10 dấu ấn kinh tế nổi bật năm 2024
Năm 2024 khép lại với nhiều dấu ấn đậm nét. Nền kinh tế dần phục hồi và mở ra tiềm năng phát triển các lĩnh vực mới như công nghệ bán dẫn với sự đầu tư từ nhiều tập đoàn lớn trên thế giới.
Năm 2024, kinh tế phục hồi ấn tượng, mức tăng trưởng quý III đạt 7,4% cao nhất ASEAN-6. Dự báo cả năm, nền kinh tế có thể tăng trưởng 7%, cao hơn so với kỳ vọng đầu năm.
Trong cỗ xe “tam mã”: Đầu tư - xuất khẩu – tiêu dùng điểm sáng nhất thuộc về xuất khẩu khi 11 tháng đầu năm tăng gần 15% so với năm ngoái, xuất siêu tới hơn 24 tỷ USD. Đồng thời thu hút FDI cũng là điểm sáng khi tính đến ngày 30/11 đạt 31,4 tỷ USD, vốn thực hiện ước đạt khoảng 21,68 tỷ USD, tăng 7,1% so với cùng kỳ năm trước. Nguồn vốn này tạo động lực cho nền kinh tế khi đầu tư tư nhân còn thấp, giải ngân đầu tư công chưa đạt như kế hoạch.
Bức tranh kinh tế vĩ mô cả năm đan xen gam màu tối khi số lượng doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường khi chưa hết năm đã đạt 176.000 doanh nghiệp, con số kỷ lục cao hơn cả thời kỳ COVID-19. Nguyên nhân là sự lệch pha của nền kinh tế, trong khi doanh nghiệp FDI vẫn trụ vững thì nhiều doanh nghiệp nội địa nhất là doanh nghiệp nhỏ và vừa điêu đứng.
Ngày 7/9, bão Yagi - cơn bão mạnh nhất trong vòng 30 năm qua đổ bộ đã vào Việt Nam. Cơn bão này gây thiệt hại hơn 81.000 tỷ đồng (tương đương 3,2 tỷ USD) về tài sản và hàng trăm người thương vong.
Với nền kinh tế, bão Yagi ước tính đã "thổi bay" 0,15 điểm % tăng trưởng GDP năm 2024. Thậm chí, GRDP năm nay của nhiều địa phương chịu thiệt hại nặng nề do bão, như Hải Phòng, Quảng Ninh, Thái Nguyên, Lào Cai,... có thể giảm trên 0,5 điểm %.
Khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản là lĩnh vực chịu thiệt hại nặng nề nhất trong khi đó với sản xuất công nghiệp mức thiệt hại là không quá lớn nhờ có cảnh báo sớm và sự chuẩn bị trước.
Không chỉ cuốn trôi tài sản của hàng nghìn người dân, lũ quét và sạt lở đất sau bão còn phá hủy nhiều công trình công cộng, đường sá, công trình thủy điện, bản làng,… tại các địa phương nó đi qua.
Tuy nhiên những nỗ lực tái thiết của Chính phủ, cộng đồng là rất đáng ghi nhận. Hỗ trợ từ ngân hàng, các doanh nghiệp bảo hiểm, chính quyền địa phương,… đã dần đưa cuộc sống của người dân trở lại nhịp độ bình thường.
Vào kỳ họp tháng 11, Quốc hội đã thông qua chủ trương đầu tư dự án đường sắt tốc độ cao Bắc Nam, sơ bộ tổng vốn 1,7 triệu tỷ đồng, tương đương 67 tỷ USD, dự kiến hoàn thành năm 2035.
Toàn tuyến được đầu tư với tốc độ thiết kế 350 km/h, tải trọng 22,5 tấn/trục; có 23 ga hành khách, 5 ga hàng hóa; vận chuyển hành khách, đáp ứng yêu cầu lưỡng dụng phục vụ quốc phòng, an ninh, có thể vận tải hàng hóa khi cần thiết.
Đây là dự án hạ tầng có quy mô lớn nhất từ trước đến nay và được kỳ vọng sẽ mang lại diện mạo mới cho đất nước và sự lan tỏa kinh tế sang nhiều lĩnh vực.
Theo ước tính, tuyến đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam sẽ góp phần tiết kiệm thời gian đi lại cho hành khách với giá trị ước tính khoảng 2 tỷ USD; đồng thời, giảm chi phí đi lại cho xã hội khoảng 6,5 tỷ USD vào năm 2050. Với tăng trưởng kinh tế, dự án này được dự báo có thể làm tăng khoảng 0,97 điểm % GDP/năm.
Trong năm 2024, Việt Nam là điểm đặt chân đến của nhiều tập đoàn lớn trên thế giới ở nhiều lĩnh vực khác nhau từ công nghệ, bán dẫn, bán lẻ,... đến năng lượng tái tạo. Nhiều tên tuổi lớn trong mảng công nghệ như Nvidia, Intel, Samsung, Synopsys, Qualcomm, Infineon, Amkor,… cho biết đã có kế hoạch mở rộng đầu tư tại Việt Nam.
Trong tháng 12, Chủ tịch Nvidia chính thức ký kết thỏa thuận hợp tác với Việt Nam thành lập Trung tâm nghiên cứu và phát triển (R&D) về AI và trung tâm dữ liệu AI. Nvidia cũng công bố thương vụ mua lại VinBrain, một công ty khởi nghiệp trong lĩnh vực trí tuệ nhân tạo của Tập đoàn Vingroup.
Đây được đánh giá là bước ngoặt mang tính lịch sử, mở ra cơ hội để Việt Nam trở thành trung tâm R&D về AI hàng đầu châu Á, tạo đột phá cho các ngành công nghệ then chốt và mở rộng cơ hội nghề nghiệp cho nguồn nhân lực trong nước.
Trong lĩnh vực bán dẫn, hiện Việt Nam có 174 dự án có vốn đầu tư nước ngoài với tổng vốn đăng ký gần 11,6 tỷ USD. Ngoài Nvidia, Alibaba tiết lộ dự định xây trung tâm dữ liệu tại Việt Nam hay ông lớn Google cũng xác nhận mở công ty Google Việt Nam.
Trước đó trong tháng 3, đoàn doanh nghiệp lớn chưa từng có gồm hơn 50 công ty Mỹ hoạt động trong các lĩnh vực quốc phòng, dược phẩm, công nghệ… trong đó có nhiều tập đoàn hàng đầu thế giới như SpaceX, Netflix và Boeing đã đến Việt Nam và đạt được nhiều thỏa thuận đầu tư.
Năm 2024 chứng kiến sự biến động lớn của thị trường vàng khi giá liên tục phá đỉnh ở cả thị trường trong nước và thế giới. Theo đó, giá vàng thế giới tăng khoảng 35% trong năm nay. Ở thị trường trong nước, vàng SJC tăng 23% còn vàng nhẫn tăng 35%.
Đà tăng giá vàng thời gian được hỗ trợ bởi nhiều yếu tố như căng thẳng địa chính trị tăng cao, kỳ vọng bắt đầu chu kỳ giảm lãi suất, xu hướng đa dạng hóa danh mục đầu tư,…
Trước những biến động mạnh của giá vàng thế giới và nội địa, đặc biệt là khoảng chênh lệch giữa vàng SJC và thế giới quá lớn, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã can thiệp thông qua tổ chức bán đấu thầu và bán cho các ngân hàng thương mại với giá thấp hơn so với thị trường.
Các phiên đấu thầu ban đầu chỉ đạt hiệu quả giới hạn, với lượng vàng trúng thầu thấp và giá thị trường vẫn biến động lớn. Tuy nhiên, khi NHNN áp dụng biện pháp bán vàng trực tiếp cho Big4 và SJC với giá thấp hơn đáng kể so với thị trường, hiệu quả đã rõ rệt. Giá vàng giảm mạnh, khoảng cách giữa giá vàng SJC và thế giới thu hẹp đáng kể từ mức 15-20 triệu đồng/lượng xuống còn 3 triệu đồng/lượng.
Tuy nhiên, việc này dẫn đến tâm lý FOMO (sợ bỏ lỡ cơ hội) khi người dân đổ xô mua vàng bình ổn, thậm chí xếp hàng từ sớm. Tuy nhiên, việc mua vàng cũng trở nên khó khăn khi nhiều nơi báo hết hàng.
Một số người chịu lỗ khi “đu đỉnh” giá cao. Các chuyên gia cảnh báo rằng FOMO dễ dẫn đến quyết định đầu tư thiếu sáng suốt. Trong khi vàng là kênh trú ẩn truyền thống, tâm lý muốn làm giàu nhanh khiến nhiều nhà đầu tư cá nhân mắc sai lầm, khác với chiến lược tích sản dài hạn của các tổ chức tài chính lớn.
Trong năm thị trường bất động sản cho tín hiệu phục hồi, Hà Nội trở thành tâm điểm thu hút sự quan tâm của giới đầu tư bởi đợt sốt chung cư vào giữa năm và dậy sóng đấu giá đất vùng ven nửa cuối năm.
Sau nhiều năm thiếu hụt nguồn cung, loạt dự án mới lần lượt được tung ra thị trường với giá bán phổ biến trên 70 triệu đồng/m2, vượt xa so với mức 30 - 40 triệu đồng/m2 trước đó. Thậm chí một số dự án có giá bán 100 - 130 triệu đồng/m2 như ở Đông Anh hay 165 - 270 triệu đồng/m2 ở Tây Hồ.
Giai đoạn quý I/2023 - quý IV/2024, tăng trưởng giá chung cư Hà Nội là 58%, trong khi TP HCM chỉ tăng 17%, theo dữ liệu từ Batdongsan.com.vn. “Ngáo giá”, “thổi giá”, “FOMO”… là những cụm từ được nhắc đến nhiều nhất khi nói về thị trường trường chung cư Hà Nội vào thời điểm đó.
Khi cơn sốt chung cư chưa kịp hạ nhiệt thì đất nền vùng ven bắt đầu dậy sóng, khởi điểm là huyện Hoài Đức. Chỉ trong vòng vài tháng, nhiều lô đất đã tăng thêm 15 - 20 triệu đồng/m2, kéo lượng lớn môi giới, nhà đầu tư đổ dồn về khu vực này.
Phiên đấu giá đất ở Thanh Oai với hàng nghìn người tham gia nộp hồ sơ và diễn ra xuyên đêm đã mở màn cho hàng loạt phiên đấu giá đất ở Thạch Thất, Sóc Sơn… sau đó. Ngoài việc giá trúng hàng trăm triệu đồng/m2, cao gấp hàng chục đến hàng trăm lần giá khởi điểm, các phiên đấu giá đất còn ghi nhận có nhiều “tay to” gom nhiều lô.
Sau sự kiện trên, chính quyền Hà Nội đã vào cuộc rà soát những dấu hiệu bất thường, điển hình là 5 người đấu giá 30 tỷ đồng/m2 đất ở Sóc Sơn đã bị tạm giữ để điều tra vào đầu tháng 12 vừa qua.
Thị trường chứng khoán Việt Nam trải qua năm 2024 lình xình khi chỉ số diễn biến thuận lợi trong nửa đầu năm đúng theo dự báo của khối phân tích. Tuy nhiên, áp lực chốt lời thường trực ở vùng 1.300 điểm khiến VN-Index nhiều lần thất bại, đảo chiều giảm sâu ở vùng kháng cự này. Đóng cửa phiên 17/12, chỉ số dừng ở mức 1.261,72 điểm, tăng 11,6% so với thời điểm đầu năm.
Mức hiệu suất hai con số được đánh giá là tích cực nếu so sánh với kênh tiết kiệm, khi gấp đôi mức lãi suất với kỳ hạn 12 tháng. Song, trong một năm mà nhiều phân lớp tài sản như vàng, tài sản số, giá chung cư “lên ngôi”, đua nhau lập đỉnh giá, kênh đầu tư chứng khoán trở nên mờ nhạt và bị hút tiền. Hệ quả là thanh khoản đi xuống vào những tháng cuối năm, bằng một nửa so với ngưỡng tỷ USD mỗi ngày trong quý đầu năm.
Không chỉ bị hút tiền từ những kênh đầu tư khác, nhà đầu tư nước ngoài gia tăng áp lực bán ròng gây ảnh hưởng đến tâm lý của nhà đầu tư. Tính đến ngày 17/12, khối ngoại bán ròng tổng cộng 92.514 tỷ đồng, vượt xa mức đỉnh trước đó là 62.538 tỷ đồng ghi nhận trong năm 2021. Nếu xét trên quy mô vốn hóa, Việt Nam là thị trường bị rút vốn mạnh nhất trong khối ASEAN.
Hoạt động bán ròng của khối ngoại tập trung trên sàn HOSE với giá trị 90.180 tỷ đồng, chủ yếu tại các mã vốn hóa lớn như VHM, VIC, VNM, FPT, MSN, VIB, HPG, VPB. Điểm sáng của thị trường là dòng tiền nội gia nhập, đóng vai trò lực cầu đối ứng khi nhà đầu tư nước ngoài bán ròng.
Theo dự báo của các chuyên gia, sau giai đoạn rút ròng kỷ lục, dòng tiền ngoại sẽ trở lại Việt Nam dựa trên một số câu chuyện như nâng hạng thị trường, định giá hấp dẫn, tăng trưởng lợi nhuận của doanh nghiệp…
Thương mại điện tử Việt Nam đã có một năm bùng nổ khi được Bộ Công Thương dự báo chạm mốc 25 tỷ USD vào cuối 2024. Tốc độ tăng trưởng 25% giúp thương mại điện tử Việt Nam sẽ sớm cán mốc 63 tỷ USD vào cuối năm 2030 - vượt qua Thái Lan đang đứng thứ hai khu vực, theo Google, Temasek và Bain & Company.
15 tỷ đồng, 75 tỷ đồng, 150 tỷ đồng,… mở đầu năm 2024 là những con số doanh thu kỷ lục từ các phiên livestream bán hàng, hình thức dần trở nên phổ biến trong năm qua. Những cái tên như Quyền Leo Daily, Phạm Thoại, Hằng Du Mục,… lần lượt xô đổ các kỷ lục bán hàng “vô tiền khoáng hậu” trong ngành thương mại số.
Cùng với đó, vấn đề thu thuế trong kinh doanh online trên các nền tảng, trong đó có cả nghề tiếp thị liên kết - trở nên nóng hơn bao giờ hết trên cả nghị trường Quốc hội lẫn trên các sàn thương mại điện tử.
Giai đoạn cuối năm thương mại điện tử Việt Nam chứng kiến làn sóng đổ bộ của các sàn quốc tế như Temu, Shein. Với tiềm lực tài chính mạnh cùng chiến lược bán hàng giá rẻ trực tiếp từ nhà máy đã mang lại cho người tiêu dùng nhiều lựa chọn nhưng lại tạo ra không ít những lo lắng thách thức cho các thương nhân nội địa.
Cuối năm 2023, hai đêm diễn tại Mỹ Đình của nhóm nhạc thần tượng Blackpink đã thu về hơn 330 tỷ đồng với tỷ lệ lấp đầy 100%. Sự kiện này đã mở màn cho một xu hướng mới của nền kinh tế giải trí nhiều tiềm năng tại Việt Nam.
Đến năm 2024, các đêm diễn “cháy vé” với hàng chục nghìn khán giả của "Anh trai say hi" và "Anh trai vượt ngàn chông gai" không những đã tạo ra trào lưu âm nhạc thần tượng mới mà còn mang về doanh thu khủng cho các nhà sản xuất.
Bên cạnh mang lại hàng trăm tỷ tiền bán vé, các công ty tổ chức sự kiện còn thu về không ít tiền quảng cáo, livestream,… từ hàng triệu lượt xem trên các nền tảng xã hội... Concert còn giúp các nhà tài trợ mở rộng truyền thông thương hiệu và phát triển nhanh chóng chỉ sau thời gian ngắn, điển hình như Techcombank, VIB… Ngập tràn dịch vụ ăn theo, từ make-up, du lịch, lưu trú, F&B đến dịch vụ vận chuyển, đồ lưu niệm.. cũng hốt bạc.
Trong đánh giá kết quả đạt được của ngành văn hóa năm qua, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã nhiều lần nhắc đến thành công của hai concert này với việc đề cao trí tuệ, con người và sức sáng tạo của những người trẻ Việt Nam. Đồng thời, Thủ tướng cũng khuyến khích việc phát triển, nhân rộng những mô hình tương tự trong thời gian tới.
Mặc dù không quá "hot" như các chương trình “anh trai”, trong năm qua nhiều show giải trí cũng được lên sóng và thu hút nhiều người theo dõi như: Chị đẹp đạp gió rẽ sóng, Our Song Việt Nam; Rap Việt,… Các chương trình này cũng đang góp phần mở rộng quy mô cho nền kinh tế giải trí Việt Nam.
Vụ án xảy ra tại Tập đoàn Vạn Thịnh Phát, Ngân hàng SCB với người chủ mưu là bà Trương Mỹ Lan được đánh giá là đại án tài chính lớn nhất trong lịch sử Việt Nam.
Cùng với bà Lan, có 86 bị cáo khác bị đưa ra xét xử, trong đó nhiều người là lãnh đạo cấp cao của Ngân hàng SCB và các doanh nghiệp liên quan. Quy mô vụ án khổng lồ với 12.000 bút lục, hơn 2.700 người được triệu tập, hàng trăm luật sư tham gia bảo vệ quyền lợi của các bên liên quan.
Những lời khai trong phiên tòa đã làm sáng tỏ thủ đoạn phát hành trái phiếu trái phép, hợp thức hóa các khoản vay và chiếm dụng tiền gửi của khách hàng thông qua Ngân hàng SCB. Đặc biệt, vụ án còn hé lộ mối quan hệ phức tạp giữa các pháp nhân và cách bà Lan thao túng hệ thống tài chính trong thời gian dài mà không bị phát hiện.
Trong đại án kinh tế này, bà Trương Mỹ Lan, Chủ tịch Tập đoàn Vạn Thịnh Phát, bị tuyên án tử hình với tội danh lừa đảo chiếm đoạt tài sản; bị tuyên buộc bồi thường hơn 673.000 tỷ đồng dư nợ của các khoản vay đến thời điểm khởi tố vụ án và trả lại 304.000 tỷ đồng cho Ngân hàng SCB để khắc phục hậu quả. Tòa án cũng yêu cầu bà phải nộp án phí kỷ lục hơn 670 tỷ đồng.
Tại phiên phúc thẩm, bà Lan đã đề nghị xem xét giảm án tử hình đồng thời cam kết dùng nhiều tài sản để khắc phục hậu quả vụ án. Theo các luật sư, tổng giá trị tài sản đã được định giá, cùng với tiền gia đình bà Lan đã khắc phục, cũng như tiền thu hồi từ các tổ chức cá nhân phải hoàn trả cho bà Lan là khoảng 323.052 tỷ đồng - tương đương 3/4 số tiền bà Lan bị cáo buộc chiếm đoạt, qua đó đề nghị HĐXX giảm án tử cho bà Lan.
Tuy nhiên, Viện Kiểm sát (VKS) cho rằng đánh giá hậu quả của vụ án là đặc biệt lớn, chưa biết khi nào mới khắc phục được, các tình tiết giảm nhẹ của bà Lan chưa đáp ứng đủ điều kiện để giảm án tử hình theo quy định tại Điều 40 Bộ luật Hình sự.
Theo VKS, bà Lan phải nộp lại ít nhất 280.000 tỷ đồng mới được xem xét là đã khắc phục 3/4 số tiền chiếm đoạt. Hiện trong số các tài sản kê biên, có nhiều tài sản chưa đầy đủ về pháp lý nên các cơ quan tố tụng chưa thể đánh giá được giá trị.
Nội dung: Ban Biên Tập
Thiết kế: Alex Chu
Nguồn Doanh Nhân VN: https://doanhnhanvn.vn/10-dau-an-kinh-te-noi-bat-nam-2024.html