu vai trò lãnh đạo của Đảng ở Thanh Hà.
Ngay sau khi thành lập, chi bộ đã lãnh đạo nhân dân nổi dậy tước vũ khí địch tại Phủ Lỵ Bình Hà, tổ chức các đội tự vệ vũ trang, phá kho thóc chia cho dân nghèo. Ngày 22/8/1945, Thanh Hà chính thức ra mắt Ủy ban Cách mạng lâm thời, hoàn tất việc giành chính quyền về tay nhân dân.
Trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp (1945 - 1954), khu Hà Đông trở thành căn cứ cách mạng quan trọng của Tỉnh ủy Hải Dương và Liên tỉnh B. Nhân dân Thanh Hà nuôi giấu cán bộ, bộ đội, đồng thời đẩy mạnh sản xuất nông nghiệp, góp phần xây dựng hậu phương vững chắc. Những chiến công vang dội như trận du kích sông Gùa hay đóng góp vào "tiếng sấm đường 5" là minh chứng cho tinh thần chiến đấu anh dũng của quân và dân trong huyện. Giai đoạn kháng chiến chống Mỹ, cứu nước (1954 - 1975), Đảng bộ huyện tiếp tục lãnh đạo nhân dân vừa sản xuất, vừa chiến đấu, vừa chi viện sức người, sức của cho tiền tuyến.
Trong các cuộc đấu tranh bảo vệ Tổ quốc, Thanh Hà có gần 12.000 lượt người tham gia quân đội, thanh niên xung phong; 2.905 liệt sĩ đã hy sinh; 351 bà mẹ được phong tặng danh hiệu Bà mẹ Việt Nam anh hùng. Những con số ấy không chỉ là niềm tự hào mà còn là biểu tượng của tinh thần yêu nước bất khuất dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ huyện.
Vươn mình mạnh mẽ

Đồng chí Phạm Thị Thanh Tâm, Tỉnh ủy viên, Bí thư Huyện ủy Thanh Hà trao giấy khen cho Đảng bộ xã Thanh An vì có thành tích xuất sắc trong thực hiện nhiệm vụ
Sau ngày thống nhất đất nước, nhất là từ khi tái lập huyện năm 1997, Thanh Hà phải đối mặt với muôn vàn khó khăn. Kinh tế chủ yếu dựa vào nông nghiệp, thu nhập của người dân thấp, giao thông cách trở...
Trước thực trạng ấy, Đảng bộ huyện Thanh Hà đã một lòng đoàn kết khắc phục khó khăn, thể hiện vai trò hạt nhân lãnh đạo, từng bước khơi thông điểm nghẽn, ưu tiên đầu tư hạ tầng, phát triển đồng bộ các lĩnh vực. Chỉ sau vài năm (năm 2004), huyện đã xóa bỏ hoàn toàn 544 nhà tranh tre, vách đất, xử lý triệt để 8 tổ chức cơ sở đảng có vấn đề phức tạp, tạo bước chuyển mạnh mẽ trong công tác xây dựng Đảng.
Từ 3 đảng viên ban đầu, đến nay, Đảng bộ huyện có hơn 7.118 đảng viên, sinh hoạt tại 37 tổ chức cơ sở đảng; 3.142 đảng viên được trao tặng Huy hiệu Đảng. Mỗi năm, Đảng bộ huyện kết nạp khoảng 150 đảng viên. Đội ngũ cán bộ lãnh đạo có 124 người trình độ thạc sĩ, nhiều đồng chí được đào tạo lý luận chính trị cao cấp. Đảng bộ nhiều năm liền được Tỉnh ủy công nhận trong sạch, vững mạnh.
Trong hành trình phát triển đó, Ban Thường vụ Huyện ủy Thanh Hà qua các thời kỳ đã nhận được sự quan tâm của cấp trên, cùng thống nhất lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện thắng lợi nhiều nhiệm vụ trọng tâm nhằm phát triển kinh tế địa phương. Nhiều công trình trọng điểm được đầu tư xây dựng mang diện mạo mới cho quê hương. Nổi bật là các công trình giao thông như cầu Hợp Thanh phá thế "đảo" của khu Hà Đông, cầu Hương (nối Quyết Thắng với Tân Việt), cầu Quang Thanh (kết nối với huyện An Lão, Hải Phòng), nút giao lập thể nối quốc lộ 5 và đường tỉnh 390, cùng các dự án cải tạo, nâng cấp đường tỉnh 390, 390E và nhiều tuyến đường huyện. Những công trình này đã chấm dứt sự chia cắt giữa các xã trong huyện, tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội.
Trong lĩnh vực nông nghiệp, Thanh Hà nổi bật là vùng sản xuất hàng hóa chất lượng cao. Vải thiều Thanh Sơn đạt chuẩn OCOP 4 sao, được xuất khẩu sang nhiều thị trường khó tính như Nhật Bản, EU, Mỹ, Úc... Năm 2020, huyện được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới. Đến nay, có 4 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao (Thanh Sơn, Thanh Hải, Tân Việt, Thanh Hồng) và 3 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu (Hồng Lạc, Thanh An, Thanh Lang).
Cơ cấu kinh tế của huyện đã chuyển dịch theo hướng tích cực, giảm dần tỷ trọng nông nghiệp, tăng mạnh tỷ trọng công nghiệp, xây dựng và thương mại, dịch vụ. Giá trị sản xuất công nghiệp, xây dựng năm 2024 đạt hơn 5.800 tỷ đồng; thương mại, dịch vụ đạt hơn 4.000 tỷ đồng. Thu nhập bình quân đầu người đạt 74,3 triệu đồng/năm.
Trong lĩnh vực giáo dục, huyện có 62/65 trường đạt chuẩn, tỷ lệ phòng học kiên cố gần 100%. Tất cả 16 trạm y tế đều có bác sĩ, 13 xã đạt chuẩn quốc gia về y tế theo tiêu chí mới. Tỷ lệ người dân tham gia bảo hiểm y tế đạt 95%, 100% số xã được cấp nước sạch, tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 0,25%.
Năm 2025 đánh dấu bước chuyển mình trong xây dựng mô hình chính quyền địa phương 2 cấp, Đảng bộ huyện Thanh Hà xác định tiếp tục đổi mới tư duy lãnh đạo, kiện toàn bộ máy tổ chức tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả. Đồng thời nâng cao chất lượng sống cho người dân, tạo thế và lực mới cho hành trình phát triển lâu dài.
Thời gian qua, Đảng bộ, chính quyền huyện Thanh Hà đã được trao tặng nhiều danh hiệu cao quý: 4 năm liền UBND tỉnh công nhận chính quyền huyện vững mạnh, 2 năm được Thủ tướng Chính phủ tặng cờ thi đua xuất sắc. Đảng bộ huyện 5 năm liền (2010 - 2014) được Tỉnh ủy tặng bằng khen, cờ thi đua vì đạt trong sạch, vững mạnh (2010 - 2015)...