19% tổng đàn lợn của Hà Nội bị tiêu hủy vì dịch tả lợn châu Phi
Sở NN&PTNT Hà Nội vừa có báo cáo mới nhất về diễn biến và kết quả công tác phòng, chống bệnh dịch tả lợn châu Phi trên địa bàn TP.
Theo đó, tính đến nay, bệnh dịch tả lợn châu Phi (DTLCP) đã xảy ra tại 21.286 hộ chăn nuôi (chiếm 26,3% tổng số hộ, cơ sở chăn nuôi) ở 2.093 thôn, tổ dân phố của 435 xã, phường, thị trấn thuộc 24 quận, huyện, thị xã. Tổng số lợn bị mắc bệnh, nghi mắc bệnh và buộc phải tiêu hủy là trên 353.777 con lợn (chiếm khoảng 19% tổng đàn lợn toàn TP), với trọng lượng lợn bị tiêu hủy trên 24.292 tấn.
Một số địa phương phải tiêu hủy số lượng lợn mắc bệnh lớn như: Sóc Sơn 63.976 con (chiếm 52,2% tổng đàn lợn), Đông Anh 34.210 con (chiếm 43,2% tổng đàn lợn), Quốc Oai 27.037 con (chiếm 42,2% tổng đàn lợn), Chương Mỹ 24.336 con (chiếm 10% tổng đàn lợn)...
Đến nay, đã có 9 xã, phường thuộc 7 quận, huyện dịch bệnh đã qua 30 ngày không phát sinh gồm: Phường Gia Thụy (quận Long Biên) Tứ Liên (quận Tây Hồ), Thanh Trì, Định Công (quận Hoàng Mai), La Khê (quận Hà Đông), các xã Kim Lan, Ninh Hiệp (huyện Gia Lâm), Tứ Hiệp (huyện Thanh Trì), Kim An (huyện Thanh Oai).
Thời gian qua, công tác tổ chức, triển khai, thực hiện phòng, chống bệnh DTLCP đã có sự quan tâm của Thành ủy, HĐND, UBND TP. Từ đầu năm đến nay, đã triển khai 4 đợt đại trà với tổng số hóa chất đã cấp, sử dụng là 187 tấn. Ngoài ra, ngân sách TP và chính quyền địa phương đã cấp bổ sung 181 tấn hóa chất, 5.889 tấn vôi bột để khử trùng, tiêu độc tại ổ dịch bệnh và nơi nguy cơ cao.
Sở NN&PTNT cũng đã mua, cấp phát sử dụng tại các địa phương 30 máy làm chết động vật nhân đạo giúp tiết kiệm chi phí nhân công, giảm sức lao động khi tiêu hủy lợn. Cấp đĩa DVD về quy trình ứng phó với bệnh DTLCP, các bài tuyên truyền về chính sách, quy định và các biện pháp phòng, chống dịch bệnh tới 584 xã, phường, thị trấn, cấp 20.000 tờ rơi, 5.000 cuốn sổ tay về phòng, chống bệnh DTLCP tới các đối tượng liên quan.
Bên cạnh đó, Sở đã giám sát chặt chẽ diễn biến dịch bệnh tới từng hộ, thôn, xóm, cụm dân cư đảm bảo phát hiện, báo cáo kịp thời, khoanh vùng, khống chế không để dịch bệnh lây lan. Thường xuyên cập nhật thông tin, diễn biến, biện pháp phòng, chống dịch bệnh trên thế giới, cả nước để kịp thời cung cấp thông tin nâng cao năng lực hệ thống ngành, hướng dẫn người chăn nuôi.
Chỉ đạo các DN chăn nuôi liên doanh, quốc doanh, hợp tác xã có chăn nuôi lớn đã chủ động triển khai quyết liệt các biện pháp an toàn sinh học để bảo vệ đàn lợn. Đặc biệt, đối với các đàn lợn giống để sẵn sàng phục vụ cho việc khôi phục chăn nuôi khi có điều kiện.