65 năm ngày hệ thống Bắc Hưng Hải được khơi dòng: Từ niềm tự hào trở thành nỗi đau

Công trình thủy lợi Bắc Hưng Hải từng là niềm tự hào của ý Đảng, của lòng dân. Hơn 65 năm tồn tại với sứ mệnh lịch sử lớn lao, hệ thống thủy lợi lớn nhất miền Bắc đang là nỗi đau xót khi bị 'bức tử' bởi nguồn nước ô nhiễm trầm trọng.

Bắc Hưng Hải là hệ thống thủy lợi có dấu ấn lịch sử không chỉ của riêng miền Bắc mà còn của cả nước. Ngày 1/10/1958, Thủ tướng Phạm Văn Đồng đã bổ nhát cuốc đầu tiên tại công trường thi công cống Xuân Quan (Hưng Yên), mở đầu việc xây dựng công trình đại thủy nông Bắc Hưng Hải. Trong quá trình chuẩn bị và xây dựng hệ thống thủy lợi này, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã 4 lần trực tiếp đến kiểm tra, thăm hỏi, động viên cán bộ và dân công làm việc trên công trường. Bác đã có lời căn dặn: “Bây giờ chịu khó phấn đấu trong mấy tháng. Sau này sẽ hưởng hạnh phúc lâu dài hàng trăm năm” bởi vì “Công trình thủy lợi Bắc - Hưng - Hải là một chiến dịch chống giặc hạn”.

Chủ tịch Hồ Chí Minh thăm công trường đại thủy nông Bắc Hưng Hải ngày 25/12/1958 - (Ảnh tư liệu)

Chủ tịch Hồ Chí Minh thăm công trường đại thủy nông Bắc Hưng Hải ngày 25/12/1958 - (Ảnh tư liệu)

Chỉ sau 7 tháng, ngày 1/5/1959 công trình thủy lợi Bắc Hưng Hải đã hoàn thành ngoài mong đợi với khối lượng công việc khổng lồ: Xây đúc 7.500m3 bê tông, xây lát đá 226.000m3, đào gần 3.000.000m3 đất. Công trình bảo đảm cung cấp nước tưới cho hơn chục nghìn ha lúa, hoa màu, cây công nghiệp và tiêu úng cho gần 20.000 ha lưu vực. Hơn 65 năm vận hành, hệ thống thủy lợi Bắc Hưng Hải đã mang lại hiệu quả to lớn khi phục vụ đời sống và sản xuất ở 4 tỉnh, thành phố là: Hà Nội, Hưng Yên, Hải Dương, Bắc Ninh. Thế nhưng, vì ảnh hưởng của hoạt động xả thải thiếu kiểm soát, niềm tự hào một thời về thủy lợi Bắc Hưng Hải nay đã trở thành nỗi đau xót, sợ hãi khi ô nhiễm quá nặng nề.

Trong ký ức của người dân, dòng nước từ kênh Bắc Hưng Hải từng được sử dụng như một nguồn nước sinh hoạt, ắp đầy tôm cá. Ngày nay, con kênh xanh trong vắt ngày nào đã trở thành một dòng sông “chết”, đen kịt và bốc mùi quanh năm. Cá tôm chẳng còn nhìn thấy, người dân cũng chẳng dám lấy nước rửa chân tay. Ước mơ được “hưởng hạnh phúc lâu dài hàng trăm năm” đang bị bóp nghẹt bởi tình trạng ô nhiễm tiếp tục gia tăng.

Chỉ sau 65 năm kể từ ngày được khơi dòng, hệ thống thủy lợi này đã hứng chịu ô nhiễm kéo dài suốt hơn 10 năm qua. Không thể dùng nguồn nước bẩn để tưới lúa và rau màu, nhiều cánh đồng bị khô hạn hệt như những ngày kênh Bắc Hưng Hải chưa được xây dựng.

Cuối tháng 2/2023, hơn 100ha lúa ở xã Thúc Kháng, huyện Bình Giang (Hải Dương) thiếu nước do hệ thống Bắc Hưng Hải bị ô nhiễm.

Cuối tháng 2/2023, hơn 100ha lúa ở xã Thúc Kháng, huyện Bình Giang (Hải Dương) thiếu nước do hệ thống Bắc Hưng Hải bị ô nhiễm.

Nói đến nguyên nhân “bức tử” hệ thống thủy lợi Bắc Hưng Hải phải kể đến tình trạng xả thải thiếu kiểm soát từ các khu công nghiệp, khu dân cư. Theo số liệu thống kê từ Công ty TNHH một thành viên Khai thác công trình thủy lợi Bắc Hưng Hải, đến cuối năm 2023 có khoảng 3.600 nguồn xả thải vào hệ thống thủy lợi này, với tổng lưu lượng ước tính hơn 502.000 m3/ngày đêm. Trong đó nước thải sinh hoạt chiếm 58,81%, nước thải công nghiệp chiếm 24,6%, nước thải thủy sản chiếm 7,35%, nước thải chăn nuôi chiếm 5,53%, còn lại là nước thải từ các cơ sở sản xuất, kinh doanh, y tế, làng nghề.

Hệ thống thủy lợi Bắc Hưng Hải biến thành kênh nước thải cho thấy có dấu hiệu buông lỏng quản lý, thực thi pháp luật chưa được nghiêm trong suốt thời gian dài. Trong tổng số 1.950 cơ sở thuộc diện phải cấp phép nguồn xả thải vào kênh thủy lợi này, thì đến cuối tháng 9/2020 mới có 295 cơ sở được cấp phép, nhưng chỉ 94 giấy phép còn thời hạn sử dụng. Nhiều doanh nghiệp “đầu độc” môi trường bằng cách xả trộm nước thải chưa được xử lý ra kênh thủy lợi. Có nơi đã nhiều lần bị cơ quan chức năng xử phạt vi phạm, song vẫn tái diễn. Điển hình như khu công nghiệp dệt may Phố Nối B, huyện Yên Mỹ (Hưng Yên) - một trong những "điểm đen" gây ô nhiễm nguồn nước.

Khu công nghiệp này hiện có 60 doanh nghiệp hoạt động, trong đó 80% là các công ty dệt nhuộm. Nước thải từ khu công nghiệp được xả thẳng ra ngoài thông qua hệ thống thoát nước mưa, sau đó đổ ra bể chứa nước mưa thông với kênh Trần Thành Ngọ, chảy vào hệ thống Bắc Hưng Hải.

 Màu nước ô nhiễm đen ngòm của hệ thống Bắc Hưng Hải đoạn qua huyện Yên Mỹ (Hưng Yên).

Màu nước ô nhiễm đen ngòm của hệ thống Bắc Hưng Hải đoạn qua huyện Yên Mỹ (Hưng Yên).

Tại sông Cầu Bây, đoạn chảy qua khu vực huyện Gia Lâm (Hà Nội), nước thải chưa được xử lý của hàng loạt khu công nghiệp, khu dân cư chảy thẳng vào thượng nguồn sông Bắc Hưng Hải. Tổ hợp các cơ sở dệt nhuộm, nhà máy ở cụm công nghiệp ở huyện Gia Lâm (Hà Nội) và huyện Văn Lâm (Hưng Yên) xả thải nhuộm đen dòng kênh nhỏ gần cống Xuân Thụy. Xuôi về phía hạ nguồn là vô số những cống xả thải khác trên một số địa bàn của cả Hà Nội và Hưng Yên.

Địa bản tỉnh Hải Dương là nơi cuối nguồn của hệ thống thủy lợi Bắc Hưng Hải với chiều dài 124km. Nơi đây phải hứng chịu đồng thời nước ô nhiễm từ thượng nguồn đổ về và từ nguồn nước thải trong tỉnh. Ô nhiễm nhiều nhất phải kể đến kênh T1 tiêu nước thải của làng nghề phường Tứ Minh và một phần của khu dân cư phía tây qua trạm bơm Lộ Cương (TP Hải Dương); kênh T2 tiêu nước thải dân cư, bệnh viện, cụm công nghiệp trên địa bàn TP Hải Dương. Nước luôn trong tình trạng đen kịt, bốc mùi hôi thối nồng nặc, có nơi còn nổi váng, bọt.

Dòng nước đen đổ qua cống Kiêu Kỵ, huyện Gia Lâm (Hà Nội) chảy thẳng vào hệ thống Bắc Hưng Hải.

Dòng nước đen đổ qua cống Kiêu Kỵ, huyện Gia Lâm (Hà Nội) chảy thẳng vào hệ thống Bắc Hưng Hải.

Nước thải đổ ra kênh Bắc Hưng Hải gây ảnh hưởng trực tiếp đến nguồn lợi thủy sản, thậm chí gây “hủy diệt” hệ sinh thái trên diện rộng. Để kiểm soát chặt chẽ hành vi xả thải cần đặt ra các nhiệm vụ, giải pháp cấp bách và lâu dài. Cần nâng cao trách nhiệm giám sát của chính quyền cấp cơ sở; nâng mức phạt và có chế tài xử lý mạnh tay để doanh nghiệp biết sợ với hành vi đã gây hại tới môi trường, đồng thời làm gương cho những doanh nghiệp đang có ý định xả thải trộm.

Chẳng hạn như phạt theo phần trăm doanh thu của doanh nghiệp, xem xét tước giấy phép hoạt động hoặc khởi tố xử lý hình sự nếu xả thải trái phép. Doanh nghiệp xả thải từ năm này qua năm khác mà chỉ xử lý vi phạm hành chính thì rất khó răn đe.

Cùng với chế tài xử phạt là các biện pháp thu gom, xử lý nguồn nước thải trước khi xả vào hệ thống thủy lợi. Ngoài ra, cần phải cải thiện dòng sông Hồng để dẫn nước vào hệ thống Bắc Hưng Hải.

Theo Giáo sư Vũ Trọng Hồng, nguyên Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, những năm qua, “cát tặc” hoành hành khiến sông Hồng bị tụt lòng và không thể dẫn nước chảy qua cống Xuân Quan vào kênh thủy lợi này. Vì vậy, cần phải kiểm soát việc khai thác cát trên sông Hồng, đặc biệt là nạn khai thác cát trái phép. Đứng trước nguy cơ nước biển dâng của biến đổi khí hậu, khu vực đồng bằng Bắc Bộ vẫn có thể phát triển bền vững nếu duy trì được lượng nước về kênh Bắc Hưng Hải.

Trong những năm tháng lịch sử, hàng vạn bộ đội, dân công, học sinh đã nô nức lên công trường thi công xây dựng hệ thống thủy lợi Bắc Hưng Hải với khí thế quyết tâm cao độ. Đến nay là tròn 65 năm khơi dòng Bắc Hưng Hải, tiếp nối tinh thần đó, mong một ngày không xa dòng sông Bắc Hưng Hải sẽ được "hồi sinh". Và những lợi ích từ hệ thống thủy lợi này sẽ mang đến cho người dân “hạnh phúc lâu dài hàng trăm năm” như ước mong của Bác.

Sông Hồng

Nguồn Kinh tế Môi trường: https://kinhtemoitruong.vn/65-nam-ngay-he-thong-bac-hung-hai-duoc-khoi-dong-tu-niem-tu-hao-tro-thanh-noi-dau-88383.html