78 năm Cách mạng Tháng Tám: Vững bước dưới sự lãnh đạo của Đảng
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã chỉ rõ trong công cuộc phát triển đất nước, nhiều vấn đề mới phát sinh phải xử lý, nhiều việc hết sức phức tạp phải giải quyết; tuyệt đối không được chủ quan, tự mãn.
Những ngày tháng Tám này, đồng bào cả nước lại tràn ngập niềm vui, hân hoan kỷ niệm Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - mốc son chói lọi, bước ngoặt vĩ đại làm thay đổi vận mệnh dân tộc Việt Nam, chính quyền về tay nhân dân, nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời, kết thúc hơn 80 năm nhân dân ta dưới ách đô hộ của thực dân, phátxít, xóa bỏ chế độ phong kiến hàng ngàn năm.
Từ đây, đất nước, xã hội, dân tộc và con người Việt Nam bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội.
Đánh giá về ý nghĩa của sự kiện “long trời lở đất” này, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định: “Cách mạng Tháng Tám đã lật đổ nền quân chủ mấy mươi thế kỷ, đã đánh tan xiềng xích thực dân gần 100 năm, đã đưa chính quyền lại cho nhân dân, đã xây nền tảng cho nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, độc lập, tự do, hạnh phúc. Đó là một cuộc thay đổi cực kỳ to lớn trong lịch sử của nước ta."
Cách mạng Tháng Tám thành công có ý nghĩa vô cùng quan trọng. Trước hết, đó là kết tinh truyền thống đấu tranh kiên cường, bất khuất của một dân tộc có lịch sử hàng nghìn năm chống xâm lược, là kết quả của 80 năm chống ách thống trị thực dân, trực tiếp là 15 năm đấu tranh của giai cấp công nhân và nhân dân Việt Nam dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam - Đảng do Chủ tịch Hồ Chí Minh sáng lập và rèn luyện.
Thắng lợi đó và sự ra đời của Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đã đưa nước ta từ một nước thuộc địa và nửa phong kiến trở thành một nước độc lập, tự do, phát triển theo con đường xã hội chủ nghĩa, có quan hệ quốc tế rộng rãi, có vị thế ngày càng quan trọng trong khu vực và trên thế giới. Nhân dân ta từ thân phận nô lệ trở thành người làm chủ đất nước, làm chủ xã hội. Đảng Cộng sản Việt Nam từ một Đảng hoạt động bí mật trở thành Đảng cầm quyền.
Sau những ngày mùa Thu tháng Tám năm 1945, đất nước trải qua bao biến động hào hùng, gian khổ trong công cuộc xây dựng, bảo vệ Tổ quốc. Hai cuộc chiến tranh chống thực dân, đế quốc kéo dài suốt ba thập niên, mà đỉnh cao là Chiến dịch Ðiện Biên Phủ lừng lẫy năm châu và Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước vừa kết thúc, cả dân tộc lại bước vào những cuộc chiến đấu chính nghĩa nơi phên dậu phía Tây Nam, nơi biên cương phía Bắc và nơi biển đảo phía Đông để bảo vệ chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc.
Trong chặng đường vừa xây dựng xã hội chủ nghĩa vừa bảo vệ nền độc lập non trẻ ấy, đất nước lại hơn 10 năm chịu sự tác động, ảnh hưởng của bao vây, cấm vận và những khó khăn, trì trệ từ kinh tế-xã hội.
Thế nhưng, bằng máu, bằng mồ hôi của lớp lớp người Việt Nam, đất nước đã vượt qua muôn vàn áp lực, khó khăn, thách thức. Một dải bờ cõi, tiền tiêu của Tổ quốc được giữ vững, chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia được bảo đảm.
Và luồng gió Đổi mới bắt đầu từ Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ VI vào cuối năm 1986 đưa đất nước thoát khỏi khủng hoảng, kinh tế liên tục tăng trưởng, đã xóa bỏ tình trạng nghèo cùng cực và thiếu đói.
Từ một nước nghèo nàn, lạc hậu, năm 2022, nền kinh tế Việt Nam đứng thứ 37 thế giới và theo nhận định của Quỹ Tiền tệ Quốc tế, năm 2023, Việt Nam sẽ là quốc gia có quy mô kinh tế lớn thứ 35 thế giới.
Uy tín và vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế ngày càng cao khi Việt Nam là một quốc gia đang phát triển, có quan hệ ngoại giao với 192 nước thuộc tất cả các châu lục. Việt Nam còn đảm nhiệm trọng trách Chủ tịch ASEAN 2020 và Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2020-2021.
Đặc biệt, việc Việt Nam trong hơn 9 năm qua đã cử các đội hình đơn vị tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc còn mang ý nghĩa chính trị quan trọng, không chỉ khẳng định Việt Nam là thành viên có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế, mà còn góp phần thiết thực vào việc giải quyết các vấn đề an ninh, bảo vệ hòa bình, ổn định ở khu vực và trên thế giới.
Từ tháng 6/2014 đến nay, Việt Nam đã cử hơn 500 lượt sỹ quan, quân nhân chuyên nghiệp đi thực hiện sứ mệnh cao cả này theo hai hình thức cá nhân và đơn vị tại Phái bộ Nam Sudan, Cộng hòa Trung Phi, khu vực Abyei và Trụ sở Liên hợp quốc.
Các lực lượng của Việt Nam đã, đang hoàn thành tốt nhiệm vụ, được Đảng, Nhà nước, nhân dân ghi nhận, đồng tình ủng hộ và Liên hợp quốc cùng cộng đồng quốc tế đánh giá cao.
Vui và tự hào nữa là theo xếp hạng của hãng US News & World Report - một công ty uy tín của Mỹ, về những đất nước hùng mạnh nhất thế giới năm 2022, Việt Nam xếp thứ 30 với GDP đạt 363 tỷ USD, dân số vượt 98,2 triệu dân.
Vừa qua, Ngân hàng Thế giới (WB) cho rằng nền kinh tế Việt Nam đã duy trì đà phục hồi mạnh mẽ bất chấp tình trạng bất định toàn cầu gia tăng liên quan đến xung đột giữa Nga-Ukraine, giá cả hàng hóa thế giới tăng cao và sự gián đoạn chuỗi cung ứng do đại dịch COVID-19.
Thấm thoắt 78 năm kể từ mùa Thu ấy, đất nước ta đang tiếp tục vững bước dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam. Sự thống nhất, mối liên hệ mật thiết giữa mục tiêu và lợi ích của Đảng với mục tiêu, lợi ích, nguyện vọng của nhân dân làm sứ mệnh là cội nguồn sức mạnh. Công cuộc Đổi mới sáng tạo, đưa Việt Nam tiến vào giai đoạn phát triển mới với mục tiêu “Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh” với nhiều thời cơ thuận lợi và đã giành được nhiều thành tựu, đặc biệt là trên mặt trận kinh tế.
Nhưng nhìn thẳng vào thực tế, đất nước đang phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức đòi hỏi Đảng, Nhà nước và cả hệ thống chính trị phải không ngừng xây dựng, chỉnh đốn để ngang tầm với nhiệm vụ trong thời kỳ mới.
Hành trình xóa đói nghèo còn gian nan; thành quả giảm nghèo chưa thực sự bền vững, tốc độ giảm nghèo không đồng đều giữa các vùng, miền; khu vực các huyện nghèo nhiều nơi tỷ lệ hộ nghèo vẫn còn trên 50%, một số nơi trên 60%. Khoảng cách giàu-nghèo có xu hướng giãn rộng ngày càng rõ rệt. Theo công bố của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, tỷ lệ nghèo đa chiều gồm tỷ lệ hộ nghèo và hộ cận nghèo chung toàn quốc năm 2022 là 7,52%, với tổng số hộ nghèo và hộ cận nghèo đa chiều là trên 1,9 triệu hộ.
Bên cạnh đó, sức chống chịu và khả năng cạnh tranh của nền kinh tế còn nhiều hạn chế; năng suất, chất lượng, hiệu quả chưa cao; nguy cơ rơi vào bẫy thu nhập trung bình và tụt hậu vẫn còn hiện hữu. Và dù nỗ lực cải cách tiếp tục được thúc đẩy mạnh mẽ, song các thủ tục hành chính vẫn bị phản ánh là rườm rà, thiếu linh hoạt, hạn chế sự phát triển. Kinh tế tư nhân mặc dù được xác định là động lực quan trọng của nền kinh tế, song còn gặp nhiều khó khăn về môi trường kinh doanh.
Một vấn đề đáng báo động là sự quan liêu, mệnh lệnh, xa rời quần chúng, đi ngược lại lợi ích của nhân dân trong một bộ phận đảng viên đang làm ảnh hưởng uy tín, suy yếu sức mạnh của Đảng. Ý thức pháp luật của một số đảng viên là cán bộ, công chức thi hành pháp luật còn thấp, đã góp phần dẫn đến tình trạng tiêu cực, tham nhũng, vi phạm pháp luật xảy ra.
Hơn thế nữa, các vấn đề trong đội ngũ cán bộ, đảng viên, đặc biệt là nhiều vụ án, vụ việc tham nhũng, tiêu cực liên quan đến cán bộ, đảng viên cấp chiến lược bị đưa ra xử lý thời gian qua khiến dư luận nhân dân không khỏi bất bình và cảnh báo hệ lụy, hậu quả khôn lường…
Báo cáo mới đây của Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng, chống tham nhũng, tiêu cực cho thấy trong 6 tháng đầu năm 2023, cấp ủy, Ủy ban Kiểm tra các cấp đã thi hành kỷ luật 218 đảng viên do tham nhũng, 10 đảng viên vi phạm về kê khai tài sản, thu nhập. Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã thi hành kỷ luật 13 cán bộ diện Trung ương quản lý.
Từ đầu nhiệm kỳ Đại hội XIII đến nay, đã thi hành kỷ luật 91 cán bộ diện Trung ương quản lý. Trong 6 tháng đầu năm 2023, các cơ quan tiến hành tố tụng ở địa phương đã khởi tố 419 vụ án với 1.324 bị can về tội tham nhũng; nhiều địa phương đã khởi tố cả cán bộ nguyên là Bí thư Tỉnh ủy, nguyên Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh…
Nhận thức thẳng thắn, sâu sắc những khó khăn, thách thức trên không phải nhằm làm chùn ý chí hay tự hạ thấp những thành tựu mà đất nước ta đã đạt được từ sau Cách mạng Tháng Tám thành công đến nay, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam. Điều đó là để thấy rõ hơn điểm mạnh, quyết tâm khắc phục mặt yếu, mặt còn hạn chế, để đất nước vững bước trong hành trang tiến vào giai đoạn phát triển mới. Đồng thời, đó cũng là là cơ sở cực kỳ quan trọng, bồi đắp niềm tin vào Đảng, Nhà nước để dân tin, dân yêu và hết lòng xây dựng, bảo vệ Đảng, Nhà nước và chế độ.
Như Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã chỉ rõ: “Trong công cuộc phát triển đất nước, nhiều vấn đề mới phát sinh phải xử lý, nhiều việc hết sức phức tạp phải giải quyết; tuyệt đối không được chủ quan, tự mãn, không được say sưa với thắng lợi, ngủ quên trên vòng nguyệt quế… Một Đảng cách mạng chân chính có đường lối đúng, có tổ chức chặt chẽ, có đội ngũ cán bộ, đảng viên trong sạch, gương mẫu, tận tụy, gắn bó máu thịt với nhân dân, được nhân dân ủng hộ, thì đảng đó có sức mạnh vô địch, không thế lực nào ngăn cản nổi trên con đường dẫn dắt dân tộc đi lên”./.