7 năm cấp dưỡng sau ly hôn, cha bàng hoàng phát hiện con không cùng huyết thống

Dồn hết tình yêu thương nhưng khi phát hiện ra đứa con đó không cùng huyết thống, nhiều người sốc nặng, không chấp nhận sự thật. Có người không giữ được bình tĩnh mà ra tay tàn ác với những đứa trẻ từng gọi mình là cha.

Do cuộc sống chung thường xuyên xảy ra mâu thuẫn, không tìm được tiếng nói chung, tháng 4/2015, ông N. và bà Y. (cùng ngụ huyện Trà Ôn, tỉnh Vĩnh Long) thuận tình ly hôn. Theo thỏa thuận, bà Y. sẽ nuôi con chung là cháu K. (SN 2010) và ông N. có nghĩa vụ cấp dưỡng mỗi tháng 575.000 đồng cho tới khi K. 18 tuổi.

Tháng 4/2022, ông N. nộp đơn khởi kiện vụ án “Tranh chấp xác định con chung”. Theo đơn, ông N. yêu cầu tòa xác định K. không phải con đẻ của mình.

Theo kết luận giám định của Phân viện Khoa học hình sự tại TPHCM, ông N. và K. không có huyết thống cha - con.

Sau khi nhận đề nghị của Chánh án TAND Cấp cao tại TPHCM, Ủy ban Thẩm phán TAND Cấp cao tại TPHCM mở phiên xét xử tái thẩm và xác định kết giám định trên là tình tiết mới. Vì vậy, để đảm bảo việc giải quyết vụ án phù hợp với sự thật khách quan, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của đương sự, quyền trẻ em nên đã hủy quyết định sơ thẩm theo hướng giải quyết lại phần xác định K. là con chung của ông N. và bà Y.

Bị cáo Nguyễn Văn Duy. Ảnh: Lê Nhung

Bị cáo Nguyễn Văn Duy. Ảnh: Lê Nhung

Trước đó, dư luận từng xôn xao chuyện anh L. (quê Phú Yên) bàng hoàng khi phát hiện 2 đứa con mình yêu thương, chăm sóc hàng chục năm trời nhưng không phải con ruột. Anh L. sau đó đã gửi đơn ly hôn và yêu cầu tìm cha ruột cho hai con lên TAND TP Tuy Hòa (Phú Yên).

Theo nội dung vụ việc, tháng 10/2012, anh L. và chị G. kết hôn. Vì muốn lo cho vợ con cuộc sống tốt đẹp hơn, anh L. sang Hàn Quốc lao động. Năm 2018, anh trở về sinh sống và làm việc tại quê nhà. Lúc này, vợ chồng anh đã có 2 con.

Khi trở về một thời gian ngắn, anh L. phát hiện vợ có nhiều biểu hiện khác lạ, đi sớm về khuya, hay báo đi công tác. Nghi ngờ, anh âm thầm theo dõi vợ và đau đớn phát hiện chị G. vào nhà nghỉ với một người đàn ông lạ mặt. Tuy nhiên, khi bị tra hỏi, chị G. một phủ nhận và có lời nói, thái độ thách thức. Bực tức, anh L. quyết định đi xét nghiệm ADN 2 đứa con, dù lúc đó trong thâm tâm anh vẫn nghĩ 2 đứa nhỏ là con mình.

Tới khi nhận kết quả ADN, anh L. không tin vào mắt mình vì kết quả xác định anh và 2 đứa con không cùng huyết thống. Dù bất ngờ và đau đớn nhưng anh L. vẫn thương 2 đứa con của vợ và mong muốn tìm được cha ruột của hai bé. Anh cũng mong nhận được lời xin lỗi từ vợ.

Cái chết oan uổng của 2 đứa trẻ từ sự không chung thủy của người mẹ

Không được bình tĩnh như ông N. và anh L., Nguyễn Văn Duy (ngụ huyện Thanh Oai, Hà Nội) đã không làm chủ được bản thân ra tay tước đoạt đi mạng sống của 2 đứa trẻ vẫn gọi anh ta là bố.

Theo nội dung vụ án, năm 2008, Duy và vợ kết hôn và sinh được một trai, một gái. Đến năm 2018, anh ta nghi ngờ vợ có quan hệ tình cảm với người khác và nghi 2 đứa trẻ không phải là con của mình nên đã đi xét nghiệm ADN.

Dù kết quả xác định Duy và 2 con không cùng huyết thống nhưng anh ta vẫn muốn giữ gia đình, mong vợ đưa con quay về đoàn tụ. Tuy nhiên, vợ anh ta từ chối, thậm chí còn làm đơn ly hôn. Trong lúc nghĩ quẩn, Duy quyết định sát hại 2 con rồi tự sát nhằm khiến vợ phải ân hận.

Ngày 19/5/2018, Duy tới nhà trẻ đón 2 con đưa về nhà rồi lấy thuốc trừ sâu pha với nước ngọt đưa cho các con uống khiến cả 2 đứa bé tử vong.

Gây án xong, anh ta uống nốt số thuốc sâu còn lại nhưng bị nôn ra. Duy lên tầng 3, lăn xuống đất nhưng bị vướng dây điện nên không chết, chỉ bất tỉnh và được người dân phát hiện đưa đi cấp cứu. Với hành vi tàn ác trên, đầu tháng 1/2019, Duy bị TAND TP Hà Nội tuyên phạt tử hình về tội “Giết người”.

Người cha cần làm gì khi đứa trẻ không phải con ruột mình?

Chia sẻ với những người đàn ông gặp phải hoàn cảnh như trên, luật sư Nguyễn Thị Thanh Thế (Đoàn luật sư TPHCM) khuyên, mọi người cần bình tĩnh để giải quyết, tránh hành động tiêu cực để phải trả giá đắt. Nếu không thể tha thứ, có thể ly hôn.

Nếu quyết định ly hôn, người chồng cần đi xét nghiệm ADN cha con để làm căn cứ. Đây sẽ là cơ sở để tòa đưa ra quyết định người chồng không có nghĩa vụ phải chu cấp cho đứa trẻ sau khi ly hôn, cũng như liên quan đến vấn đề chia tài sản giữa hai vợ chồng.

Nếu trong trường hợp trước đó người chồng có di chúc để lại thừa kế cho con nhưng khi phát hiện đứa trẻ không cùng huyết thống, căn cứ theo Khoản 3 Điều 56 Luật Công chứng 2014, người chồng có thể yêu cầu bất kỳ công chứng viên nào công chứng việc hủy bỏ đó.

Nếu ở thời điểm ly hôn đứa trẻ được xác định là con chung, người cha phải có nghĩa vụ cấp dưỡng. Nhưng khi phát hiện trẻ không cùng huyết thống, người cha có thể nộp đơn yêu cầu tòa án xác định đứa bé không phải là con mình và đề nghị người có thẩm quyền kháng nghị bản án ly hôn theo thủ tục tái thẩm.

Khi xét thấy đủ căn cứ và yêu cầu hợp lệ, tòa sẽ ra quyết định hủy quyết định công nhận thuận tình ly hôn. Nếu quyết định công nhận thuận tình ly hôn được hủy bỏ theo quy định của pháp luật và tòa đã ra quyết định xác nhận đứa bé không phải con chung của vợ chồng, thì người cha không còn nghĩa vụ cấp dưỡng cho con.

Thanh Phương

Nguồn VietnamNet: https://vietnamnet.vn/nhung-nguoi-cha-soc-nang-khi-phat-hien-con-khong-cung-huyet-thong-2385923.html