Yếu tố cán bộ có ý nghĩa then chốt đối với sự tăng trưởng kinh tế Việt Nam

Phát biểu tại Diễn đàn kinh tế Việt Nam 2019 với chủ đề 'Củng cố nền tảng cho tăng trưởng nhanh và bền vững', Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, trong thời gian tới, để phát triển nhanh và bền vững thì yếu tố cán bộ có ý nghĩa then chốt. Hiện có nhiều cán bộ có xu hướng rời khỏi khu vực công, chảy máu chất xám, nếu không giải quyết được thì sẽ khó khăn trong phát triển.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Văn Bình tham quan triển lãm trong khuôn khổ diễn đàn.

Tại Diễn đàn kinh tế Việt Nam 2019 với chủ đề “Củng cố nền tảng cho tăng trưởng nhanh và bền vững” do Chính phủ và Ban Kinh tế Trung ương phối hợp tổ chức ngày 17/1, nhiều vấn đề đã được các chuyên gia trong nước và quốc tế cũng như cộng đồng doanh nghiệp đặt ra cho một sự bứt phá để tăng trưởng nhanh và bền vững. Tham dự phiên đối thoại có Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc; các Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng: Phạm Minh Chính, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương, Nguyễn Văn Bình, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương; Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Thông tin và truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng.

Có dám chấp nhận cái mới hay không?

Trước vấn đề định hướng phát triển nền kinh tế số thành động lực tăng trưởng mới của Việt Nam, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng cho rằng, công nghệ số là xu hướng toàn cầu không thể đảo ngược, quá trình sáng tạo ngày càng phát triển nhiều hơn trong không gian mạng, đây cũng là cơ hội cho Việt Nam vươn tới khát vọng “Việt Nam thịnh vượng”.

Theo Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng công nghệ số sẽ giúp tăng năng suất lao động có lợi cho nền kinh tế, nhất là chúng ta đang lợi thế khi nhiều người trẻ thích công nghệ và khám phá công nghệ. Tuy nhiên để chuyển đổi thành kinh tế số rất cần có sự dẫn dắt của Chính phủ.

Đưa ra ví dụ Uber, Grab đang thách thức taxi truyền thống, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng đưa ra câu hỏi: Vậy Chính phủ có dám chấp nhận mô hình kinh doanh mới này hay không? và trả lời cho câu hỏi trên theo Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng, chúng ta phải chấp nhận các mô hình mới, chấp nhận cái mới thì người tài ở thế giới mới đến Việt Nam.
Muốn vậy, theo Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng, trong quản lý, Nhà nước cần xác định cần quản đến đâu? còn thì phải mở để người Việt Nam không phải ra nước ngoài để phát triển công nghệ số mà phải để nước ngoài tới Việt Nam để phát triển.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại Diễn đàn.

Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cũng đề nghị phải đào tạo nguồn nhân lực từ việc dạy tiếng Anh và công nghệ thông tin bắt đầu từ PTTH, và các lao động hiện nay cũng cần tái đào tạo lại. “Thành công trong công nghiệp số thế hệ mới Việt Nam hoàn toàn có cơ hội bứt phá nhưng cần tư duy mới từ cả phía Nhà nước và doanh nghiệp trong tư duy và cách tiếp cận”-Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng nói.

Trước câu hỏi của ông John Reed, điều phối khu vực Đông Nam Á của Financial Times cho rằng “Việt Nam cần làm gì để bắt kịp xu hướng mới của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 mà không bị bỏ lại phía sau”? Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho rằng, Việt Nam cần tiếp tục đẩy mạnh hạ tầng ICT mà nền tảng là mạng viễn thông tốc độ cao phủ rộng mọi khắp, mỗi người dân có smart phone thì ứng dựng mới đi vào ngõ ngách của xã hội. Bên cạnh đó cần chấp nhận và thúc đẩy cái mới, mô hình kinh doanh mới công nghệ mới dù có thể ảnh hưởng đến truyền thống; đẩy mạnh Chính phủ điện tử, tạo điều kiện cho kinh tế số; và nhân tố thứ tư là nguồn nhân lực “đi hai chân” là đào tạo phổ thông tiếng anh và IT là điều kiện bắt buộc trong kinh tế số.

3 nguyên nhân chính dẫn đến thành công

Trong phiên đối thoại cấp cao, trả lời câu hỏi ấn tượng về kết quả phát triển của năm 2018, vậy đâu là nguyên nhân quan trọng nhất? Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng: Kết quả có nhiều nguyên nhân nhưng thứ nhất là hệ thống chính trị, người dân, doanh nghiệp tích cực hưởng ứng chủ trương của Đảng, Nhà nước trong phát triển kinh tế vĩ mô; thứ hai là đã tạo ra môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi cho người dân. Theo đánh giá của WB, môi trường đầu tư kinh doanh của Việt Nam ngày càng được cải thiện; Chính phủ và các cơ quan đã tháo gỡ các nút thắt kinh tế giải phóng sức sản xuất để nguồn lực phát triển của nền kinh tế. Khi sức khỏe của nền kinh tế được cải thiện thì đạt được kết quả trên.

Trước vấn đề tăng trưởng kinh tế Việt Nam, trong thời gian tới, để phát triển nhanh và bền vững thì yếu tố cán bộ có ý nghĩa then chốt. Nhưng hiện có nhiều cán bộ có xu hướng rời khỏi khu vực công, chảy máu chất xám, nếu không giải quyết được thì sẽ khó khăn trong phát triển.

Ông Phạm Minh Chính, Ủy viên Bộ chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban tổ chức Trung ương cho rằng, Việt Nam đang xây dựng con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu trong điều kiện mới, lấy con người là trung tâm và nâng cao dân trí đào tạo nguồn nhân lực và bồi dưỡng nhân tài, xây dựng con người có đức, tài, có văn hóa, nhân văn và đáp ứng yêu cầu trong điều kiện mới. Khi xây dựng con người tốt cộng với đường lối coi trọng yếu tố con người, lựa chọn của họ là quyền con người có thể làm việc ở chỗ nào có thể phát huy tốt nhất năng lực. Có thể lao động trong nước, ngoài nước, khu vực công, khu vực tư không phải vấn đề lớn mà quan trọng chính là tạo dựng môi trường để họ phát triển.

Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Văn Bình phát biểu tại Diễn đàn.

“Con người tốt sẽ biết hài hòa lợi ích với nơi họ làm việc sinh sống. Tạo lợi ích vật chất tinh thần để họ yên tâm cống hiến như vừa qua đã ban hành các quy định về đề bạt, bổ nhiệm, giới thiệu ứng cử bằng cơ chế công khai minh bạch, thi tuyển, tạo môi trường cho họ được làm việc và cống hiến, xây dựng chế độ chính sách nhà ở và tiền lương theo lộ trình đến năm 2021 cải cách tiền lương. Cho nên người giỏi đi ra khỏi Nhà nước là không đáng lo ngại mà lo ngại nhất chính là không có người Việt Nam giỏi. Cho nên thời gian qua chúng ta đã đổi mới công tác cán bộ, siết chặt kỷ luật kỷ cương, tạo động lực cho sáng tạo, bảo vệ người dám nghĩ, dám làm”, ông Chính cho hay.

Trong khi đó, trước vấn đề làm sao để Việt Nam phát triển nhanh và bền vững trong thời gian tới, ông Nguyễn Văn Bình, Ủy viên Bộ chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương cho rằng, Đảng đã xác định 3 đột phá chiến lược, qua 30 năm đổi mới đã đạt được thành tựu ấn tượng và đến nay còn nguyên giá trị. Tuy nhiên trong mỗi thời kỳ cần trọng tâm, trọng điểm khác nhau. Như thế giới phẳng hiện nay không hơn ỏ lực lượng vật chất mà là ở thể chế, có môi trường tốt sẽ nâng cao tính cạnh tranh.

“Thể chế tốt sẽ có nhà đầu tư, nguồn lực trong nước và ngoài nước, khoa học cộng nghệ đó chính là yếu tố để phát triển nhanh và bền vững. Vậy thời gian tới cần đổi mới thể chế như thế nào thì cần làm tốt hơn nữa môi trường đầu tư kinh doanh theo các hiệp định đã ký kết, xây dựng môi trường pháp lý phát triển kinh tế số. Như cuộc chiến của Grap với taxi truyền thống của ta chính là phát triển công nghệ số. Hay vấn đề hạ tầng thì chi phí logictic cao thì làm sao mà phát triển nhanh và bền vững được?

Còn về nguồn nhân lực, chúng ta coi trọng phát triển, và Đảng coi khoa học và công nghệ là đột phá nhưng hiện nay làm chưa được nhiều. Do đó muốn đột phá cho tăng trưởng thì đó chính là con người vì vậy cần đổi mới toàn diện về giáo dục đào tạo từ đại học, sau đại học và nghề để có nguồn chất lượng cao lâu dài để kịp con tàu 4.0. Không có nguồn nhân lực sao có thể đột phá mô hình tăng trưởng được do đó phát triển mọi thành phần kinh tế phát huy hết vai trò trong đó kinh tế tư nhân là động lực quan trọng để phát triển nhanh và bền vững”-ông Bình nêu ra giải pháp.

Một số hình ảnh tại Diễn đàn:

Các đại biểu tham dự phiên đối thoại tại Diễn đàn.

Quang cảnh Diễn đàn.

Mở rộng các thị trường mới

Đề cập đến chiến tranh thương mại Mỹ -Trung leo thang ảnh hưởng tới kinh tế toàn cầu, và làm sao tận dụng được hiệu quả từ các hiệp định FTA thế hệ mới trong bối cảnh hiệp định CPTPP có hiệu lực, Thứ trưởng Bộ Công thương Cao Quốc Hưng cho rằng, Việt Nam là nền kinh tế có độ mở lớn trong khi Mỹ là nước chiếm 50% xuất khẩu của ta, còn Trung Quốc là quốc gia nhập khẩu hàng Việt Nam nhiều nhất cho nên chắc chắn Việt Nam sẽ bị chịu tác động. Do đó theo ông Hưng, cần có các giải pháp ứng phó như mở rộng các thị trường xuất khẩu sang các thị trường EU, Nhật Bản, Châu Phi để mở ra hướng xuất khẩu các thị tường mới, thúc đẩy các quan hệ song phương cũng duy trì chính sách mở phòng vệ thương mại đã được sử dụng linh hoạt.

H.Vũ

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/kinh-te/yeu-to-can-bo-co-y-nghia-then-chot-doi-voi-su-tang-truong-kinh-te-viet-nam-tintuc427896