3 ẩn số trước thềm 'ngày giải phóng' thuế quan của Tổng thống Trump

Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố sẽ tiếp tục kế hoạch áp thuế từ ngày 2/4. Nhà Trắng thậm chí gọi đó là 'ngày giải phóng' thuế quan. Tuy nhiên, trước giờ G, dư luận thế giới vẫn đang bối rối về 3 ẩn số liên quan đến sự kiện này.

Quy mô thuế quan

Tổng thống Mỹ Donald Trump phát biểu trong cuộc họp báo tại Nhà Trắng. Ảnh tư liệu: THX/TTXVN

Tổng thống Mỹ Donald Trump phát biểu trong cuộc họp báo tại Nhà Trắng. Ảnh tư liệu: THX/TTXVN

BBC (Anh) ngày 2/4 đưa tin, tính đến nay Nhà Trắng chưa đề cập cụ thể thuế quan có thể tăng cao đến mức nào. Trong chiến dịch tranh cử năm 2024, ông Trump đã ủng hộ mức thuế quan 10% đối với tất cả hàng hóa nhập khẩu vào Mỹ và đôi khi nhắc đến mức 20%, thậm chí 60% đối với hàng nhập khẩu từ Trung Quốc. Khi nhậm chức, ông đã đưa ra ý tưởng về thuế đối ứng, với lập luận cho rằng mức thuế có thể thay đổi tùy theo từng quốc gia.

Vào tháng 2, ngay trước khi ra lệnh cho các quan chức xây dựng kế hoạch này, ông chủ Nhà Trắng thứ 47 chia sẻ: “Rất đơn giản, nếu họ đánh thuế chúng ta, chúng ta sẽ đánh thuế họ”.

Dự kiến, Tổng thống Trump sẽ công bố các biện pháp thuế quan mới tại Vườn Hồng của Nhà Trắng vào lúc 16 giờ chiều 2/4 giờ địa phương, tức khoảng 3 giờ sáng 3/4 giờ Việt Nam. Theo người phát ngôn Nhà Trắng, bà Karoline Leavitt, các biện pháp thuế đối ứng đối với những nước áp thuế lên hàng hóa Mỹ sẽ có hiệu lực ngay sau khi công bố, trong khi mức thuế 25% đối với ô tô nhập khẩu sẽ bắt đầu từ ngày 3/4 theo giờ Mỹ.

Nhà Trắng còn khiến cục diện thêm phần khó đoán khi lưu ý rằng các đề xuất của họ không chỉ phản ánh thuế quan mà còn cả các chính sách khác mà họ cho là không công bằng đối với doanh nghiệp Mỹ, ví dụ như Thuế Giá trị gia tăng (VAT).

Điều này đã dẫn đến một cuộc chạy đua, khi các doanh nghiệp và nhà lãnh đạo chính trị cố gắng nắm bắt xem sản phẩm của họ có thể phải đối mặt với mức thuế mới nào. Bên cạnh đó là tác động từ những quyết sách được công bố vào ngày 2/4 với các loại thuế khác, như thuế đối với thép và nhôm, đã được chính quyền Tổng thống Trump áp dụng trước đó.

Ví dụ, các quan chức ở châu Âu đang chuẩn bị cho kịch bản về mức thuế quan hai chữ số đối với hàng xuất khẩu của họ. Đầu năm nay, nhà lãnh đạo Mỹ cho biết ông có kế hoạch đánh thuế nhập khẩu 25% đối với hàng hóa từ châu Âu.

Những quốc gia chịu tác động

Quang cảnh cảng hàng hóa Long Beach ở California, Mỹ. Ảnh: THX/TTXVN

Quang cảnh cảng hàng hóa Long Beach ở California, Mỹ. Ảnh: THX/TTXVN

Chính quyền Tổng thống Trump vẫn chưa “điểm danh” cụ thể những quốc gia sẽ chịu ảnh hưởng. Vào ngày 30/3, Tổng thống Trump cho biết mức thuế quan mới có thể áp dụng cho “tất cả các quốc gia”. Tuyên bố này đã dập tắt hy vọng ở một số quốc gia cho rằng họ có thể không trong tầm ngắm.

Nhiều quốc gia vẫn hy vọng cuối cùng sẽ đạt được một số thỏa thuận với Mỹ. Nhưng trước thềm tuyên bố chính thức của Tổng thống Trump tại Vườn Hồng, vẫn chưa rõ mức thuế quan mới sẽ được áp dụng rộng rãi hay có mục tiêu cụ thể hơn.

Vào tháng 2, Bộ trưởng Tài chính Scott Bessent tiết lộ nỗ lực sẽ tập trung vào "Dirty 15" gồm 15% các quốc gia chiếm phần lớn thương mại với Mỹ, đã áp đặt thuế quan hoặc quy tắc khác khiến các công ty Mỹ gặp bất lợi.

Văn phòng Đại diện Thương mại Mỹ khi chuẩn bị đưa ra các khuyến nghị, đã xác định những quốc gia "đặc biệt quan tâm". Đó là Argentina, Australia, Brazil, Canada, Trung Quốc, Liên minh châu Âu (EU), Ấn Độ, Indonesia, Nhật Bản, Hàn Quốc, Malaysia, Mexico, Nga, Saudi Arabia, Nam Phi, Thụy Sĩ, Thái Lan, Thổ Nhĩ Kỳ, Anh...

Bản thân Tổng thống Trump đã chỉ trích gay gắt các đồng minh lịch sử và đối tác thương mại lớn, chẳng hạn như Canada và EU. "Bạn bè thường tệ hơn nhiều so với kẻ thù", ông tuyên bố.

Hệ quả

Giao dịch viên tại sàn chứng khoán New York, Mỹ. Ảnh: THX/TTXVN

Giao dịch viên tại sàn chứng khoán New York, Mỹ. Ảnh: THX/TTXVN

Thuế quan đánh vào hàng nhập khẩu và câu hỏi lớn là đối tượng nào sẽ phải chịu trách nhiệm chi trả?

Về mặt kỹ thuật, có một câu trả lời đơn giản: các công ty Mỹ nhập khẩu hàng hóa là bên sẽ phải “ôm thêm” chi phí, đặc biệt là nếu Nhà Trắng bắt đầu đánh thuế ngay lập tức.

Nhưng thuế quan càng lớn, các công ty sẽ càng tìm cách bù đắp những chi phí đó, qua phương thức thay đổi nhà cung cấp, đề nghị đối tác kinh doanh chia sẻ gánh nặng hoặc tăng giá sản phẩm khi bán trên thị trường Mỹ.

Nhiều công ty cho biết họ đã chuẩn bị cho bước đi đó. Nhưng đây là một trò chơi mạo hiểm bởi nếu các công ty tăng giá quá nhiều, người mua sẽ đơn giản là tránh xa. Điều đó làm tăng nguy cơ suy thoái kinh tế ở cả Mỹ và xa hơn nữa là bên ngoài biên giới nước này, nơi nhiều công ty phụ thuộc vào doanh số bán hàng ở Mỹ.

Tổng thống Trump từng gợi ý rằng các công ty muốn tránh thuế quan có thể đơn giản là kinh doanh tại Mỹ. Nhưng đó không phải là giải pháp tức thời hay dễ dàng, xét đến chi phí thuê và thiết lập nhà máy cao.

Khi xét đến yếu tố biến động tỷ giá và khả năng các quốc gia trả đũa, hậu quả từ nỗ lực của Tổng thống Mỹ Trump trong việc điều chỉnh lại cán cân thương mại toàn cầu có thể sẽ khó dự đoán lâu dài sau khi thông báo ngày 2/4 chính thức được đưa ra.

Hà Linh/Báo Tin tức

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/the-gioi/3-an-so-truoc-them-ngay-giai-phong-thue-quan-cua-tong-thong-trump-20250402085834021.htm