Yêu thương tháng Chạp

Tháng Chạp lại về. Không biết tự bao giờ, tháng Chạp, tháng cuối cùng trong vòng quay thời gian một năm luôn cho tôi nhiều cảm xúc. Tháng Chạp về, nhìn đâu đâu tôi cũng nhớ mẹ.

“Nợ tháng Chạp” là từ của mẹ, không nhớ lần đầu tôi được nghe nó là khi nào nhưng sau này lớn lên, cứ đến tháng Chạp tôi lại nhớ kiểu nói vui có hàm ý như lời than đó của mẹ.

Hồi đó, còn nhỏ xíu, chưa biết hai câu thơ của Nguyễn Khuyến “Hàng quán người về nghe xao xác. Nợ nần năm hết hỏi lung tung tung” nhưng tôi biết tháng Chạp rất căng, tại mẹ thường nói “Cám tháng Giêng, tiền tháng Chạp”. Không chỉ nghe nói mà tôi còn chứng kiến cảnh người ta đến nhà hỏi nợ. Không phải khoản nợ phục vụ nhu cầu hưởng lạc mà đầu tư mùa vụ (tiền phân, tiền giống, tiền cày) nhưng lỡ mất mùa, mất giá, chưa kịp trả.

Khoản nợ không nhiều nhưng tâm lý chuyện nợ nần không để dây dưa sang năm mới nên chủ nợ mạnh dạn đi hỏi (kể cả người nợ là những người xưa nay uy tín, đáng trọng). Mà nếu chủ không tới hỏi thì mẹ cũng chạy trả, trong tháng Chạp. Người quê tôi quan niệm nợ nần phải thanh toán trước Tết. Nếu không thể thanh toán trong tháng Chạp thì sẽ đến nói một lời thông cảm, để thư thư qua Tết.

Tháng Chạp không chỉ có khoản nợ mất mùa. Mẹ bảo, còn nợ nhà nữa. “Nợ nhà” mẹ nói là quần áo mới cho các con, sắm sửa nhà cửa chuẩn bị đón Tết. Đây cũng là khoản “nợ” khiến mẹ trăn trở nhiều.

Quần áo Tết cho chị em tôi không cầu kỳ, tốn kém nhưng cũng trở thành một khoản lớn. Dù chỉ là bộ đồng phục học sinh, may rộng một chút, mặc chơi Tết rồi mặc đi học nhưng sáu bộ đồ, cộng thêm mũ, dép cũng đi đứt nửa bồ lúa. Rồi sắm sửa nhà cửa? Cũng không có gì to tát nhưng kỳ lạ, cuối năm thấy cái gì cũng cũ nát, cái gì cũng cần thay. Mẹ than, tiền ra vèo vèo nhưng cũng là những món đồ vặt vãnh như thau, rổ, bình trà, bộ xoong nồi, chiếc khăn chứ có sắm sửa được thứ gì nên thân. Muốn mua, muốn thay nhiều thứ lắm nhưng đâu có được. Còn phải lo thịt thà bánh mứt, và để giành ít tiền lẻ lì xì cho trẻ nhỏ để chúng mừng mà mau lớn – mẹ lý lẽ như vậy.

Thịt thà bánh mứt cho ba ngày Tết là món nợ được mẹ lo từ tháng Chạp. Đã thành nếp nghìn đời rồi, giàu nghèo gì thì “ngày ba mươi Tết” cũng có “thịt treo trong nhà”. Đêm tháng Chạp, mẹ nhẩm tính sẽ mua mấy ký thịt heo, làm những món bánh mứt nào. Phải chi có tiền, thích gì mua nấy cho khỏe - lời của mẹ. Thực ra, Tết nhà nghèo rất đơn giản, không phải chuẩn bị mâm cao cỗ đầy gì đâu, chỉ là tráng bánh, thịt thưng, dện cốm, rim dừa, rim gừng, gói bánh tét. Chừng ấy công việc cũng khiến mẹ loay hoay không ngớt.

Xong chuyện ăn uống lại đến món nợ dọn dẹp. Xếp cái này, đặt cái kia. Giặt giũ, lau chùi, quét dọn, rong chặt. Kỳ lạ, ngôi nhà, khu vườn, hàng rào, thứ gì cũng nhỏ xíu nhưng làm miết hổng hết chuyện. Mua sắm một ít đồ dùng mới, bỏ đi những thứ cũ nát, gia công lại một số món đồ sứt mẻ để tận dụng. Ba thấy mẹ lụi cụi miết, xót lòng bảo, làm được cái gì thì làm, đừng có ráng, coi chừng Tết đổ bệnh… Lời đe không nhằm nhò, mẹ vẫn tìm việc để làm. Chiều 30, sau bữa Tất Niên vui vẻ, mẹ lại dọn dẹp, lau chùi. Mẹ làm đến tận giao thừa mới “trả hết nợ” cho tháng Chạp - khi màn hình ti-vi hiện lên dòng chữ chúc mừng năm mới với màn bắn pháo hoa rực rỡ, bé Út nói như vậy rồi cười hi hi.

***

Các con đã lớn, cuộc sống không cơ cực như xưa nên tháng Chạp không còn là “món nợ” nhiều bề của mẹ nữa. Nhưng năm nào cũng vậy, tháng Chạp về thăm nhà, đằng nào mẹ cũng hỏi: để mẹ làm dưa món, gói bánh tét, thịt thưng đem về ăn Tết nghen? Mẹ luôn như vậy, luôn canh cánh “món nợ” lo lắng cho các con…

Nguyễn Thị Bích Nhàn

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/yeu-thuong-thang-chap-post177957.html