50 năm thực hiện Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh: Giá trị và những bài học sâu sắc

Dù Bác đã đi xa, nhưng cùng với thời gian, di sản tư tưởng của Người và bản Di chúc đậm đức hiếu sinh vẫn đồng hành cùng hiện tại và mai sau với nhân dân Việt Nam.

Trong những di sản quý giá mà Chủ tịch Hồ Chí Minh để lại cho Đảng, cách mạng và dân tộc ta, Di chúc là một văn kiện lịch sử có giá trị lý luận và thực tiễn không chỉ cho giai đoạn cách mạng đã qua, mà còn cho cả những chặng đường sắp tới của cách mạng Việt Nam. Đó là những lời căn dặn đầy tâm huyết về khát vọng độc lập, tự do và thống nhất đất nước; về xây dựng một Đảng trong sạch vững mạnh; về chiến lược con người; về kế hoạch xây dựng lại đất nước sau chiến tranh; về tình đoàn kết quốc tế… của một anh hùng giải phóng dân tộc, nhà văn hóa kiệt xuất, một tấm gương mẫu mực về đạo đức cách mạng, suốt đời tận trung với nước, tận hiếu với dân, luôn cần kiệm liêm chính, chí công vô tư. Đó là lời đề dẫn của TS. Vũ Mạnh Hà, Giám đốc Bảo tàng Hồ Chí Minh cho Hội thảo khoa học với chủ đề "Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh - giá trị lý luận và thực tiễn (1969-2019)" vừa diễn ra mới đây.

Bản Di chúc lịch sử ấy là “mấy lời để lại”, “tóm tắt vài việc”, như Chủ tịch Hồ Chí Minh từng nói nhưng chứa đựng sự lớn lao, vĩ đại của người anh hùng giải phóng dân tộc Việt Nam, nhà văn hóa kiệt xuất, thể hiện trí tuệ mẫn tiệp, tầm nhìn xa, trông rộng của Người đối với toàn bộ sự nghiệp cách mạng của Đảng và nhân dân ta. Bản Di chúc không chỉ là những lời căn dặn thiết tha, mang biết bao tình cảm, hoài bão và khí phách, thể hiện trong từng lời nhắc nhở, dặn dò trước lúc Người đi xa mà đã trở thành một tác phẩm đặc biệt của Chủ tịch Hồ Chí Minh, một tài sản vô giá của Đảng và của dân tộc Việt Nam, có ý nghĩa lịch sử, giá trị lý luận và thực tiễn sâu sắc.

Tìm hiểu phong cách đặc sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong Di chúc, PGS-TS. Trần Thị Minh Tuyết, Học viện Báo chí và Tuyên truyền khẳng định: Hiển hiện trong Di chúc không chỉ là tư tưởng ngời sáng của bậc “đại trí”, không chỉ là tình yêu con người của bậc hiền nhân mà còn là phong cách đặc sắc của một nhà văn hóa lỗi lạc. “Phong cách chính là người”, nói đến phong cách là nói đến những gì riêng biệt, độc đáo, không thể lẫn với ai khác của chủ thể hành động. Vì thế, cho dù trước và sau Hồ Chí Minh đã có vô vàn người viết di chúc, cho dù nhiều nhân vật lịch sử cũng để lại di nguyện cao quý, song Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh vẫn hết sức đặc biệt. Cùng với tư tưởng và đạo đức ngời sáng, sự độc đáo của phong cách đã góp phần làm nên sức sống bất hủ của tác phẩm. Di chúc không chỉ là “bảo vật quốc gia” mà còn là “biểu trưng” của văn hóa làm người.

Dù Bác đã đi xa, nhưng cùng với thời gian, di sản tư tưởng của Người và bản Di chúc đậm đức hiếu sinh vẫn đồng hành cùng hiện tại và mai sau với nhân dân Việt Nam.

Mỗi lần đọc Di chúc của Bác là thêm một lần nghiền ngẫm, nghĩ suy, ghi nhớ những lời căn dặn của Người. Và, điều quan trọng hơn cả, có ý nghĩa thiết thực hơn là từ đó, chúng ta hãy tự đánh giá, kiểm điểm lại những gì đã làm được và những gì chưa làm.

Là một bảo vật quốc gia, Di chúc chính là sự kết tinh tư tưởng, đạo đức, phong cách của Người, là giá trị cao quý, trường tồn Người để lại cho toàn Đảng, toàn dân ta. Trong đó, cần nhận rõ những kiến giải, trù tính của Người về chủ nghĩa xã hội, về đổi mới. Đó cũng là những nét đặc sắc tôn thêm tầm vóc lịch sử, giá trị, ý nghĩa và sức sống của bản Di chúc mà Người chuẩn bị công phu trước lúc ra đi, để lại cho toàn Đảng, toàn dân ta.

Di chúc còn là bản tổng kết thực tiễn kinh nghiệm lãnh đạo cách mạng và phương hướng phát triển của dân tộc, đồng thời thể hiện cô đọng nhân cách của vị lãnh tụ, anh hùng giải phóng dân tộc Việt Nam, nhà văn hóa kiệt xuất Hồ Chí Minh. Trong đó mỗi chữ, mỗi câu, mỗi đoạn văn được viết ra đều là kết quả của sự suy ngẫm, chắt lọc sâu sắc tư tưởng, tình cảm và trí tuệ của Người, là một chương trình hành động trong đấu tranh giải phóng dân tộc và xây dựng lại đất nước sau khi nước nhà thống nhất.

Kỷ niệm 50 năm ngày Bác đi xa, ôn lại lời căn dặn của Người trong Di chúc, là dịp để mỗi cán bộ, đảng viên, mỗi tổ chức Đảng tự soi rọi lại mình; phấn đấu xây dựng Đảng ngày càng trong sạch, vững mạnh lãnh đạo khối đại đoàn kết toàn dân “xây dựng một nước Việt Nam hòa bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh” như di nguyện của Người.

Di chúc được Chủ tịch Hồ Chí Minh viết từ năm 1965 đến năm 1969 và được Người sửa chữa, bổ sung qua các năm. Nội dung bản Di chúc đã được Người trăn trở, suy nghĩ kỹ lưỡng, viết đi, viết lại, sửa chữa, bổ sung… vừa cụ thể, vừa bao quát toàn bộ công việc, từ “việc riêng” cho đến việc trọng đại của quốc gia, dân tộc, nhân dân. Di chúc đã thể hiện rõ nét tinh thần trách nhiệm và tâm huyết của Người đối với Đảng, với sự nghiệp kháng chiến chống Mỹ, cứu nước và xây dựng đất nước; với thế hệ trẻ, với tầng lớp nhân dân ta; với phong trào cộng sản và công nhân quốc tế; phản ánh tập trung những tư tưởng, đạo đức, tác phong và tình cảm cao đẹp của Người.

Bảo Anh

Nguồn TBNH: http://thoibaonganhang.vn/50-nam-thuc-hien-di-chuc-cua-chu-tich-ho-chi-minh-gia-tri-va-nhung-bai-hoc-sau-sac-91263.html