15 năm Hội Bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam: Không để trẻ em nào bị bỏ lại phía sau
Tròn 15 năm thành lập (8/4/2008 - 8/4/2023), Hội Bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam thành lập đã có những đóng góp quan trọng, thúc đẩy sứ mệnh thực hiện quyền trẻ em, tạo điều kiện cho trẻ em Việt Nam được sống trong môi trường an toàn, lành mạnh.
Bà Tôn Ngọc Hạnh (bìa trái), Ủy viên dự khuyết TƯ Đảng, Phó Chủ tịch Hội LHPNVN, tặng hoa chúc mừng Hội Bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam nhân kỷ niệm 15 năm thành lập
Trong những năm đầu thành lập, vượt qua những khó khăn, thử thách, với lòng nhiệt huyết và sự gắn kết của những tấm lòng vì trẻ em của các lãnh đạo, nguyên lãnh đạo, cán bộ, chuyên gia có nhiều năm công tác và kinh nghiệm trong lĩnh vực trẻ em, Đại hội lần thứ nhất Hội Bảo vệ quyền trẻ em (BVQTE) Việt Nam được tổ chức thành công. Giai đoạn 2008-2012, bầu được 35 Ủy viên Ban chấp hành của Hội và 11 Ủy viên Ban Thường vụ. Kể từ đó, Hội đã nỗ lực trong xây dựng và phát triển tổ chức Hội ở cấp Trung ương và địa phương.
Chỉ tính trong 5 năm qua, Hội đã tiếp nhận hơn 500 thông tin phản ánh của công dân gửi đến thông qua đơn thư, email, tư vấn trực tiếp... liên quan đến vi phạm quyền trẻ em. Hội đã hỗ trợ tư vấn, xử lý và gửi công văn kiến nghị tới các cơ quan Nhà nước có liên quan đề nghị giải quyết gần 300 trường hợp.
Cùng với đó, Hội BVQTE Việt Nam đã tiến hành hỗ trợ pháp lý cho hàng chục ca xâm hại trẻ em và đã gửi nhiều công văn tới các cơ quan liên quan về các vụ bạo lực trẻ em trong gia đình, bạo lực trẻ em trong trường học, xâm hại tình dục trẻ em, tranh chấp nuôi con tại Bà Rịa - Vũng Tàu, Tiền Giang, Long An Tây Ninh, Kiên Giang, Sơn La, Hà Nội, Thanh Hóa, TP Hồ Chí Minh, Bắc Giang và Phú Thọ...
Hiện nay, Hội BVQTE Việt Nam đang duy trì 3 mô hình luật sư bảo vệ trẻ em tại Hà Nội và TP Hồ Chí Minh với khoảng 60 luật sư, luật gia là thành viên chưa tính đến các luật sư, luật gia trực thuộc một số Hội địa phương như Bắc Giang, Đà Nẵng, Bến Tre, Bà Rịa - Vũng Tàu…
Với những vụ việc vi phạm quyền trẻ em nghiêm trọng, Hội đã cử luật sư tư vấn và hỗ trợ trực tiếp cho trẻ em và gia đình để đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của trẻ em. Cán bộ Hội là thành viên Hội thẩm nhân dân cũng đã tham gia xét xử gần hàng chục vụ án có liên quan đến trẻ em.
Trong buổi lễ gặp mặt kỷ niệm 15 năm ngày thành lập Hội Bảo vệ quyền trẻ em vừa diễn ra tại Hà Nội, bà Tôn Ngọc Hạnh - Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam, xúc động nói: "Nhìn lại chặng đường từ những ngày đầu thành lập của Hội BVQTE Việt Nam đến nay, chúng ta có thể thấy công sức của tất cả các hội viên qua các nhiệm kỳ và đương nhiệm là vô cùng giá trị. Tôi vô cùng cảm phục, đây là một nguồn năng lượng vô cùng tích cực để giúp cho Hội LHPN Việt Nam nỗ lực hơn nữa, đặc biệt là trong việc phối hợp với Hội BVQTE Việt Nam".
"Vai trò của Trung ương Hội LHPN Việt Nam trong việc bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp chính đáng cho giới nữ, cho phụ nữ cả nước, trong gia đình thì không thể thiếu phụ nữ, bình đẳng giới và trẻ em. Vì trẻ em là mầm non tương lai của đất nước, do đó, cần tăng cường sự phối hợp chặt chẽ và sâu sắc hơn nữa giữa Hội BVQTE Việt Nam và Hội LHPN Việt Nam" - bà Tôn Ngọc Hạnh nhấn mạnh.
Nhìn lại chặng đường 15 năm qua, bà Nguyễn Thị Thanh Hòa, Chủ tịch Hội BVQTE Việt Nam cho biết: Từ những ngày đầu thành lập, Hội BVQTE Việt Nam đã đặt ra mục tiêu phấn đấu trở thành một tổ chức xã hội chuyên nghiệp về bảo vệ quyền trẻ em.
"Để trở thành một tổ chức xã hội chuyên nghiệp về bảo vệ quyền trẻ em cần phải có mục tiêu, đích đến, tôn chỉ và tầm nhìn cụ thể, rõ ràng. Đồng thời, cần có một đội ngũ cán bộ có năng lực chuyên môn, phẩm chất và phong cách của một người làm công tác về bảo vệ trẻ em. Đây là đích đến mà Hội BVQTE Việt Nam sẽ tiếp tục cố gắng, phấn đấu để đạt được tầm nhìn trở thành một tổ chức xã hội chuyên nghiệp về bảo vệ quyền trẻ em trong tương lai", Chủ tịch Hội BVQTEVN cho biết.
Trên chặng đường mới, Hội BVQTE Việt Nam sẽ luôn phấn đấu bền bỉ, tiếp tục huy động hiệu quả hơn nữa nguồn lực từ cộng đồng trong nhiệm kỳ IV (giai đoạn 2023-2028) để nhiều trẻ em ngày càng được bảo vệ và phát triển tốt hơn nữa, như phương châm hành động xuyên suốt của Hội chính là "Chung tâm, chung trí, chung sức bảo vệ quyền trẻ em", không để trẻ em nào bị bỏ lại phía sau.