10 thay đổi phút chót giúp tạo nên tác phẩm hút khách

Tại Hollywood, không ít quyết định điều chỉnh được đạo diễn đưa ra vào phút chót đã biến bộ phim thành tác phẩm điện ảnh khó quên.

Em bé quỷ trong Bird Box (2018): Ban đầu, nhà sản xuất Bird Box muốn tạo ra một con quỷ hữu hình trên màn ảnh trong hình dạng đứa bé khổng lồ, xám ngoét. Tuy nhiên, sau khi cân nhắc kỹ càng, kèm lo ngại ý tưởng sẽ gây cười nhiều hơn gieo rắc nỗi sợ hãi, họ đã loại bỏ chi tiết này. Phim ra mắt với con quỷ không rõ hình hài, bởi phàm kẻ nào trông thấy nó đều không còn sống để kể lại. Ảnh: Netflix.

Thay thế bông cải xanh trong Inside Out (2015): Trên phim, Ridley ngày bé đã cự tuyệt món bông cải xanh. Cô bé, cũng như nhiều đứa trẻ Mỹ, rất ghét loại thực vật này. Tuy nhiên, khi Inside Out chuẩn bị phát hành tại Nhật Bản, xưởng Pixar phát hiện ra rằng trẻ em xứ phù tang không ghét, mà ngược lại rất thích bông cải xanh. Vào phút chót, các họa sĩ đã thay thế bông cải xanh bằng ớt chuông trong phiên bản Inside Out chiếu tại Nhật. Ảnh: Pixar.

Bill Hader lồng tiếng cho BB-8 trong The Force Awakens (2015): Ban đầu, Hader đã thực hiện phần lồng tiếng cho BB-8, nhưng tất cả bị loại bỏ vì âm thanh nghe quá con người. Khi Star Wars - Episode VII: The Force Awakens đã bắt đầu quảng bá, đạo diễn J.J. Abrams bèn tìm tới Hader và đề nghị anh thử lại một lần nữa. Lần này, họ tập trung vào việc tạo ra các chuỗi âm thanh bị bóp méo, thay vì tạo ra những câu thoại hoàn chỉnh. Ảnh: Lucasfilm.

Obi-Wan đoạt gươm của Anakin trong Revenge of the Sith (2005): Trong Star Wars - Episode IV: A New Hope (1977), Obi-Wan Kenobi (Alec Guinness) đã trao cho Luke Skywalker (Mark Hamill) thanh gươm ánh sáng của Anakin Skywalker. Tuy nhiên, khi ghi hình trận chiến giữa Anakin (Hayden Christensen) với Obi-Wan (Ewan McGregor) trong Star Wars - Episode III: Revenge of the Sith, đạo diễn George Lucas đã quên mất cảnh Kenobi đoạt thanh gươm của Anakin. Thiếu sót được phát hiện trên bàn dựng và kịp thời sửa chữa. Ảnh: Lucasfilm.

Edward Norton thay đổi kịch bản American History X (1998): Bộ phim của đạo diễn Tony Kaye dự định kết thúc bằng cảnh Dereck Vinyard (Norton) quay lại con đường tội ác sau khi em trai bị sát hại. Tuy nhiên, ngôi sao Edward Norton kịch liệt phản đối vì cảm thấy nó đi ngược lại tinh thần của tác phẩm. Anh đã đề nghị New Line Cinema thay đổi cái kết và được thông qua. Ảnh: New Line Cinema.

Toy Story 2 (1999) không được ra rạp: Disney từng dự định phát hành Toy Story 2 dưới định dạng video gia đình trong năm 1998. Tuy nhiên, “nhà chuột” đã đổi ý vào phút chót. Bộ phim 60 phút được sửa chữa thành tác phẩm 90 phút để chiếu trên màn ảnh rộng. Đội họa sĩ tại Pixar đã phải làm việc 10 tiếng mỗi ngày, 6 ngày mỗi tuần liên tục trong 9 tháng để hoàn thiện và kịp cho ra mắt bộ phim vào năm 1999. Ảnh: Disney.

Lời dẫn của Deckard trong Blade Runner (1982): Nguyên tác tiểu thuyết Blade Runner khép lại bằng cái kết lửng lơ. Để bộ phim chuyển thể trở nên mạch lạc hơn với khán giả đại chúng, Warner Bros. đề nghị đạo diễn Ridley Scott đưa vào trong phim một số đoạn dẫn truyện do nhân vật Deckard (Harrison Ford) cất lời. Tiếp đến, cái kết của tác phẩm cũng hoàn toàn thay đổi, với nam chính trở thành người hùng chiến thắng trở về. Ảnh: Warner Bros.

"Bruce" bị hỏng trong Jaws (1975): Khi quay Jaws, Steven Spielberg muốn có mô hình cá mập máy trên phim trường và đã được hãng phim đáp ứng. Tuy nhiên, rắc rối xảy ra khi con cá máy - được đặt tên là Bruce - gặp trục trặc sau một tuần ghi hình và trở thành đống sắt vụn. Kết quả, Steven Spielberg phải dùng thủ pháp điện ảnh để tạo ra bầu không khí đầy đe dọa xung quanh con cá mập, thay vì để khán giả nhìn thấy nó một cách trọn vẹn. Điều này sau cùng đã tạo ra hiệu quả ấn tượng cho bộ phim. Ảnh: Universal Pictures.

Giết hay giữ John Rambo trong First Blood (1982): Trong nguyên tác tiểu thuyết, nhân vật chính đã bỏ mạng ở cảnh cuối First Blood. Khi đưa cuốn sách lên màn ảnh, nhà sản xuất đã quyết định thực hiện hai cái kết đối lập: Rambo còn sống và Rambo bỏ mạng. Họ chiếu thử nghiệm hai cái kết cho khán giả, và không ai muốn nhân vật chính qua đời. Kết quả, Rambo toàn mạng trên màn ảnh, còn thương hiệu điện ảnh được sản xuất thêm bốn phần. Ảnh: Orion Pictures.

Stanley Kubrick đổi kết The Shining (1980) tại rạp: Trong dự tính ban đầu của đạo diễn Stanley Kubrick, The Shining khép lại bằng cảnh hai mẹ con Wendy phục hồi sau biến cố kinh hoàng. Tuy nhiên, ông đổi ý và muốn một cái kết mơ hồ hơn, dừng lại ở đoạn phim quay bức ảnh chụp năm 1921. Một tuần trước khi phim chính thức phát hành, Kubrick yêu cầu nhân viên chiếu bóng tại các rạp tự cắt bỏ đoạn phim có cái kết cũ và gửi trả chúng cho Warner Bros để tiêu hủy. Ảnh: Warner Bros.

Anh Phan

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/10-thay-doi-phut-chot-giup-tao-nen-tac-pham-hut-khach-post1206068.html