4 biện pháp phòng ngừa viêm loét dạ dày

Viêm loét dạ dày là một trong những bệnh lý đường tiêu hóa ngày càng phổ biến. Khi phát hiện sớm, bệnh dễ dàng được chữa khỏi, nhưng nếu để kéo dài, bệnh sẽ dẫn đến nhiều biến chứng nguy hiểm như chảy máu dạ dày, thủng dạ dày, hẹp môn vị, thậm chí là ung thư dạ dày.

Việc hiểu biết rõ bệnh viêm loét dạ dày là điều cần thiết để phòng và trị bệnh hiệu quả hơn.

Nguyên nhân gâyviêm loét dạ dày

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến viêm loét dạ dày trong đó thường gặp các nguyên nhân như:

Do nhiễm vi khuẩn H.Pylori, loại vi khuẩn này liên quan mật thiết đến các bệnh lý dạ dày như: Viêm loét dạ dày – tá tráng, trào ngược dạ dày – thực quản, ung thư dạ dày...
Do người bệnh dùng thuốc, hóa chất: Các thuốc giảm đau chống viêm No-teroid, corticoid.
Chế độ ăn uống, sinh hoạt không hợp lý: Uống rượu bia, ăn đồ chua cay quá nhiều, ăn quá no, ăn không đúng bữa.
Do yếu tố thần kinh căng thẳng quá mức: Stress, thức khuya… hoặc do các yếu tố nội tiết.

Dấu hiệu của viêm loét dạ dày

Bệnh viêm loét dạ dày, tá tràng có thể gặp ở bất kỳ đối tượng nào kể cả nam và nữ, thường gặp ở người trên 50 tuổi. Một số người có nguy cơ cao dễ mắc viêm loét dạ dày như:

Người thường xuyên hút thuốc lá, uống rượu hay các thức uống có cồn khác.
Thường xuyên rơi vào tình trạng căng thẳng, lo lắng.
Người có chế độ ăn uống và sinh hoạt không điều độ.

Viêm loét dạ dày thường có nhiều triệu chứng và dấu hiệu tương tự như các bệnh đường tiêu hóa khác. Một số dấu hiệu tiêu biểu nghi ngờ mắc bệnh viêm loét dạ dày như:

Cảm giác nóng rát, cồn cào và đau vùng thượng vị.
Đầy hơi, khó tiêu.
Thường buồn nôn hay nôn.
Ợ hơi, ợ chua.
Cảm thấy no khi ăn hoặc không muốn ăn.
Có thể mệt mỏi, suy nhược.
Đi cầu phân đen hoặc ra máu.
Sụt cân nhanh.

Viêm loét dạ dày là một trong những bệnh lý đường tiêu hóa ngày càng phổ biến.

Viêm loét dạ dày là một trong những bệnh lý đường tiêu hóa ngày càng phổ biến.

4 bí quyết để phòng viêm loét dạ dày Thay đổi lối sinh hoạt

Cần chú ý xây dựng và duy trì lối sống lành mạnh, không chỉ để rút ngắn quá trình điều trị viêm loét dạ dày mà còn có thể cải thiện được sức khỏe và phòng bệnh hiệu quả.

Vận động và luyện tập thể dục đều đặn giúp cho người bệnh tăng cường sức đề kháng, giữ sức khỏe được duy trì ở mức ổn định. Bên cạnh đó, người bệnh nên ăn uống đúng giờ để hỗ trợ điều hòa chức năng và hoạt động co bóp của dạ dày. Hạn chế được các cơn đau do co thắt dạ dày.

Ngoài ra, người bệnh cũng cần bảo vệ tốt sức khỏe tâm thần của chính mình, tránh gặp phải những vấn đề như căng thẳng, mất ngủ. Sự liên kết giữa thần kinh và hệ tiêu hóa sẽ khiến tình trạng dạ dày trở nên nghiêm trọng hơn nếu người bệnh có sức khỏe tâm thần không ổn định.

2. Thay đổi cách ăn uống

Chế độ dinh dưỡng là một công cụ hỗ trợ tối ưu cho người bệnh viêm loét dạ dày, giúp hồi phục tổn thương và cải thiện hệ tiêu hóa phòng bệnh hiệu quả.

Những loại thực phẩm khi người bị viêm loét dạ dày nên ăn gồm:

Rau quả giàu flavonoid: Các thực phẩm như táo, hành, gừng, trà xanh là những loại quả chứa hàm lượng flavonoid cao, có khả năng hạn chế sự phát triển của vi khuẩn Helicobacter Pylori.
Thực phẩm chứa vi khuẩn có lợi: Sữa chua được xem là những thực phẩm giàu lợi khuẩn. Lợi khuẩn giúp tăng cường khả năng miễn dịch của hệ tiêu hóa, hỗ trợ điều trị viêm loét dạ dày.
Thực phẩm giàu chất xơ: Chất xơ trong thực phẩm có công dụng làm giảm lượng acid bên trong dạ dày, đồng thời giúp người bệnh thuyên giảm các cơn đau hoặc đầy hơi. Có thể bổ sung táo, lê, bột yến mạch vào trong bữa ăn để có một hệ tiêu hóa tốt.
Vitamin A: Khoai lang là một thực phẩm lý tưởng chứa nhiều vitamin A. Loại vitamin này có thể giúp hỗ trợ điều trị viêm loét dạ dày bằng cách làm giảm tình trạng nghiêm trọng của những vết loét. Hơn nữa vitamin A còn giúp hạn chế viêm loét dạ dày tái phát. Ngoài khoai lang thì có thể tìm thấy vitamin A trong những thực phẩm như rau bina, cà rốt, dưa lưới và gan bò.
Vitamin C: Vitamin C là một chất đóng vai trò quan trọng trong làm lành các vết thương. Đối với người bệnh viêm loét dạ dày, vitamin C giúp hỗ trợ làm lành những vết loét và tăng cường sức đề kháng. Các loại trái cây như ổi, cam, quýt, kiwi là những thực phẩm có chứa hàm lượng vitamin C cao. Ngoài ra, cũng có thể bổ sung rau mồng tơi và bông cải xanh vào danh sách chất xơ để bổ sung vitamin C tối ưu.

Không nên hoặc hạn chế sử dụng các đồ ăn, thức uống gồm:

Rượu bia và thức uống có cồn: Rượu bia là nguyên nhân gây ra kích thích đường tiêu hóa, thậm chí làm suy giảm sức khỏe tiêu hóa. Người đang bị hoặc đang điều trị viêm loét dạ dày không được sử dụng rượu bia hoặc đồ uống có cồn. Với người khỏe mạnh cũng không nên lạm dụng để hạn chế bị ảnh hưởng xấu đến sức khỏe.
Thực phẩm nhiều dầu mỡ: Hệ tiêu hóa cần nhiều thời gian để xử lý những thức ăn có nhiều dầu mỡ hơn. Vì vậy, không nên ăn thức ăn dầu mỡ để tránh tình trạng kích thích dạ dày, ảnh hưởng đến những vết loét vốn có.

3. Dùng thuốc theo chỉ định

Thuốc chính là "con dao hai lưỡi", sử dụng thuốc đúng cách sẽ giúp khỏi bệnh, ngược lại nếu sử dụng thuốc bừa bãi thì rất có hại cho sức khỏe. Khi bị bệnh nên sử dụng thuốc theo đúng chỉ định của bác sĩ, tránh lạm dụng quá mức. Chỉ sử dụng kháng sinh khi có chỉ định của bác sĩ.

4. Sống lành mạnh, sạch sẽ

Giữ môi trường sống xung quanh luôn sạch đẹp.
Tuyệt đối không dùng chung các đồ vệ sinh cá nhân.
Thường xuyên rửa tay bằng xà phòng và nước sạch để tránh nguy cơ nhiễm trùng.

Bệnh viêm loét dạ dày ở thời kỳ sớm và được phát hiện kịp thời sẽ dễ dàng điều trị. Nếu để bệnh chuyển sang giai đoạn mạn tính sẽ khó chữa khỏi dứt điểm và thường gây ra các biến chứng đáng tiếc. Do vậy, khi chúng ta phát hiện những dấu hiệu hay triệu chứng nghi ngờ mình có khả năng bị viêm loét dạ dày, người bệnh nên đến bệnh viện, phòng khám gần nhất để được chẩn đoán, đồng thời có các phương pháp, phác đồ điều trị bệnh thích hợp.

BS. Nguyễn Văn Dũng

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/4-bien-phap-phong-ngua-viem-loet-da-day-16924051422363031.htm