5 điều cha mẹ của những đứa trẻ thành công không làm
Cách cha mẹ ứng xử với con cái có thể ảnh hưởng đến sự tự tin và tinh thần của trẻ - những yếu tố đóng vai trò quan trọng trong việc định hình sự thành công trong tương lai, theo CNBC.
1. Không nuông chiều con: Nghiên cứu cho thấy trẻ em có khả năng phục hồi và kiên trì thường có sự tự tin để chất nhận rủi ro và vượt qua thất bại, Trong khi đó, việc nuông chiều con cái quá mức có thể khiến trẻ khó phát triển các kỹ năng này. Tuy nhiên, điều này không có nghĩa là cha mẹ phải đối xử khắc nghiệt với con cái.
3. Không trừng phạt trẻ vì thất bại: Khả năng vượt qua thất bại một cách tích cực là điều rất quan trọng. Theo nhà trị liệu tâm lý Amy Morin, việc trừng phạt trẻ vì mắc lỗi có thể truyền đi thông điệp sai lầm - coi thất bại là điều đáng xấu hổ thay vì cơ hội học hỏi. Vì vậy, thay vì trừng phạt, phụ huynh hãy giúp trẻ em rút ra bài học từ mỗi sai lầm. Điều này sẽ giúp trẻ xây dựng sự tự tin cần thiết để thành công trong những lần tiếp theo.
3. Không suy nghĩ tiêu cực: Thế giới đầy rẫy những thử thách. Đôi khi, việc trở nên bi quan là điều dễ hiểu. Tuy nhiên, niềm tin và thái độ của cha mẹ sẽ ảnh hưởng đến con cái, theo chuyên gia tâm lý giáo dục và nuôi dạy con cái Michele Borba. Trẻ em lạc quan có xu hướng nhìn nhận khó khăn tương tự những bước lùi tạm thời. Ngược lại, nghiên cứu chỉ ra sự tiêu cực quá mức có thể khiến trẻ em và cả người lớn dễ dàng bỏ cuộc khi gặp khó, thay vì nỗ lực tìm cách giải quyết vấn đề.
4. Không khó chịu khi trẻ đặt nhiều câu hỏi: Những câu hỏi tưởng chừng vô tận của trẻ đôi khi khiến cha mẹ cảm thấy mệt mỏi và yêu cầu con dừng lại. Thế nhưng, điều quan trọng là khơi dậy sự tò mò của trẻ. Nghiên cứu cho thấy trẻ em học hỏi nhiều hơn và ghi nhớ tốt hơn khi chúng chủ động tò mò về thế giới xung quanh. TS Kumar Mehta cho biết cha mẹ của những người thành đạt luôn coi việc học hỏi những điều mới mẻ là ưu tiên hàng đầu. Vì vậy, họ chấp nhận sự tò mò của trẻ và coi trọng việc trả lời.
5. Không phản ứng thái quá: Lo lắng cho con cái là điều dễ hiểu. Tuy nhiên, một điểm kém hay mâu thuẫn với bạn bè không phải là dấu chấm hết của trẻ. Theo nhà tâm lý phát triển Aliza Pressman, cha mẹ không nên để nỗi lo lắng lấn át bản thân bởi trẻ em thường quan sát và bắt chước tâm trạng, hành vi của bố mẹ.