7 kết quả nổi bật trong phòng, chống tham nhũng, tiêu cực

Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực nêu bật bảy kết quả lớn đã đạt được trong công tác này.

Chiều 14-8, Ban Nội chính Trung ương đã họp báo thông báo kết quả phiên họp thứ 26 của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực (PCTNTC) (gọi tắt là Ban Chỉ đạo) diễn ra vào sáng cùng ngày.

Báo cáo tại buổi họp báo, Phó Trưởng ban Nội chính Trung ương Nguyễn Hữu Đông cho hay sáu tháng đầu năm 2024, công tác PCTNTC đã đạt được nhiều kết quả tích cực, trong đó có bảy kết quả lớn, nổi bật, đáng lưu ý.

 Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm chủ trì phiên họp thứ 26 của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Ảnh: TTXVN

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm chủ trì phiên họp thứ 26 của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Ảnh: TTXVN

Kỷ luật 47 cán bộ thuộc diện Trung ương quản lý

Theo ông Nguyễn Hữu Đông, kết quả nổi bật thứ nhất là Ban Chỉ đạo đã chỉ đạo đẩy mạnh, đồng bộ công tác kiểm tra, giám sát, thanh tra, kiểm toán; xử lý nghiêm minh các tổ chức Đảng và đảng viên sai phạm. Cụ thể, cấp ủy, Ủy ban Kiểm tra các cấp tập trung, quyết liệt kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm; qua kiểm tra, giám sát đã thi hành kỷ luật 230 đảng viên do tham nhũng, 4.004 đảng viên do suy thoái, 13 đảng viên do vi phạm về kê khai tài sản.

Từ đầu năm đến nay, Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã thi hành kỷ luật 47 cán bộ thuộc diện Trung ương quản lý, trong đó có 14 ủy viên, nguyên ủy viên Trung ương Đảng. Gồm hai phó thủ tướng, nguyên phó thủ tướng; ba bộ trưởng, nguyên bộ trưởng; bảy bí thư, nguyên bí thư Tỉnh ủy, Thành ủy; 11 thứ trưởng, nguyên thứ trưởng và tương đương; 18 chủ tịch, nguyên chủ tịch UBND tỉnh; hai chủ tịch HĐND tỉnh; bốn phó bí thư, nguyên phó bí thư Tỉnh ủy.

“Từ đầu nhiệm kỳ Đại hội XIII đến nay đã thi hành kỷ luật 141 cán bộ thuộc diện Trung ương quản lý, trong đó có 31 ủy viên, nguyên ủy viên Trung ương, 24 sĩ quan cấp tướng trong lực lượng vũ trang” - ông Đông nói và cho hay liên quan đến một số vụ án, vụ việc thuộc diện Ban Chỉ đạo theo dõi, chỉ đạo, từ đầu năm đến nay đã kỷ luật 44 cán bộ thuộc diện Trung ương quản lý.

Kết quả thứ hai là công tác điều tra, truy tố, xét xử tiếp tục được chỉ đạo tiến hành mạnh mẽ, quyết liệt; xử lý nghiêm minh nhiều án tham nhũng, tiêu cực đặc biệt nghiêm trọng liên quan đến nhiều bộ, ngành, địa phương theo đúng phương châm “xử lý một vụ cảnh tỉnh cả một vùng, một lĩnh vực”, “không có vùng cấm, không có ngoại lệ, bất kể người đó là ai”.

Các cơ quan điều tra đã chủ động nhận diện, xác định lĩnh vực trọng điểm, chọn khâu đột phá, khởi tố mới, mở rộng điều tra làm rõ bản chất tham nhũng, chiếm đoạt, câu kết, “lợi ích nhóm”, kiên quyết xử lý nghiêm sai phạm, kể cả trong khu vực nhà nước và khu vực ngoài nhà nước, cả những vụ việc tồn đọng, kéo dài, cả những vụ việc mới phát sinh, liên quan đến nhiều bộ, ngành, địa phương; xử lý hình sự nhiều cán bộ cấp cao thuộc diện Trung ương quản lý.

Trong sáu tháng đầu năm đã khởi tố 16 cán bộ thuộc diện Trung ương quản lý; từ đầu nhiệm kỳ đến nay đã xử lý hình sự 55 cán bộ thuộc diện Trung ương quản lý, trong đó có 16 ủy viên, nguyên ủy viên Trung ương Đảng. “Điểm mới nổi bật trong điều tra, xử lý các vụ án tham nhũng, tiêu cực thời gian qua là từ khởi tố ban đầu về các hành vi phạm tội về kinh tế, cơ quan chức năng đã kiên quyết điều tra làm rõ bản chất và khởi tố các hành vi phạm tội về tham nhũng” - theo ông Đông.

Song song đó, cơ quan điều tra cũng đã hoàn thành xét xử một số vụ án trọng điểm, dư luận xã hội rất quan tâm theo đúng kế hoạch, yêu cầu của Ban Chỉ đạo như các vụ án xảy ra tại các tập đoàn FLC, Tân Hoàng Minh, Vạn Thịnh Phát, Ngân hàng SCB với mức án rất nghiêm khắc nhưng cũng rất nhân văn. Hiện nay, TAND TP.HCM đang xét xử sơ thẩm vụ án xảy ra tại Cục Đăng kiểm Việt Nam, các trung tâm đăng kiểm một số địa phương (dự kiến đến ngày 18-10 sẽ kết thúc).

 Phó Trưởng ban Nội chính Trung ương Nguyễn Hữu Đông (giữa) chủ trì họp báo thông tin về kết quả phiên họp. Ảnh: NGHĨA NHÂN

Phó Trưởng ban Nội chính Trung ương Nguyễn Hữu Đông (giữa) chủ trì họp báo thông tin về kết quả phiên họp. Ảnh: NGHĨA NHÂN

Ban hành nhiều quy định về kiểm soát quyền lực

Phó Trưởng ban Nội chính Nguyễn Hữu Đông cũng cho hay: “Chúng ta tiếp tục khuyến khích cán bộ nghiêm khắc nhận trách nhiệm chính trị, tự nguyện từ chức, nhận khuyết điểm khi có sai phạm. Từ đầu năm 2024 đến nay, cấp có thẩm quyền đã xem xét cho thôi giữ chức vụ, nghỉ công tác, bố trí công tác khác đối với 14 cán bộ thuộc diện Trung ương quản lý”.

Cụ thể, từ đầu nhiệm kỳ XIII đến nay đã có 32 cán bộ thuộc diện Trung ương quản lý bị xem xét cho thôi giữ chức vụ, nghỉ công tác, từ chức, miễn nhiệm, bố trí công tác khác. “Trong số này có bảy ủy viên Bộ Chính trị, một ủy viên Ban Bí thư và 10 ủy viên Trung ương Đảng” - ông Đông thông tin và khẳng định việc này thể hiện sự nghiêm minh nhưng cũng rất nhân văn; đưa việc “có lên có xuống, có vào có ra” dần trở thành văn hóa, việc làm bình thường trong công tác cán bộ.

Bên cạnh việc xử lý nghiêm các hành vi tham nhũng, tiêu cực, các cơ quan chức năng đã quan tâm chỉ đạo nâng cao hiệu quả thực hiện các giải pháp phòng ngừa tham nhũng, tiêu cực. Đồng thời rà soát, sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện thể chế để “không thể” tham nhũng, tiêu cực. Nhiều quy định, kết luận liên quan trực tiếp đến công tác PCTNTC như kiểm soát quyền lực, PCTNTC trong công tác xây dựng pháp luật. Trước đó đã ban hành các quy định về kiểm soát quyền lực, PCTNTC trong công tác cán bộ; công tác kiểm tra, giám sát, thi hành kỷ luật Đảng và hoạt động thanh tra, kiểm toán; điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án, sắp tới đây là trong lĩnh vực quản lý, sử dụng tài chính, tài sản công.

“Các quy định này hợp lại thành một hệ thống cơ chế để kiểm soát quyền lực chặt chẽ” - phó trưởng Ban Nội chính Trung ương nêu.

 Phiên tòa sơ thẩm của TAND TP.HCM, xét xử sai phạm xảy ra tại Tập đoàn Vạn Thịnh Phát, Ngân hàng Thương mại Sài Gòn (SCB) và các đơn vị liên quan hồi tháng 4-2024. Ảnh: HOÀNG GIANG

Phiên tòa sơ thẩm của TAND TP.HCM, xét xử sai phạm xảy ra tại Tập đoàn Vạn Thịnh Phát, Ngân hàng Thương mại Sài Gòn (SCB) và các đơn vị liên quan hồi tháng 4-2024. Ảnh: HOÀNG GIANG

25 cán bộ thuộc diện Trung ương quản lý bị kỷ luật trong vụ AIC

Trong vụ án xảy ra tại Công ty AIC, đến nay Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã xử lý kỷ luật 89 tổ chức Đảng và 126 đảng viên, trong đó có 25 cán bộ thuộc diện Trung ương quản lý; các địa phương, đơn vị đã xử lý kỷ luật 80 tổ chức Đảng, 190 đảng viên.

Còn trong vụ án xảy ra tại dự án khu đô thị Đại Ninh (Lâm Đồng), Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã thi hành kỷ luật sáu tổ chức Đảng, 14 đảng viên, trong đó có bảy cán bộ thuộc diện Trung ương quản lý.

Hiện nay, Ủy ban Kiểm tra Trung ương đang kiểm tra, chỉ đạo kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm đối với các tổ chức Đảng, đảng viên liên quan đến vụ án xảy ra tại các tập đoàn Phúc Sơn, Thuận An.

Thu hồi nhiều tài sản có giá trị lớn

Ngoài ra, ông Nguyễn Hữu Đông cho hay công tác giám định, định giá tài sản, thu hồi tài sản tham nhũng được quan tâm chỉ đạo, đạt kết quả tích cực. Đáng chú ý, các cơ quan tiến hành tố tụng đã kịp thời tạm giữ, kê biên tài sản, phong tỏa tài khoản có giá trị lớn.

Có thể kể đến như vụ án xảy ra tại Tập đoàn Phúc Sơn, cơ quan điều tra đã tạm giữ tổng số tiền, tài sản là 315,25 tỉ đồng, 1,97 triệu USD, 534 cây vàng và 1.444 giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Trong vụ án xảy ra tại Công ty Xuyên Việt Oil đã tạm giữ 134 sổ tiết kiệm trị giá hơn 1.117 tỉ đồng, 17 giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và nhà ở cùng nhiều tài sản giá trị khác.

Riêng các vụ án, vụ việc thuộc diện Ban Chỉ đạo theo dõi, chỉ đạo, trong sáu tháng đầu năm 2024 đã thu hồi được gần 7.750 tỉ đồng (tăng hơn 5.650 tỉ đồng so với cùng kỳ năm 2023), nâng tổng số tiền thu hồi được từ khi thành lập Ban Chỉ đạo đến nay là 85.520 tỉ đồng (đạt tỉ lệ 50,75%).

Ban Chỉ đạo cũng đã chỉ đạo xử lý nghiêm các hành vi tham nhũng, tiêu cực trong công tác giám định, định giá tài sản. Theo đó, Cơ quan điều tra VKSND Tối cao khởi tố một giám định viên thuộc Sở Tài chính tỉnh Đồng Nai về tội nhận hối lộ trong vụ án xảy ra tại Trường ĐH Đồng Nai; Cơ quan CSĐT Bộ Công an khởi tố phó cục trưởng, chủ tịch Hội đồng định giá trong tố tụng hình sự và một phó trưởng phòng, thành viên thường trực hội đồng, kiêm tổ trưởng tổ giúp việc, Bộ TN&MT trong vụ án xảy ra tại Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam.

Cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an khởi tố viện trưởng, phó viện trưởng và 13 bác sĩ Viện Pháp y tâm thần Trung ương Biên Hòa (Đồng Nai) về tội đưa, nhận hối lộ để tạo dựng hồ sơ bệnh án, kết luận giám định tâm thần sai thực tế cho người phạm tội bị kết án tù...

Bên cạnh đó, Ban Chỉ đạo cũng chỉ đạo nâng cao hiệu quả hoạt động của Ban Chỉ đạo PCTNTC cấp tỉnh, tạo chuyển biến mạnh mẽ trong công tác PCTNTC ở địa phương; đồng thời đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền về PCTNTC.

“Không vì đẩy mạnh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực mà ảnh hưởng, cản trở phát triển kinh tế - xã hội”

Ngày 14-8, Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực (PCTNTC) (gọi tắt là Ban Chỉ đạo) đã họp phiên thứ 26, dưới sự chủ trì của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm.

Tại phiên họp, Ban Chỉ đạo nhận định từ đầu năm 2024 đến nay, công tác PCTNTC tiếp tục được đẩy mạnh quyết liệt, góp phần quan trọng trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, giữ vững ổn định chính trị, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, tăng cường, củng cố thêm niềm tin của nhân dân.

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm phát biểu tại phiên họp thứ 26 của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, sáng 14-8. Ảnh: TTXVN

Nêu nhiệm vụ trọng tâm những tháng cuối năm 2024 và thời gian tới, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm, Trưởng Ban Chỉ đạo, yêu cầu các cấp ủy, tổ chức Đảng, cơ quan chức năng tuyệt đối không được chủ quan, thỏa mãn với những kết quả đã đạt được.

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước yêu cầu phải tiếp tục triển khai mạnh mẽ, đồng bộ các giải pháp, kiên quyết, kiên trì đẩy lùi tham nhũng, tiêu cực theo đúng phương châm “không ngừng, không nghỉ”, “không có vùng cấm, không có ngoại lệ, bất kể người đó là ai”.

Đáng chú ý, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước nhấn mạnh ba yêu cầu về công tác PCTNTC. Thứ nhất, PCTNTC phải phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, không vì đẩy mạnh PCTNTC mà ảnh hưởng, cản trở phát triển kinh tế - xã hội. Thứ hai, PCTNTC phải được triển khai đến tận cơ sở Đảng, chi bộ, phải được sự giám sát của cán bộ, đảng viên và nhân dân.

Yêu cầu thứ ba là đặc biệt quan tâm công tác phòng, chống tiêu cực, nhất là các biểu hiện tiêu cực là nguồn gốc, nguyên nhân dẫn đến tham nhũng.

Trên cơ sở đó, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm yêu cầu các cấp ủy, tổ chức Đảng, cơ quan chức năng cần tập trung chỉ đạo xử lý dứt điểm những khâu còn yếu, những việc đang làm dở, nhất là chỉ đạo xử lý dứt điểm những hạn chế, khó khăn, vướng mắc trong công tác giám định, định giá tài sản, cung cấp tài liệu, tương trợ tư pháp, truy bắt, dẫn độ đối tượng bỏ trốn.

Bên cạnh đó là giải quyết dứt điểm những khó khăn, vướng mắc trong thu hồi tài sản tham nhũng, có giải pháp mạnh mẽ để khắc phục tình trạng “tham nhũng vặt”, gây phiền hà cho người dân, doanh nghiệp.

“Đẩy nhanh tiến độ xác minh, điều tra tham nhũng, tiêu cực nghiêm trọng, phức tạp, dư luận xã hội quan tâm” - Tổng Bí thư, Chủ tịch nước yêu cầu và nhấn mạnh từ nay đến hết năm 2024 phấn đấu tập trung kết thúc điều tra, truy tố, xét xử 30 vụ án; kết thúc xác minh, giải quyết sáu vụ việc thuộc diện Ban Chỉ đạo theo dõi, chỉ đạo.

Nhất là tập trung điều tra, xử lý dứt điểm các vụ án, vụ việc liên quan đến Công ty AIC, Xuyên Việt Oil, Tập đoàn Điện lực Việt Nam, các tập đoàn Thuận An, Phúc Sơn, Vạn Thịnh Phát, dự án Khu đô thị Đại Ninh (Lâm Đồng)... và các vụ án, vụ việc liên quan đến nhân sự đại hội Đảng các cấp.

Một nhiệm vụ trọng tâm khác, theo Tổng Bí thư, Chủ tịch nước, là hoàn thiện thể chế về kiểm soát quyền lực, PCTNTC; về bảo vệ người đấu tranh chống tham nhũng, tiêu cực; về kiểm soát tài sản, thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn; về xử lý vật chứng, tài sản bị tạm giữ, kê biên, phong tỏa trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử các vụ án, vụ việc.

Cùng với đó là đẩy mạnh, đồng bộ, hiệu quả hơn nữa công tác kiểm tra, giám sát, thanh tra, kiểm toán, tập trung vào các lĩnh vực dễ phát sinh tham nhũng, tiêu cực và các chuyên đề, vụ việc theo chỉ đạo của Ban Chỉ đạo. Trong đó, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước yêu cầu tập trung kiểm tra, xử lý dứt điểm các sai phạm của các tổ chức Đảng, đảng viên liên quan đến các vụ án, vụ việc xảy ra tại các tập đoàn Phúc Sơn, Thuận An, Công ty AIC...

“Tăng cường kiểm soát việc thực thi quyền lực, xử lý nghiêm minh, kịp thời các sai phạm, tham nhũng, tiêu cực trong các cơ quan có chức năng PCTNTC” - Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm nhấn mạnh.

*****

“Chúng ta nhất định sẽ chiến thắng giặc nội xâm”

Chiều 14-8, sau khi thông tin về kết quả phiên họp thứ 26 của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực (PCTNTC) (gọi tắt là Ban Chỉ đạo), Phó Trưởng ban Nội chính Trung ương Nguyễn Hữu Đông đã trả lời một số câu hỏi của các cơ quan báo chí.

. Phóng viên: Làm việc với Ban Nội chính Trung ương mới đây, Thường trực Ban Bí thư Lương Cường yêu cầu tập trung chỉ đạo thanh tra, kiểm tra, điều tra, xử lý nghiêm các vụ việc tham nhũng, tiêu cực liên quan đến cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp để chuẩn bị tốt cho nhân sự đại hội Đảng bộ các cấp, hướng tới Đại hội XIV của Đảng. Việc này đang được triển khai thế nào, thưa ông?

+ Phó Trưởng ban Nội chính Trung ương Nguyễn Hữu Đông: Cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nhiều lần lưu ý là dứt khoát không để lọt vào cơ quan lãnh đạo những người đã phạm sai lầm, vướng vào tham nhũng, tiêu cực, bao che tội phạm, ảnh hưởng xấu đến uy tín của Đảng.

Tại buổi làm việc với Ban Nội chính Trung ương đầu tháng 7, Thường trực Ban Bí thư Lương Cường cũng chỉ đạo như vậy. Tại các phiên họp của Ban Chỉ đạo, của Thường trực Ban Chỉ đạo đều có chỉ đạo vấn đề này. Hiện nay, mọi công việc đang được triển khai.

. Qua các vụ án cụ thể, nhiều trường hợp đã được miễn, giảm trách nhiệm hình sự. Từ thực tiễn này, Ban Chỉ đạo sẽ chỉ đạo tổng kết, sửa đổi, bổ sung chính sách hình sự như thế nào, thưa ông?

+ Cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, nguyên Trưởng Ban Chỉ đạo, nhiều lần nhắc tới bốn chữ nhân trong công tác PCTNTC là “nhân văn, nhân nghĩa, nhân ái, nhân tình”. Và công tác này phải làm kiên trì, bền bỉ, với phương pháp đúng, không phải cứ xử nặng mới là tốt.

Từ thực tiễn vụ án cụ thể, cơ quan chức năng đã phân hóa xử lý đối tượng theo đúng vai trò, mức độ, tính chất, hành vi vi phạm. Theo đó, xử lý nghiêm khắc với kẻ chủ mưu, cầm đầu, tích cực thực hiện hành vi vi phạm, song cũng xem xét toàn diện đối với người làm công hưởng lương, phụ thuộc, không vụ lợi...

Tại phiên họp thứ 24, tháng 8-2023, Ban Chỉ đạo đã giao Ban cán sự Đảng Bộ Tư pháp chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan nghiên cứu, đề xuất cấp có thẩm quyền về chủ trương sửa đổi chính sách hình sự cho phù hợp với thực tiễn. Cập nhật tiến độ thì Bộ Tư pháp cho biết sẽ tổ chức các hội thảo, hội nghị về vấn đề này...

. Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm đã nhận nhiệm vụ trưởng Ban Chỉ đạo. Vậy giai đoạn tới, quan điểm, chủ trương về PCTNTC sẽ như thế nào, thưa ông?

+ Nghị quyết Đại hội XIII đã khẳng định phải kiên quyết, kiên trì đấu tranh, ngăn chặn, đẩy lùi tham nhũng, lãng phí với quyết tâm chính trị cao hơn, hành động mạnh mẽ hơn, hiệu quả hơn.

Cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cũng nhiều lần khẳng định tinh thần chống tham nhũng không dừng, không nghỉ, không kể đó là ai, không có vùng cấm.

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm, Trưởng Ban Chỉ đạo, tiếp tục khẳng định thời gian tới, công tác này sẽ tiếp tục được triển khai mạnh mẽ với mục tiêu, quan điểm, phương châm, nhiệm vụ, giải pháp như thời gian qua. Đồng chí cũng nhấn mạnh là chúng ta nhất định sẽ chiến thắng giặc nội xâm.

. Tại phiên họp thứ 26 này, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước, Trưởng Ban Chỉ đạo Tô Lâm có đặt ra ba yêu cầu: (1) PCTNTC phải phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, không vì công tác đó mà ảnh hưởng, cản trở phát triển; (2) Công tác này phải được triển khai đến tận cơ sở Đảng, chi bộ, phải được sự giám sát của cán bộ, đảng viên và nhân dân; (3) Đặc biệt quan tâm đến công tác phòng, chống tiêu cực, nhất là các biểu hiện tiêu cực là nguồn gốc, nguyên nhân dẫn đến tham nhũng. Vậy đây có phải là nét mới, thưa ông?

+ Các quan điểm, chỉ đạo này có tính kế thừa nhưng cũng đặt trong bối cảnh mới. Từ nay đến Đại hội XIV thời gian không còn nhiều, chỉ còn khoảng một năm rưỡi. Chúng ta phải tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành để đạt các mục tiêu, chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội mà Đại hội XIII đã đề ra.

NGHĨA NHÂN - ĐỨC MINH

NHÓM PHÓNG VIÊN

Nguồn PLO: https://plo.vn/7-ket-qua-noi-bat-trong-phong-chong-tham-nhung-tieu-cuc-post805246.html