3 sở kết luận: Doanh nghiệp 'trồng' sâm Ngọc Linh trên giấy
Công ty Cổ phần Đầu tư sâm Việt Nam không có vườn sâm tại tỉnh Kon Tum. 10ha sâm Ngọc Linh mà doanh nghiệp công bố, chỉ có trên giấy.
Liên quan vụ một doanh nghiệp ở tỉnh Kon Tum tuyên bố sở hữu 10ha sâm Ngọc Linh, sau gần nửa tháng tiến hành kiểm tra, xác minh, kết luận của 3 sở chức năng và chính quyền 2 huyện ở tỉnh Kon Tum cho thấy: Công ty Cổ phần Đầu tư sâm Việt Nam không có vườn sâm tại tỉnh. 10ha sâm Ngọc Linh mà doanh nghiệp công bố, chỉ có trên giấy.
Kết quả kiểm tra, xác minh của Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Sở Công thương, Sở Kế hoạch và Đầu tư cùng UBND 2 huyện Tu Mơ Rông và Đăk Glei, tỉnh Kon Tum cho thấy, việc Công ty Cổ phần Đầu tư Sâm Việt Nam công bố sở hữu 10ha sâm Ngọc Linh và liên kết trồng sâm với người dân trên địa bàn 2 huyện là không có thật.
Cụ thể tại huyện Tu Mơ Rông, nơi Công ty Cổ phần Đầu tư Sâm Việt Nam tuyên bố có 8ha sâm Ngọc Linh trồng tại xã Ngọc Lây, UBND huyện Tu Mơ Rông khẳng định, đến thời điểm này, huyện chỉ giới thiệu đất trồng sâm Ngọc Linh cho 2 Công ty là Công ty Cổ phần sâm Ngọc Linh Kon Tum và Công ty Cổ phần Vingin, không có tên Công ty Cổ phần Đầu tư Sâm Việt Nam.
Đối với việc liên kết trồng Sâm Ngọc Linh giữa Công ty Cổ phần đầu tư sâm Việt Nam với Công ty cổ phần Sâm Ngọc Linh Tu Mơ Rông- Kon Tum, do Công ty Dược liệu Núi Ngọc (tiền thân của Công ty Cổ phần Đầu tư Sâm Việt Nam) không triển khai trồng dược liệu theo hợp đồng nên từ năm 2021, Công ty Cổ phần Sâm Ngọc Linh Tu Mơ Rông- Kon Tum đã thu hồi lại đất, trồng cây phục hồi rừng và trồng sa nhân tím, ngũ vị tử cùng một số cây dược liệu khác.
Về việc liên kết hợp tác trồng sâm Ngọc Linh giữa hộ dân với Công ty Cổ phần Đầu tư Sâm Việt Nam, UBND huyện Tu Mơ Rông qua kiểm tra xác định được hộ ông A Ngao và A Ghôi năm 2020 có bán cho công ty này 550 cây sâm Ngọc Linh, với tổng số tiền 300 triệu đồng. Sau khi mua, công ty gửi lại 2 hộ dân chăm sóc. Trong quá trình mua bán 2 hộ dân có ký hợp đồng với Công ty nhưng không đọc rõ nội dung ghi trong hợp đồng.
Ngoài ra UBND huyện Tu Mơ Rông cũng mở rộng xác minh sang địa bàn xã Tê Xăng, nơi Công ty Cổ phần Đầu tư Sâm Việt Nam tuyên bố có liên kết trồng sâm với ông A.L nhưng cả 7 người dân có cùng tên ở thôn Tu Thó và Đăk Viên đều khẳng định không liên kết trồng sâm với công ty này.
Tại xã Mường Hoong, huyện Đăk Glei, chính quyền xã khẳng định trên địa bàn xã chỉ có 17 tổ liên kết ở các thôn trồng sâm Ngọc Linh với diện tích khoảng 4 ha. Công ty Cổ phần Đầu tư Sâm Việt Nam không phối hợp đầu tư hoặc liên kết trồng sâm tại địa bàn các thôn, các tổ trồng sâm thuộc phạm vi địa bàn xã quản lý.
Được biết trong quá trình kiểm tra, xác minh vụ 10ha sâm Ngọc Linh “trồng trên giấy”, 3 sở chức năng của tỉnh Kon Tum không nhận được bất cứ sự hợp tác nào từ phía Công Ty Cổ phần Đầu tư sâm Việt Nam. Dù đã nhiều lần gửi công văn, giấy mời, 3 lần trực tiếp đến trụ sở Công ty Cổ phần đầu tư Sâm Việt Nam tại số 740, đường Phạm Văn Đồng, phường Trần Hưng Đạo, thành phố Kon Tum nhưng Công ty Cổ phần Đầu tư Sâm Việt Nam không bố trí người để làm việc với Đoàn kiểm tra.
Bởi vậy ngành chức năng tỉnh Kon Tum vẫn chưa xác định được Công ty Cổ phần đầu tư Sâm Việt Nam có hay không việc mua sâm Ngọc Linh của các tổ chức, cá nhân để làm nguyên liệu sản xuất các sản phẩm.
Trước đó, như VOV đã thông tin, cuối tháng 11/2021 tại thành phố Kon Tum, tỉnh Kon Tum, Công ty Cổ phần Đầu tư sâm Việt Nam rầm rộ tổ chức Lễ khai trương trụ sở Sâm Việt Nam với khách mời cấp bộ và tỉnh.
Tại sự kiện, đại diện Công ty khẳng định sở hữu 10ha sâm Ngọc Linh gốc, ở xã Ngọc Lây, huyện Tu Mơ Rông và xã Mường Hoong, huyện Đăk Glei. Ngoài ra, vào tháng 4/2021, Công ty này cũng có đơn gửi Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Kon Tum đề nghị cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng chỉ dẫn địa lý “Ngọc Linh” cho sản phẩm sâm củ với số lượng 500.000 cây.
Nhận thấy sự việc bất thường, phóng viên VOV đã theo dõi từ đầu sự kiện và có tin, bài phản ánh đúng bản chất sự việc./.