2 năm không tuyển đủ chỉ tiêu, lãnh đạo ĐH Sư phạm Kỹ thuật Nam Định nêu lý do

Ngành sư phạm có ít sức hút đối với học sinh, phụ huynh, đây là một trong những lý do khiến công tác tuyển sinh của ĐH Sư phạm Kỹ thuật Nam Định gặp khó.

Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật Nam Định được thành lập với sứ mạng là cơ sở đào tạo, bồi dưỡng nhà giáo, cán bộ kỹ thuật có trình độ đại học và sau đại học theo hướng ứng dụng thuộc các lĩnh vực kỹ thuật, công nghệ, kinh tế, nghiên cứu và triển khai các nhiệm vụ khoa học, công nghệ đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục đào tạo, phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 và khả năng hội nhập quốc tế.

Được biết, hiện Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật Nam Định đang đào tạo 3 khối ngành: Kinh doanh và quản lý; Máy tính và công nghệ thông tin; Công nghệ kỹ thuật. Trong đó, trọng điểm tuyển sinh là khối Công nghệ kỹ thuật (đào tạo giáo viên kỹ thuật – dạy nghề).

Theo số liệu thống kê công tác tuyển sinh trong hai năm 2021 và 2022, tỷ lệ sinh viên có việc làm trong khoảng thời gian 12 tháng kể từ khi được công nhận tốt nghiệp trong 2 năm gần đây của nhà Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật Nam Định khá cao, dao động từ 87 – 100%.

Tuy nhiên, công tác tuyển sinh trong 2 năm gần đây của nhà trường đều không tuyển đủ chỉ tiêu đã được phê duyệt.

Công tác tuyển sinh trong 2 năm gần đây của Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật Nam Định gặp khó khăn (Ảnh: PL)

Công tác tuyển sinh trong 2 năm gần đây của Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật Nam Định gặp khó khăn (Ảnh: PL)

Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam về công tác tuyển sinh, Tiến sĩ Trần Xuân Thảnh – Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật Nam Định (tỉnh Nam Định) cho biết, những năm qua nhà trường luôn quan tâm và có nhiều giải pháp để nâng cao chất lượng tuyển sinh với quan điểm đây là nhiệm vụ của toàn bộ cán bộ, giảng viên, nhân viên.

Hằng năm, nhà trường đều tổ chức hội nghị tuyển sinh để đẩy mạnh công tác tuyên truyền tới xã hội.

Trong đó, trường đã thành lập Ban Tuyển sinh, triển khai nhiều cách thức tuyên truyền như đăng tải trên website của trường, tư vấn tại các trường trung học phổ thông trên địa bàn. Đồng thời, nhà trường cũng hỗ trợ kinh phí cho các thầy, cô thực hiện nhiệm vụ tuyên truyền tuyển sinh.

Về chương trình đào tạo, Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật Nam Định theo định hướng ứng dụng, tập trung vào các học phần thực hành và rèn kỹ năng thực hành nghề nghiệp cho sinh viên. Nhà trường cũng yêu cầu giảng viên đổi mới phương pháp giảng dạy, tăng cường viết giáo trình, tài liệu tham khảo.

Đặc biệt, trường khuyến khích việc giảng viên kiến tập hoặc trực tiếp kinh qua nhiều vị trí việc làm khác nhau tại doanh nghiệp để có tích lũy kinh nghiệm thực tế. Qua đó vừa nâng cao chuyên môn của giảng viên vừa tạo cơ sở để giảng viên đưa những kiến thức thực tế trên vào giáo trình giảng dạy.

Về cơ sở vật chất, nhà trường tổ chức khai thác tối ưu cho công tác dạy và học đã được đầu tư. Hiện tại, nhà trường có nhiều trang thiết bị tiên tiến, hiện đại phục vụ quá trình giảng dạy – học tập, rèn luyện kỹ năng nghề nghiệp cho sinh viên.

Cùng với việc nâng cao chất lượng nhà trường tạo môi trường giáo dục phẩm chất lối sống, kỹ năng làm việc như tổ chức các hoạt động văn hóa, thể thao, nghiên cứu khoa học, khuyến khích học sinh tham gia các cuộc thi như Tin học MOS, Thiết kế đồ họa; Lái xe sinh thái,…liên quan đến chuyên môn được đào tạo.

Bên cạnh đó, nhà trường cũng tăng cường các hoạt động giáo dục thể chất với mục tiêu giáo dục phẩm chất đạo đức, kỹ năng nghề nghiệp, tổ chức hoạt động nhóm.

Một vấn đề trọng điểm nữa là tăng cường kết nối với doanh nghiệp, nhà trường tổ chức cho sinh đi thực hành, thực tập. Mời doanh nghiệp đến trường phỏng vấn, tuyển dụng với mục tiêu cho sinh viên tiếp cận với doanh nghiệp và có thêm nhiều sự lựa chọn việc làm sau khi tốt nghiệp.

Mặc dù đã đồng bộ nhiều giải pháp về tuyên truyền tuyển sinh, nâng cao chất lượng đào tạo, kết nối với doanh nghiệp và tối ưu cơ sở vật chất nhưng thực tế nhiều ngành của nhà trường vẫn không tuyển sinh đủ chỉ tiêu, đây là nỗi trăn trở nhiều năm qua của Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật Nam Định.

Lý giải tình trạng này, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật Nam Định cho biết, sứ mạng của nhà trường là đào tạo nhà giáo giáo dục nghề nghiệp tuy nhiên nhiều năm trở lại đây, ngành sư phạm có ít sức hút đối với học sinh và phụ huynh do thu nhập hạn chế sau khi tốt nghiệp.

Mặc dù nhà trường duy trì ổn định về quy mô đào tạo, cơ sở vật chất, cố gắng nâng cao chất lượng đào tạo cũng như tạo cơ hội việc làm cho sinh viên sau tốt nghiệp nhưng thực tế nhiều năm trở lại đây, ngành sư phạm có ít sức hút đối với học sinh hay phụ huynh do thu nhập hạn chế sau khi tốt nghiệp (Ảnh: PL)

Mặc dù nhà trường duy trì ổn định về quy mô đào tạo, cơ sở vật chất, cố gắng nâng cao chất lượng đào tạo cũng như tạo cơ hội việc làm cho sinh viên sau tốt nghiệp nhưng thực tế nhiều năm trở lại đây, ngành sư phạm có ít sức hút đối với học sinh hay phụ huynh do thu nhập hạn chế sau khi tốt nghiệp (Ảnh: PL)

Sự chuyển hướng về ngành nghề, nhu cầu của xã hội cũng ảnh hưởng nhất định đối với công tác tuyển sinh của các trường đào tạo các mã ngành sư phạm nói chung và của Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật Nam Định nói riêng.

Một số phụ huynh, học sinh ở một số địa phương lân cận nghĩ rằng Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật Nam Định (tên trường gắn với tên địa phương) chỉ tập trung tuyển sinh, đào tạo trong địa bàn tỉnh Nam Định. Trong khi thực tế là nhà trường được phép tuyển sinh, đào tạo trên phạm vi cả nước.

Bên cạnh đó, có một thực tế chung về vấn đề “cung – cầu” thể hiện qua việc số lượng học sinh tốt nghiệp trung học phổ thông hằng năm so với quy mô đào tạo của toàn bộ các trường cao đẳng, đại học trên cả nước có sự chênh lệch.

Học sinh tốt nghiệp trung học phổ thông hiện có nhiều cơ hội lựa chọn, có thể học lên đại học trong nước, học tập tại nước ngoài như xin được học bổng, hoặc tự túc; học nghề tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp, hoặc tham gia ngay vào thị trường lao động.

Chưa kể đến, nhiều phụ huynh, học sinh luôn ưu tiên lựa chọn các trường đại học ở thành phố lớn để có cơ hội trải nghiệm, cơ hội việc làm với mức thu nhập lý tưởng sau khi tốt nghiệp.

Trong giai đoạn tới, Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật Nam Định đưa ra quan điểm kiên trì phấn đấu với mục tiêu nâng cao chất lượng đào tạo (Ảnh: PL)

Trong giai đoạn tới, Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật Nam Định đưa ra quan điểm kiên trì phấn đấu với mục tiêu nâng cao chất lượng đào tạo (Ảnh: PL)

Cũng theo thầy Thảnh, trong giai đoạn tới, Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật Nam Định đưa ra quan điểm kiên trì nâng cao chất lượng đào tạo; tạo môi trường rèn luyện kỹ năng nghề nghiệp, kỹ năng mềm, khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo và nghiên cứu khoa học trong sinh viên.

Kết nối với doanh nghiệp để sinh viên rèn luyện kỹ năng và có nhiều cơ hội việc làm ổn định cho sinh viên sau tốt nghiệp.

Bên cạnh đó, tiếp tục tuyên truyền với xã hội về thế mạnh đào tạo mang tính ứng dụng của nhà trường cũng như việc nhà trường không những đào tạo các ngành sư phạm kỹ thuật mà còn đào tạo kỹ sư, cử nhân ra trường làm việc không những ở Nam Định mà còn làm việc ở nhiều tỉnh thành phố trên cả nước.

Phạm Linh

Nguồn Giáo Dục VN: https://giaoduc.net.vn/2-nam-khong-tuyen-du-chi-tieu-lanh-dao-dh-su-pham-ky-thuat-nam-dinh-neu-ly-do-post238172.gd