5 món ăn vặt lý tưởng bà bầu nên mang theo khi đi du lịch

Du lịch trong dịp nghỉ lễ là một trải nghiệm thú vị nhưng đối với phụ nữ mang thai, để có một chuyến đi an toàn và đảm bảo dinh dưỡng cho cả mẹ và bé, việc chuẩn bị kỹ lưỡng về ăn uống rất quan trọng.

Nội dung

1. Những việc phụ nữ mang thai cần làm trước khi đi du lịch

2. Các món ăn vặt lý tưởng cho bà bầu khi đi du lịch

1. Những việc phụ nữ mang thai cần làm trước khi đi du lịch

Tham khảo ý kiến bác sĩ trước chuyến đi: Trước khi lên kế hoạch cho bất kỳ chuyến đi nào bà bầu nên tham khảo ý kiến của bác sĩ sản khoa. Bác sĩ sẽ đánh giá tình trạng sức khỏe hiện tại và đưa ra những lời khuyên cụ thể về việc di chuyển, các hoạt động nên tránh và những lưu ý đặc biệt về chế độ ăn uống.

Lựa chọn điểm đến và phương tiện di chuyển phù hợp: Ưu tiên những địa điểm có cơ sở y tế tốt, không quá xa, khí hậu ôn hòa. Tránh những nơi có dịch bệnh hoặc điều kiện vệ sinh kém. Đi bằng phương tiện an toàn, có thể lựa chọn máy bay, tàu hỏa hoặc ô tô cá nhân.

Chuẩn bị kỹ thực phẩm và đồ uống:

Nước uống: Luôn mang theo đủ nước lọc và uống thường xuyên để tránh tình trạng mất nước, đặc biệt trong thời tiết nóng bức hoặc khi di chuyển nhiều.

Thực phẩm tự chuẩn bị: Bà bầu nên tự chuẩn bị một số loại thực phẩm mang theo. Ưu tiên những món ăn dễ tiêu hóa, giàu dinh dưỡng và tiện lợi khi di chuyển. Chú ý duy trì các bữa ăn chính và phụ đều đặn.

Lựa chọn thực phẩm tại điểm đến: Khi ăn uống tại các nhà hàng hoặc quán ăn địa phương cần chọn những nơi uy tín, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm. Chỉ ăn các món ăn chín kỹ, tránh các món gỏi, sống hoặc tái.

Tránh các loại thực phẩm có nguy cơ gây ngộ độc cao như hải sản sống, thịt chưa nấu chín, đồ ăn vặt, nước ép đường phố... Hạn chế đồ ăn quá mặn, quá ngọt hoặc chứa nhiều gia vị...

Bà bầu nên chuẩn bị các món ăn vặt cho chuyến đi.

Bà bầu nên chuẩn bị các món ăn vặt cho chuyến đi.

2. Các món ăn vặt lý tưởng cho bà bầu khi đi du lịch

Những món ăn vặt nhỏ gọn, dễ mang theo và bổ dưỡng sẽ là "cứu cánh" tuyệt vời cho mẹ bầu trong suốt chuyến đi, giúp cung cấp năng lượng, giảm cảm giác buồn nôn và đảm bảo dinh dưỡng, bao gồm:

Trái cây

Giá trị dinh dưỡng: Các loại trái cây tươi như táo, chuối, cam, quýt... cung cấp vitamin, khoáng chất và chất xơ. Trái cây khô (nho khô, mận khô, chà là...) là nguồn năng lượng nhanh chóng và giàu chất xơ. Tuy nhiên nếu mẹ bầu bị đái tháo đường nên hạn chế ăn các loại trái cây sấy khô nhiều đường.

Cách ăn an toàn: Chọn trái cây khô không chứa chất bảo quản và đường phụ gia. Đối với trái cây tươi nên rửa sạch và gọt vỏ trước khi ăn. Nên chọn trái cây tươi theo mùa và đảm bảo nguồn gốc rõ ràng. Đối với trái cây khô, nên ăn với lượng vừa phải do hàm lượng đường tự nhiên khá cao.

Bánh quy nhạt

Giá trị dinh dưỡng: Đây là thực phẩm đơn giản, dễ tiêu hóa và cung cấp carbohydrate giúp duy trì năng lượng.

Cách ăn an toàn: Chọn các loại bánh quy ít đường và không chứa chất bảo quản. Khi ăn nên kết hợp với các loại thực phẩm khác như trái cây hoặc sữa chua để tăng cường dinh dưỡng.

Trứng luộc

Giá trị dinh dưỡng: Trứng luộc là nguồn protein hoàn chỉnh, cung cấp nhiều vitamin và khoáng chất quan trọng cho sự phát triển của thai nhi.

Cách ăn an toàn: Cần luộc chín kỹ trứng và bảo quản lạnh nếu chưa ăn ngay.

Sữa chua

Giá trị dinh dưỡng: Sữa chua là món ăn vặt rất tốt được khuyến khích cho phụ nữ mang thai vì đây là nguồn cung cấp protein và canxi dồi dào tốt cho sức khỏe mẹ và bé. Sữa chua cũng chứa nhiều men vi sinh thúc đẩy tiêu hóa tốt.

Cách ăn an toàn: Chọn sữa chua không đường hoặc ít đường được bảo quản đúng cách.

Các loại hạt là món ăn bổ dưỡng và lành mạnh.

Các loại hạt là món ăn bổ dưỡng và lành mạnh.

Các loại hạt

Giá trị dinh dưỡng: Hạnh nhân, mắc ca, óc chó, hạt điều, hạt bí, hạt dẻ cười... là nguồn cung cấp dồi dào protein, chất xơ, chất béo không bão hòa, vitamin (E, B) và khoáng chất (magie, kẽm, sắt). Chúng giúp no lâu, ổn định đường huyết và tốt cho sự phát triển của thai nhi.

Cách ăn an toàn: Theo BS. Trần Thị Bích Nga, nguyên giảng viên chuyên khoa dinh dưỡng Đại học Y Hà Nội, các loại hạt chứa rất nhiều chất dinh dưỡng tốt cho cơ thể và sức khỏe tim mạch, tuy nhiên cần chú ý ăn đúng cách.

Nên chọn các sản phẩm có nguồn gốc rõ ràng, chế biến và bảo quản theo đúng tiêu chuẩn. Loại bỏ các loại hạt có biểu hiện nhiễm nấm mốc hay biến chất dễ nhiễm độc tố aflatoxin gây ngộ độc.

Chỉ nên ăn lượng vừa phải. Đối với người bệnh đái tháo đường nên chọn các loại hạt không thêm gia vị như muối và đường.

Lưu ý: Bà bầu nên mang theo túi đựng thực phẩm cách nhiệt giúp bảo quản thực phẩm tươi ngon và an toàn trong suốt chuyến đi. Cần rửa tay thường xuyên, đặc biệt là trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh để phòng ngừa nguy cơ nhiễm khuẩn. Nếu cảm thấy khó chịu hoặc có bất kỳ dấu hiệu bất thường nào sau khi ăn cần ngừng lại, theo dõi và nhờ bác sĩ tư vấn kịp thời.

Vân Anh

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/5-mon-an-vat-ly-tuong-ba-bau-nen-mang-theo-khi-di-du-lich-16925042718391314.htm