3 nhà khoa học Mỹ đoạt giải Nobel Kinh tế 2024
Giải thưởng Nobel Kinh tế 2024 đã được trao cho 3 nhà khoa học Mỹ: Daron Acemoglu, Simon Johnson và James A. Robinson vì nghiên cứu giải thích lý do các xã hội pháp quyền kém không tạo ra được tăng trưởng bền vững.
Ngày 14/10, Giải Nobel Kinh tế năm 2024 đã được trao cho các nhà kinh tế người Mỹ gồm: ông Daron Acemoglu, ông Simon Johnson và ông James A. Robinson, với nghiên cứu chứng minh tầm quan trọng của các thể chế xã hội đối với sự thịnh vượng của một quốc gia.
Ông Daron Acemoglu sinh năm 1967 tại Istanbul (Thổ Nhĩ Kỳ), lấy bằng Tiến sĩ năm 1992 tại Trường Kinh tế và Khoa học Chính trị London (Anh). Ông là Giáo sư tại Viện Công nghệ Massachusetts, Cambridge, Mỹ.
Ông Simon Johnson sinh năm 1963 tại Sheffield (Anh), lấy bằng Tiến sĩ năm 1989 tại Viện Công nghệ Massachusetts, Cambridge, Mỹ. Ông là Giáo sư tại Viện Công nghệ Massachusetts, Cambridge, Mỹ.
Ông James A. Robinson sinh năm 1960, lấy bằng Tiến sĩ năm 1993 tại Đại học Yale, New Haven, CT, Mỹ. Ông làm Giáo sư tại Đại học Chicago, IL, Mỹ.
Bằng cách xem xét các hệ thống chính trị và kinh tế khác nhau xuất hiện trong thời kỳ thực dân châu Âu, các ông Daron Acemoglu, Simon Johnson và James A. Robinson đã có thể chứng minh mối quan hệ giữa các thể chế và sự thịnh vượng. Các ông cũng đã phát triển các công cụ lý thuyết có thể giải thích tại sao sự khác biệt trong các thể chế vẫn tồn tại và cách các thể chế có thể thay đổi. Theo đó, nhóm khoa học đoạt giải năm nay đã có công trình giải thích sự khác biệt về thịnh vượng giữa các quốc gia, giải thích hoàn cảnh hình thành nên các thể chế chính trị, đồng thời nêu vấn đề rằng những xã hội có nền pháp quyền kém và thể chế bóc lột dân chúng sẽ không tạo ra sự tăng trưởng hay thay đổi theo hướng tốt hơn. Những hiểu biết sâu sắc của họ về cách các thể chế ảnh hưởng đến sự thịnh vượng cho thấy rằng việc hỗ trợ nền dân chủ và các thể chế toàn diện là một cách quan trọng để thúc đẩy phát triển kinh tế.
"Giảm bớt sự chênh lệch lớn về thu nhập giữa các quốc gia là một trong những thách thức lớn nhất của thời đại chúng ta. Những người đoạt giải đã chứng minh được tầm quan trọng của các thể chế xã hội đối với sự thịnh vượng của một quốc gia", Jakob Svensson - Chủ tịch Ủy ban Giải thưởng Khoa học Kinh tế - cho biết.
Những người tổ chức giải thưởng cho biết thêm trên trang web của họ rằng: "Những xã hội có nền pháp quyền kém và các thể chế bóc lột người dân sẽ không tạo ra sự tăng trưởng hay thay đổi theo hướng tốt đẹp hơn".
Phần thưởng cho Giải Nobel kinh tế có giá trị 11 triệu krona Thụy Điển (1 triệu USD).
Phát biểu tại cuộc họp báo qua điện thoại từ Athens (Hy Lạp), Acemoglu cho biết ông "ngạc nhiên và sốc" trước chiến thắng. “Bạn không bao giờ mong đợi điều gì đó như thế này”, ông Acemoglu nói.
Nhà kinh tế cho biết nghiên cứu được vinh danh bởi giải thưởng này nhấn mạnh giá trị của các thể chế dân chủ. Nhưng ông nói thêm rằng "dân chủ không phải là thuốc chữa bách bệnh" và đôi khi sẽ tạo ra xung đột.
2 nhà kinh tế Acemoglu và Robinson còn là tác giả viết cuốn sách bán chạy nhất năm 2012 “Tại sao các quốc gia thất bại: Nguồn gốc của quyền lực, thịnh vượng và nghèo đói'', trong đó lập luận rằng các vấn đề do con người gây ra là nguyên nhân khiến các quốc gia tiếp tục nghèo đói.