18 doanh nghiệp ký kết hợp tác tiêu thụ, phát triển thị trường lúa gạo tỉnh Thái Bình

Ngày 2/3, lần đầu tiên một hội nghị chuyên đề phát triển thị trường lúa gạo được Ủy ban nhân dân tỉnh Thái Bình tổ chức. Sự kiện quy tụ hơn 100 doanh nghiệp, hợp tác xã, cá nhân từ các tập đoàn, tổng công ty, các thương nhân thu mua, phân phối và chế biến các sản phẩm lúa gạo trên địa bàn cả nước tham gia.

Lần đầu tiên, tỉnh Thái Bình tổ chức hội nghị chuyên đề về phát triển thị trường lúa gạo.

Phát biểu tại sự kiện quan trọng này, đồng chí Nguyễn Khắc Thận, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Thái Bình khẳng định: Thái Bình là tỉnh có diện tích cấy lúa lớn trong khu vực đồng bằng sông Hồng, với diện tích khoảng 155.000ha, sản lượng thóc khoảng 1 triệu tấn/năm, trong đó có khoảng 40% tiêu thụ trong tỉnh, còn lại ở trong nước và xuất khẩu.

Đồng chí Nguyễn Khắc Thận, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Thái Bình, mong muốn các doanh nghiệp đóng góp nhiều ý kiến tâm huyết, giúp địa phương mở rộng hơn nữa thị trường tiêu thụ lúa gạo.

Tỷ lệ giống lúa chất lượng cao đang được gieo cấy tại địa phương hiện đạt hơn 40%. Thái Bình đã hỗ trợ xây dựng và phát triển hơn 35 nhãn hiệu gạo như: Gạo làng Giắng, gạo Nếp Keo, gạo chợ Gốc, gạo A Sào, gạo niêu Vàng… và đang tập trung xây dựng thương hiệu lúa gạo Thái Bình.

Trên thị trường, các mặt hàng gạo của Thái Bình có mặt tại hệ thống siêu thị Vinmart, Trung tâm thương mại Go/Big C; được tiêu thụ trên các sàn thương mại điện tử như: Lazada, Shopee.

Ngoài ra, trên địa bàn có 4 doanh nghiệp được Bộ Công thương cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh xuất khẩu gạo. Một số mặt hàng gạo được xuất khẩu trực tiếp sang thị trường Trung Quốc, Đài Loan (Trung Quốc) và một số nước, vùng lãnh thổ.

Hiện nay, tỉnh Thái Bình đã phát triển được 35 nhãn hiệu gạo và đang tập trung xây dựng thương hiệu lúa gạo Thái Bình.

Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Thái Bình cho hay, nhìn tổng thể việc phát triển thị trường lúa gạo hiện nay của địa phương chưa tương xứng với tiềm năng sẵn có. Các nhà phân phối bán lẻ chưa biết nhiều đến gạo Thái Bình; công tác xây dựng thương hiệu và quảng bá thương hiệu còn hạn chế.

Vì vậy, tại hội nghị chuyên đề này, với tinh thần cầu thị, lãnh đạo tỉnh Thái Bình mong muốn được lắng nghe nhiều ý kiến tâm huyết, trách nhiệm của các đơn vị, doanh nghiệp để gỡ khó cho địa phương trên con đường đưa lúa gạo Thái Bình ra thị trường nhiều hơn, ổn định hơn.

Nêu những suy nghĩ tâm huyết với lãnh đạo tỉnh, ông Trần Mạnh Báo, Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng Giám đốc Tập đoàn ThaiBinh Seed cho rằng, để phát triển được thị trường lúa gạo Thái Bình cần phải có sự đổi mới. Cụ thể, phải thực hiện chuỗi các hoạt động từ sản xuất đến tiêu thụ, đòi hỏi sự liên kết chặt chẽ giữa nhà nước và các doanh nghiệp, giữa các doanh nghiệp và các hộ sản xuất.

Bên cạnh đó, cung cấp giống lúa chất lượng cao cho sản xuất gạo; tổ chức quy hoạch vùng sản xuất nguyên liệu gạo phù hợp để đạt được chất lượng gạo ngon; đầu tư xây dựng hệ thống chế biến lúa gạo hiện đại và cuối cùng là xây dựng thương hiệu, quảng bá sản phẩm một cách bài bản.

18 doanh nghiệp trong nước ký kết hợp tác và tiêu thụ sản phẩm lúa gạo tỉnh Thái Bình.

Đại diện Liên hiệp Hợp tác xã Thương mại thành phố Hồ Chí Minh (Saigon Co.op) khẳng định, là một trong những đơn vị bán lẻ hiện đại hàng đầu tại Việt Nam, thông qua hội nghị phát triển thị trường lúa gạo Thái Bình, Saigon Co.op cam kết sẽ tiếp tục chủ động tham gia sâu vào quá trình thúc đẩy đổi mới, phát triển chuỗi giá trị sản phẩm phù hợp với yêu cầu của thị trường, góp phần chuyển đổi tư duy kinh tế nông nghiệp cho nông dân, qua đó nâng tầm giá trị thương hiệu sản phẩm Việt trên thị trường.

Trong khuôn khổ hội nghị, đã có 18 doanh nghiệp thực hiện ký kết hợp tác, tiêu thụ và phát triển thị trường lúa gạo tỉnh Thái Bình.

MAI TÚ

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.vn/18-doanh-nghiep-ky-ket-hop-tac-tieu-thu-phat-trien-thi-truong-lua-gao-tinh-thai-binh-post741141.html