2x2x2... cuộc đời khác nhau!

Được tự do lựa chọn cái kết theo ý muốn là điều thú vị mà cuốn sách 'Thật kì diệu, tôi là… người lữ hành sa mạc' mang lại cho độc giả.

Minh họa/INT.

Được tự do lựa chọn cái kết theo ý muốn là điều thú vị mà cuốn sách “Thật kì diệu, tôi là… người lữ hành sa mạc” mang lại cho độc giả. Khi đó, mọi người sẽ không phải đọc tuần tự từ đầu đến cuối mà có quyền “nhảy cóc” đến bất cứ trang nào theo sự tò mò của riêng mình.

Cuốn sách “Thật kì diệu, tôi là… người lữ hành sa mạc” được hoàn thành với sự hợp tác của Madeleine Deny, họa sĩ Sylvain Frécon cùng hai nhà báo Frédéric Courant và Jamy Gourmaud, và đã đến tay độc giả Việt Nam qua lời dịch của Trần Ngọc Diệp.

Cuốn sách kể về hành trình của cậu bé thuộc bộ tộc người Tuareg vượt sa mạc trên lưng lạc đà để trao đổi hàng hóa. Xuyên suốt cuộc hành trình đó, độc giả được lựa chọn hướng đi của cậu bé, và từ đó “có thể đọc hơn 10 lần khác nhau, trở thành nhân vật chính, sống hơn 10 cuộc đời”.

Thế giới sa mạc phong phú!

Nhiều độc giả luôn mong muốn được đi thật nhiều, đi tới nơi thật xa để chứng kiến tận mắt những gì mới mẻ, những gì độc đáo của vùng đất đó. Tuy nhiên, làm sao có đủ tiền để đi tới nơi mình muốn đến – đó chính là một câu hỏi chung mà không dễ trả lời đối với nhiều người.

Khi đó, những cuốn sách như “Thật kì diệu tôi là… người lữ hành sa mạc” sẽ là người bạn với độc giả, giúp mọi người tuy không được nhìn tận mắt, sờ tận tay những điều muốn tìm hiểu, nhưng phần nào giúp cho trí tưởng tượng bay bổng ra nơi họ muốn tới.

Cuốn sách 'Thật kì diệu tôi là… người lữ hành sa mạc' do NXB Kim Đồng ấn hành. Ảnh: Tấn Quyết.

Với cuốn sách này, qua cuộc hành trình vượt sa mạc trên lưng lạc đà của cậu bé thuộc tộc người Tuareg, độc giả có thể rút ra một điều: “Sa mạc không hề đơn điệu, một màu, mà trái lại, rất phong phú, từ sự sống trên sa mạc cho tới những phong tục của những bộ tộc chuyên sinh sống du canh du cư trên mảnh đất hoang vắng này!”.

Đó có thể là hình dạng của những đụn cát: Từ hình lưỡi liềm, song song với nhau, thậm chí cả cồn cát hình ngôi sao cũng thực sự tồn tại! Hay nào là cú, nào là cáo, nào là rắn, nào là báo, hay thậm chí là cây acacia hay calligonum – ai bảo là trên sa mạc không có loài sinh vật nào sinh sống nhỉ?

Thậm chí với bộ tộc Tuareg, tuy sinh sống trên sa mạc nhưng cũng có vô số phong tục độc đáo: “Bé trai chào đời sẽ được giáo sĩ đặt cho một cái tên Hồi giáo nhưng sau này anh ta sẽ sử dụng một cái tên Tuareg do vợ đặt cho”. Tương tự, mỗi túp lều đều thuộc sở hữu của một phụ nữ, và những chàng thanh niên Tuareg đã trưởng thành mà chưa có vợ sẽ phải ngủ… ngoài đường!

Cách kể chuyện tài tình

Một điều rất đáng được độc giả chú ý tới khi đọc cuốn sách này chính là cách kể chuyện đầy mới mẻ mà không nhiều cuốn sách có được. Với mỗi trang sách, tác giả lại đặt ra một tình huống bất kì và đưa ra cho độc giả những lựa chọn “Có/ Không”.

Ở mỗi câu trả lời, tác giả lại “mời” độc giả lật tới một trang sách bất kì, chứ không phải là trang sách liền kề sau đó. Có thể độc giả đang ở trang thứ 15 của cuốn sách, nhưng nếu lựa chọn theo hướng “Có” sẽ giật lùi về trang 11, hay nếu là “Không” thì nhảy cóc thẳng lên trang 23. Sự thay đổi đầy thú vị này khiến độc giả thích thú và có thể sẵn sàng bước vào tìm hiểu mọi cuộc đời, mọi cái kết khác nhau hiện diện trong cuốn sách.

Một tình huống được tác giả đặt ra cho phép độc giả tự do lựa chọn cái kết. Ảnh: Tấn Quyết.

Hơn nữa, chính sự liên kết giữa các đoạn văn khác nhau đã phần nào tạo nên sự hấp dẫn đặc biệt của cuốn sách. Với không ít người, nhiều khi phải mất rất nhiều thời gian để liên kết các đoạn văn lại sao cho hợp lý. Nhưng với cuốn sách “Thật kì diệu tôi là… người lữ hành sa mạc”, những sự liên kết đó đã được tác giả Madeleine Deny nâng lên tới tầm cao mới.

Khi thử trải nghiệm nhiều cuộc đời với nhiều lựa chọn khác nhau, độc giả có thể dễ dàng nhận ra rằng một số cuộc đời có sử dụng chung một vài trang sách. Điều đó đồng nghĩa với việc tác giả đã rất tài tình khi tạo ra từng trang sách sao cho từ các cuộc đời khác nhau, độc giả vẫn được đọc bằng cảm giác liền mạch, không hề bị vấp. Từ đó, ông thành công trong việc thu hút độc giả vào những chuyến phiêu lưu.

“Thật kì diệu tôi là… người lữ hành sa mạc” xứng đáng đọc vào những giờ giải lao để thư giãn, giải trí, mở rộng sự hiểu biết, không chỉ vì thông tin bổ ích, mà còn vì bố cục lạ. Chỉ từ một cuốn sách dày gần 50 trang, nhưng nếu độc giả chăm khám phá, dường như đọc mãi sẽ chẳng bao giờ bắt gặp trang cuối!

Tấn Quyết

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/2x2x2-cuoc-doi-khac-nhau-post651020.html