Y án sơ thẩm, tuyên tử hình Trương Mỹ Lan

Hội đồng xét xử cấp phúc thẩm đã tuyên y án tử hình đối với bà Trương Mỹ Lan về tội Tham ô tài sản, 16 năm tù về tội Vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng, 20 năm tù về tội Đưa hối lộ.

Sáng 3/12, TAND Cấp cao tại TP.HCM tuyên án bị cáo Trương Mỹ Lan, Chủ tịch Tập đoàn Vạn Thịnh Phát, cùng 47 đồng phạm.

Bị cáo Trương Mỹ Lan.

Bị cáo Trương Mỹ Lan.

Hội đồng xét xử (HĐXX) đã tuyên y án tử hình đối với bà Trương Mỹ Lan về tội Tham ô tài sản, 16 năm tù về tội Vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng, 20 năm tù về tội Đưa hối lộ.

Theo HĐXX, bà Trương Mỹ Lan là chủ sở hữu của nhiều công ty hoạt động theo mô hình tập đoàn, trong đó Công ty Vạn Thịnh Phát giữ vai trò trung tâm. Trước khi hợp nhất Ngân hàng SCB, bà Lan đã vay vốn từ ba ngân hàng để triển khai các dự án bất động sản. Sau khi nhận thấy các ngân hàng này rơi vào tình trạng mất khả năng thanh toán, bà Lan mua lại cổ phần của họ.

Tháng 10/2012, sau khi SCB được hợp nhất, bà Lan nắm giữ 91,5% cổ phần tại ngân hàng này. Bà đã chỉ đạo lãnh đạo SCB và Công ty Vạn Thịnh Phát lập hồ sơ khống để rút tiền từ ngân hàng.

Cụ thể, từ năm 2012 đến 2017, bà Lan chỉ đạo lập hồ sơ khống cho 304 khách hàng, vay 368 khoản với dư nợ tính đến năm 2022 lên đến hơn 132.000 tỷ đồng cả gốc lẫn lãi. Sau khi trừ đi số tài sản đảm bảo, thiệt hại từ các khoản vay này vẫn lên đến 64.600 tỷ đồng. Hành vi này được xác định là vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng.

Từ tháng 2/2018 đến tháng 10/2022, bà Lan tiếp tục chỉ đạo lập khống 916 hồ sơ vay vốn tại SCB với tổng số tiền 545.000 tỷ đồng, chiếm đoạt 304.000 tỷ đồng và gây thiệt hại gần 130.000 tỷ đồng tiền lãi phát sinh. Do Bộ luật Hình sự 2015 thay đổi đường lối xử lý đối với hành vi xảy ra trước và sau ngày 1/1/2018, hành vi này của bà Lan bị truy tố về tội Tham ô tài sản.

Để che giấu thực trạng yếu kém của SCB và tránh bị đưa vào diện kiểm soát đặc biệt, bà Lan đã chỉ đạo cấp dưới mua chuộc đoàn thanh tra. Trong đó, Võ Tấn Hoàng Văn (Tổng giám đốc SCB) bốn lần đưa cho bà Đỗ Thị Nhàn (Cục trưởng Thanh tra, giám sát của Ngân hàng Nhà nước) số tiền 5,2 triệu USD. Đồng thời, ông cũng đưa tiền và quà cho các thành viên đoàn thanh tra nhằm bưng bít sai phạm và giúp SCB được tái cơ cấu.

Các bị cáo tại phiên tòa.

Các bị cáo tại phiên tòa.

HĐXX nhận định, bà Lan đóng vai trò tổ chức, chỉ đạo các bị cáo khác thực hiện đồng thời ba hành vi phạm tội với quy mô lớn, gây thiệt hại đặc biệt nghiêm trọng. Vì vậy, tòa án sơ thẩm tuyên phạt bà Lan mức án tử hình cho cả ba tội danh là đúng người, đúng tội.

Mặc dù bà Lan đã có ý thức khắc phục hậu quả với tổng số tiền hơn 20.000 tỷ đồng từ các cá nhân liên quan và tự nguyện giao nộp hơn 440 tài sản chưa định giá cùng dự án 6A (Trung Sơn, Bình Chánh), Hội đồng xét xử cho rằng các tài sản này chưa đủ cơ sở pháp lý để xác định giá trị. Do đó, chưa đủ căn cứ xác định bà Lan đã khắc phục được 3/4 số tiền tham ô.

Tại phiên phúc thẩm, bà Lan có sự chuyển biến tích cực về nhận thức và tiếp tục cố gắng khắc phục thiệt hại. Đây được xem là tình tiết giảm nhẹ mới, vì vậy Viện Kiểm sát đề nghị giảm nhẹ hình phạt về tội vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng. Tuy nhiên, xét tổng thể, thiệt hại của vụ án là đặc biệt lớn và bà Lan phạm nhiều tội nghiêm trọng cùng lúc. Vì vậy, không có cơ sở để giảm nhẹ hình phạt đối với các tội tham ô tài sản và đưa hối lộ.

Hội đồng xét xử lưu ý, nếu sau khi bản án có hiệu lực pháp luật, bà Lan tích cực khắc phục 3/4 số tiền đã tham ô, hình phạt tử hình sẽ được chuyển thành tù chung thân.

Tuy nhiên, căn cứ theo quy định tại Điều 40 Bộ luật Hình sự 2015 và Nghị quyết số 03 của Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao thì tới thời điểm xét xử phúc thẩm, bị cáo phải khắc phục được ít nhất 3/4 số tiền tham ô (khoảng 304.000 tỷ đồng), hợp tác tích cực với cơ quan chức năng, HĐXX mới có căn cứ để giảm án cho bị cáo.

Tới thời điểm xét xử phúc thẩm, các tài sản mà bị cáo dùng để khắc phục hậu quả vụ án chưa có pháp lý đầy đủ, chưa xác định được giá trị cụ thể nên chưa có cơ sở tính vào tỷ lệ khắc phục hậu quả vụ án. Vì vậy, sau khi bản án có hiệu lực pháp luật mà bị cáo tiếp tục khắc phục được hậu quả vụ án, đáp ứng tỷ lệ theo quy định pháp luật thì cấp có thẩm quyền có cơ sở giảm án cho bị cáo theo điểm c khoản 3 Điều 40 Bộ luật Hình sự 2015.

Bị cáo Đỗ Thị Nhàn.

Bị cáo Đỗ Thị Nhàn.

Còn bị cáo Đỗ Thị Nhàn (58 tuổi, cựu Cục trưởng Cục Thanh tra, giám sát ngân hàng II, Ngân hàng Nhà nước), HĐXX nhận định, với vai trò Trưởng đoàn thanh tra, đã lợi dụng chức vụ và quyền hạn của mình để làm sai lệch báo cáo thanh tra. Trong quá trình này, bà Nhàn nhận tiền từ bị cáo Trương Mỹ Lan 4 lần thông qua Võ Tấn Hoàng Văn, với tổng số tiền lên đến 5,2 triệu USD. Hành vi này gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng, làm thiệt hại cho Ngân hàng SCB hơn 500.000 tỷ đồng.

Mặc dù bị cáo có một số tình tiết giảm nhẹ mới, bao gồm gia đình có công với cách mạng và đã nộp 1 tỷ đồng để khắc phục hậu quả, nhưng xét tính chất và mức độ nghiêm trọng của hành vi, Hội đồng xét xử khẳng định bị cáo đã vi phạm nghiêm trọng, ảnh hưởng tới uy tín của Đảng và Nhà nước, cũng như gây tác động xấu đến an sinh xã hội.

Do đó, tòa bác kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt và tuyên y án tù chung thân đối với bị cáo Đỗ Thị Nhàn.

Bị cáo Chu Lập Cơ.

Bị cáo Chu Lập Cơ.

Đối với bị cáo Chu Lập Cơ, chồng của Trương Mỹ Lan, tòa phúc thẩm đã sửa bản án sơ thẩm, giảm mức án từ 9 năm tù xuống 7 năm tù về tội vi phạm quy định cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng.

Theo nhận định của tòa, bị cáo Chu Lập Cơ, do có mối quan hệ với Trương Mỹ Lan đã ký các hồ sơ dùng tài sản của mình để đảm bảo cho các khoản vay tại Ngân hàng SCB, dẫn đến việc các khoản vay này không có khả năng thu hồi.

HĐXX ghi nhận Chu Lập Cơ là doanh nhân Hồng Kông đầu tiên đầu tư tại Việt Nam, có nhiều đóng góp lớn, như hỗ trợ cung cấp vắc xin Covid-19, tạo việc làm cho nhiều người, và tham gia tích cực vào các hoạt động từ thiện.

Bị cáo đã được Nhà nước Việt Nam trao tặng Huân chương Lao động và nhận nhiều bằng khen từ UBND TP.HCM vì những đóng góp cho cộng đồng. Sau khi xét xử sơ thẩm, bị cáo đã khắc phục thêm 10 tỷ đồng, cùng với nhiều tình tiết giảm nhẹ mới, làm cơ sở để tòa chấp nhận kháng cáo xin giảm án.

Theo bản án sơ thẩm của TAND TP.HCM hồi tháng 4, Chu Lập Cơ đã giúp sức cho Trương Mỹ Lan bằng cách 2 lần ký biên bản của Hội đồng Quản trị, đồng ý dùng tài sản của Công ty CP Đầu tư Times Square thế chấp để bảo lãnh cho 73 khoản vay, gây thiệt hại cho SCB hơn 9.110 tỷ đồng.

Bị cáo Trương Huệ Vân.

Bị cáo Trương Huệ Vân.

Bị cáo Trương Huệ Vân (38 tuổi, Tổng Giám đốc Tập đoàn Vạn Thịnh Phát, cháu ruột của bị cáo Trương Mỹ Lan) được tòa phúc thẩm giảm án từ 17 năm tù xuống còn 13 năm tù.

Tại phiên tòa phúc thẩm, bị cáo Huệ Vân đã xin tòa xem xét giảm nhẹ hình phạt và đề nghị giải tỏa kê biên đối với một số tài sản. Theo lời khai, các tài sản này bao gồm nhiều bất động sản là tài sản cá nhân của bị cáo, tài sản chung của hai vợ chồng, và tài sản thừa kế từ bà nội. Bị cáo mong muốn được trả lại các tài sản này để ổn định cuộc sống gia đình trong tương lai.

Tuy nhiên, HĐXX sơ thẩm trước đó đã xác định, mặc dù các tài sản đang bị kê biên đứng tên bị cáo Huệ Vân, nhưng bản chất là tài sản thuộc sở hữu của Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Vạn Thịnh Phát. Do đó, tòa tuyên tiếp tục kê biên các tài sản này để đảm bảo nghĩa vụ thi hành án.

Việc giảm án tại tòa phúc thẩm được xem xét dựa trên các tình tiết giảm nhẹ và vai trò của bị cáo trong vụ án.

Đức Anh

Nguồn Giao Thông: https://www.baogiaothong.vn/y-an-so-tham-tuyen-tu-hinh-truong-my-lan-192241203123254909.htm