4 dấu hiệu cảnh báo trẻ em nghiện game cha mẹ thường 'ngó lơ'

Trẻ em nghiện game thường có những dấu hiệu này nhưng cha mẹ lại không quan tâm, đến khi biểu hiện nặng hơn thì khó khăn hơn trong việc cai nghiện game cho trẻ.

Dấu hiệu nhận biết trẻ nghiện game

Trẻ liên tục nhắc về game: Bình thường trẻ chơi game để giải trí nên thời gian dành cho trò chơi này không quá nhiều. Tuy nhiên, với những trẻ nghiện game thì hoàn toàn ngược lại, trẻ xem việc chơi game như một việc không thể thiếu trong đời sống hằng ngày. Trẻ có thế chơi liên tục suốt hàng chục tiếng đồng hồ mà không thấy chán. Đặc biệt trong những lúc nói chuyện trẻ nhắc liên tục đến game.

Nói dối nhiều hơn: Với những trẻ nghiện game chúng sẽ tìm đủ lý do để biện hộ cho việc chơi game, nhiều lúc chúng cũng sẵn sàng nói dối người thân để được lên mạng chơi game. Bên cạnh đó, chúng không còn nghĩ đến việc học nữa mà chỉ chú tâm đến cuộc sống trong game.

Ưu tiên chơi game hơn các hoạt động thường ngày: Người nghiện game tăng mức độ ưu tiên dành cho việc chơi game. Trò chơi điện tử được ưu tiên hơn các lợi ích cuộc sống khác và hoạt động thường ngày. Thậm chí trẻ nghiện game còn có xu hướng trì hoãn những việc cấp bách, ví dụ như ăn uống, làm bài tập,...

Trẻ xuất hiện cảm xúc bất ổn: Đây là tâm trạng mà những người nghiện game rất dễ gặp phải khi chơi game, lúc chơi họ sẽ có cảm giác cực kỳ hưng phấn, kích thích, hoặc thất vọng tột độ. Điều đáng nói là tâm trạng này luôn kéo dài dai dẳng sau khi chơi xong.

Những trẻ nghiện game có thể chơi liên tục hơn cả chục tiếng trong một ngày, thậm chí quên cả ăn ngủ, nhưng bản thân lại không nhận ra bản thân đã mắc chứng nghiện game. Ảnh minh họa.

Những trẻ nghiện game có thể chơi liên tục hơn cả chục tiếng trong một ngày, thậm chí quên cả ăn ngủ, nhưng bản thân lại không nhận ra bản thân đã mắc chứng nghiện game. Ảnh minh họa.

Hậu quả khó lường của việc trẻ nghiện game

Hiện nay, tình trạng nghiện game, đặc biệt là nghiện game ở giới trẻ ngày càng tăng dẫn đến nhiều ảnh hưởng tiêu cực đến đời sống của một người. Ngoài việc lấy đi mất thời gian và sức lực của con người, game còn tác động trực tiếp làm thay đổi cảm xúc và suy nghĩ của cá nhân và ảnh hưởng đến các mặt khác của đời sống xã hội.

Gây tổn hại sức khỏe: Người nghiện game có thể không ngủ cả ngày hoặc ngủ rất ít, số giờ ngủ trong ngày chỉ khoảng 3 - 4 giờ gây mệt mỏi, dễ cáu gắt, chán chường, mất hết sức sống.

Ăn không ngon miệng: Khi trẻ nghiện game thường ăn không ngon miệng hoặc ăn rất ít, cân nặng giảm đi trông thấy.

Chậm chạp khi giao tiếp:Nghiện game khiến trẻ lười vận động và chậm chạp khi giao tiếp, giọng nói nhỏ, số lượng ít, nội dung nghèo nàn, thậm chí không nói.

Rối loạn trí nhớ: Giảm trí nhớ ngắn, trí nhớ dài hạn thì vẫn còn được duy trì tương đối tốt trong một thời gian dài.

Ảo tưởng sai về cuộc sống: Quá chìm đắm trong một trò game khiến những hình ảnh trong game in sâu vào suy nghĩ, thậm chí bệnh nhân coi đó là định hướng cho cuộc sống của mình. Ngoài ra, ảo tưởng có thể dẫn đến những hành vi kinh khủng, quái đản trong quan hệ cộng đồng và có xu hướng hung hăng, bạo lực hơn.

Cách điều trị nghiện game cho trẻ tại nhà

Trẻ em thường xuyên vận động ngoài trời rất tốt cho sức khỏe. Ảnh minh họa.

Trẻ em thường xuyên vận động ngoài trời rất tốt cho sức khỏe. Ảnh minh họa.

1. Khuyến khích trẻ tham gia vào các hoạt động thể chất như chơi thể thao ngoài trời. Điều này có thể làm tăng nồng độ serotonin trong máu và có tác động tích cực đến tâm trạng và các triệu chứng liên quan đến nghiện game.

2. Nói chuyện với con em của bạn để tìm hiểu điều gì khiến game hấp dẫn chúng, và tại sao chúng muốn chơi game thường xuyên. Câu trả lời của trẻ sẽ giúp bạn xác định xem chúng có gặp vấn đề nào khác để sử dụng trò chơi như một lối thoát hay không.

3. Khi bạn bắt trẻ dừng chơi game, hãy đảm bảo chúng có một hoạt động khác để chuyển sang, chẳng hạn như đi chơi cùng gia đình hoặc ăn tối. Điều này sẽ tạo ra một lý do để thoát ra.

4. Đừng buộc trẻ chấm dứt trò chơi một cách thô bạo như rút điện hoặc tịch thu điện thoại. Hãy cho chúng thời gian để kết thúc trò chơi. Liên tục được yêu cầu thoát game giữa trò chơi có thể gây bực bội cho trẻ và phản tác dụng. Hãy hỏi chúng còn bao lâu nữa để kết thúc ván game, và sau đó đảm bảo chúng rời khỏi trò chơi đúng thời gian đó.

5. Cần hướng dẫn con em mình tiếp cận game một cách cân bằng và lành mạnh nhất có thể.

6. Hãy đưa chủ đề game vào các cuộc thảo luận gia đình. Điều này đảm bảo cả bạn và trẻ cùng chia sẻ suy nghĩ về nó, cho phép bạn phát hiện sớm bất kể hành vi sai lệch nào khi trẻ chơi game quá nhiều.

Trúc Chi (t/h theo Vietnamnet, Thanh Niên)

Nguồn Người Đưa Tin: https://nguoiduatin.vn/4-dau-hieu-tre-em-nghien-game-cha-me-thuong-ngo-lo-a530442.html