3 nguyên nhân hàng đầu gây bệnh nặng nhất về thận, hàng triệu người Việt mắc mà không hề biết
Theo bác sĩ Cường, 3 nhóm nguyên nhân hàng đầu gây bệnh thận mạn giai đoạn cuối trên thế giới đó là: Đái tháo đường, tăng huyết áp, bệnh cầu thận.
Tại Việt Nam, ước tính có khoảng 5 triệu người bị bệnh thận và hàng năm có khoảng 8.000 ca bệnh mới. Chỉ tính riêng người bệnh suy thận giai đoạn cuối cần lọc máu là khoảng 800.000 người, chiếm 0,1% dân số.
Theo TS.BS Nguyễn Thế Cường – Trưởng khoa Thận lọc máu, Bệnh viện Việt Đức, bệnh thận mạn giai đoạn cuối (ESRD) là bệnh thận mạn giai đoạn 5.
Đây là giai đoạn nặng nhất của bệnh thận mạn với mức lọc cầu thận (GFR) < 15mL/ph/1,73 m2, biểu hiện bằng hội chứng urê máu. Tình trạng này sẽ gây tử vong nếu không được điều trị thay thế thận.
Tần suất bệnh thận mạn trong cộng đồng theo nghiên cứu NHANES III tiến hành trên 15.625 người trưởng thành trên 20 tuổi là 13%. Cứ mỗi người bệnh bệnh thận mạn giai đoạn cuối đến điều trị thay thế thận, tương ứng với ngoài cộng đồng có khoảng 100 người đang bị bệnh thận ở những giai đoạn khác nhau.
Theo bác sĩ Cường, 3 nhóm nguyên nhân hàng đầu gây bệnh thận mạn giai đoạn cuối trên thế giới đó là: Đái tháo đường, tăng huyết áp, bệnh cầu thận.
Tiến triển của bệnh thận mãn tính rất dễ dẫn đến suy thận mạn, làm mất chức năng thận khiến cho người bệnh phải dùng các biện pháp điều trị thay thế. Trong đó, tùy vào từng trường hợp cụ thể của người bệnh có thể lựa chọn một trong ba phương pháp (Thận nhân tạo, Thẩm phân phúc mạc, Ghép thận).
Tại Việt Nam, đái tháo đường, tăng huyết áp là căn bệnh mãn tính không lây nhiễm nhiều người mắc. Theo báo cáo của Hiệp hội Đái tháo đường thế giới IDF Diabetes Atla, năm 2015 đã có 3,5 triệu người Việt mắc bệnh này, và con số này được dự báo sẽ tăng lên 6,1 triệu vào năm 2040.
Cũng trong năm 2015, theo kết quả điều tra của Bộ Y tế, 69% người bị tăng đường huyết nhưng chưa được phát hiện. Chỉ có 28,9% người bệnh đái tháo đường được quản lý tại cơ sở y tế.
Với bệnh tăng huyết áp, theo thống kê năm 2015 của Hội Tim mạch học Việt Nam trên 5.454 người trưởng thành (từ 25 tuổi trở lên) trong quần thể 44 triệu người tại 8 tỉnh thành trên toàn quốc mắc tăng huyết áp, cho thấy có 47,3% (20,8 triệu người) bị tăng huyết áp.
Đặc biệt, trong những người bị tăng huyết áp, có 39,1% (8,1 triệu người) không được phát hiện bị bệnh; có 7,2% (0,9 triệu người) bị tăng huyết áp không được điều trị; có 69,0% (8,1% triệu người) bị tăng huyết áp chưa kiểm soát được.
Cũng theo BS Cường, nếu tại các nước phát triển, đái tháo đường vẫn là nhóm nguyên nhân chiếm ưu thế gây nên bệnh suy thận mạn giai đoạn cuối, thì tại các nước đang phát triển, nguyên nhân hàng đầu vẫn là bệnh cầu thận (30-48%).
Mặc dù là căn bệnh phổ biến và nguy hiểm nhưng bệnh thận thường không gây ra triệu chứng gì cho tới khi đã tiến triển. Ngoài ra, việc tự điều trị tùy tiện của người bệnh cũng là yếu tố làm bệnh thận nhanh tiến triển đến giai đoạn cuối.
Do vậy, điều quan trọng là mọi người cần được trang bị kiến thức, hiểu biết và lắng nghe cơ thể mình để phát hiện ra sớm những dấu hiệu bệnh như chân tay phù, thay đổi khi đi tiểu (tiểu nhiều về đêm, tiểu có nước bọt, tiểu ra máu…), người mệt mỏi, sút cân.
Để phát hiện bệnh sớm nhất, người dân cần đi kiểm tra sức khỏe định kỳ. Nhiều trường hợp nhờ chẩn đoán và điều trị sớm đã làm chậm sự tiến triển đến bệnh thận mạn tính.