Xung quanh thông tin lò phản ứng hạt nhân hiện đại nhất thế giới của Trung Quốc bị rò rỉ 'khí hiếm'

Một trong những lò phản ứng EPR tại nhà máy điện hạt nhân Taishan, thuộc tỉnh Quảng Đông, miền nam Trung Quốc bị 'gia tăng nồng độ một số khí hiếm' trong đường ống, tập đoàn EDF của Pháp cho biết hôm thứ Hai, sau khi CNN báo cáo có khả năng rò rỉ, và trong khi đơn vị kiểm soát đảm bảo rằng tình hình là bình thường.

Nhà máy điện hạt nhân Taishan

Nhà máy điện hạt nhân Taishan

"EDF đã được thông báo về sự gia tăng nồng độ của một số khí hiếm trong đường ống sơ cấp của lò phản ứng số 1 của nhà máy điện hạt nhân Taishan do TNPJVC sở hữu và vận hành", EDF cho biết trong một thông cáo báo chí. TNPJVC là Liên doanh của Tập đoàn Điện hạt nhân Quảng Đông CGN tham gia 70% và Tập đoàn Điện lực Pháp EDF của Pháp giữ 30%.

Đường ống sơ cấp là một đường ống kín chứa nước có áp suất, nước nóng lên trong bình phản ứng tiếp xúc với các phân tử nhiên liệu. Những khí được gọi là "hiếm" bao gồm argon, heli, krypton, neon hoặc thậm chí xenon.

Công ty cho biết thêm: “Sự hiện diện của một số khí hiếm trong ống sơ cấp là một hiện tượng đã biết, được nghiên cứu và thấy trước bởi quy trình vận hành của các lò phản ứng”.

Hai lò phản ứng Taishan cho đến nay là loại EPR duy nhất đã đi vào hoạt động trên thế giới, vào năm 2018 và 2019. Các mẫu khác về các lò phản ứng thế hệ thứ ba này đang được xây dựng ở Phần Lan, Pháp và Vương quốc Anh, nhưng nhiều trở ngại kỹ thuật đã khiến việc vận hành của chúng bị trì hoãn vài năm.

Framatome, công ty con của EDF tham gia xây dựng các lò phản ứng Taishan, trước đó đã được chỉ định theo dõi "diễn biến của một trong các thông số vận hành" tại cơ sở hạt nhân Taishan, nhưng không đưa ra chi tiết hoặc nói về rò rỉ.

Framatome khẳng định với AFP rằng nhà máy "đang hoạt động và đảm bảo an toàn".

Bên trong nhà máy điện hạt nhân Taishan

Bên trong nhà máy điện hạt nhân Taishan

Mối đe dọa phóng xạ

CNN, trên cơ sở một bức thư của Framatome gửi cho Bộ Năng lượng Hoa Kỳ vào ngày 8 tháng 6, đã báo cáo về một "rò rỉ" có thể xảy ra tại nhà máy này. Framatome được cho là hướng tới Hoa Kỳ để yêu cầu hỗ trợ kỹ thuật để giải quyết "một mối đe dọa phóng xạ sắp xảy ra".

Vẫn theo kênh CNN, các cơ quan an toàn của Trung Quốc cũng đã nâng giới hạn cho phép của bức xạ bên ngoài khu vực để tránh phải đóng cửa nhà máy.

Về phần mình, đơn vị vận hành nhà máy, Tập đoàn Điện hạt nhân Tổng hợp Trung Quốc (CGN), đã thông báo trong một thông cáo báo chí về các chỉ số môi trường "bình thường", tuy nhiên không tham chiếu trực tiếp đến thông tin của CNN.

"Hiện tại, các dữ liệu môi trường theo dõi liên tục cho thấy các chỉ số môi trường của nhà máy điện hạt nhân Taishan và môi trường xung quanh nó là bình thường", CGN cho biết.

Bộ Ngoại giao Trung Quốc cũng không trả lời các câu hỏi của báo giới.

Tại Pháp, chính phủ, Ủy ban Năng lượng Nguyên tử và Năng lượng Thay thế (CEA) và Cơ quan An toàn Hạt nhân (ASN) chưa đưa ra bình luận ngay lập tức.

EDF cho biết họ đã liên hệ với liên doanh TNPJVC và "đang sử dụng đến chuyên môn của mình". Tập đoàn của Pháp cũng cho biết họ đã "yêu cầu tổ chức họp hội đồng quản trị bất thường của TPNJVC để ban lãnh đạo trình bày tất cả các dữ liệu và các quyết định cần thiết".

Trung Quốc có khoảng 50 lò phản ứng đang hoạt động , xếp thứ ba trên thế giới sau Hoa Kỳ và Pháp.

Nh.Thạch

AFP

Nguồn PetroTimes: https://nangluongquocte.petrotimes.vn/xung-quanh-thong-tin-lo-phan-ung-hat-nhan-hien-dai-nhat-the-gioi-cua-trung-quoc-bi-ro-ri-khi-hiem-614210.html