Xung quanh chiến dịch tiêu diệt trùm khủng bố IS
Vào tối qua (giờ Việt Nam), Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố đã phối hợp với đồng minh triển khai thành công chiến dịch tiêu diệt thủ lĩnh tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng sau thời gian dài lẩn trốn.
Chiến dịch bắt đầu khoảng 17h thứ Bảy (giờ Mỹ) khi 8 máy bay trực thăng chở lực lượng đặc nhiệm Delta Force, đã bay chính xác 1 giờ 10 phút trên vùng "lãnh thổ rất, rất nguy hiểm" tại tỉnh Idlib của Syria, vô số máy bay và tàu chiến khác của Mỹ cũng tham gia vào nhiệm vụ, theo lời Tổng thống Donald Trump. "Chúng tôi đã bay rất, rất thấp và rất, rất nhanh. Đó là một phần rất nguy hiểm của nhiệm vụ. Chúng tôi đi chung một tuyến đường khi bắt đầu và kết thúc nhiệm vụ", ông Trump tường thuật lại chiến dịch tiêu diệt trùm khủng bố Abu Bakr al-Baghdadi.
Ngay khi tiến vào vùng lãnh thổ thù địch, các máy bay trực thăng của Mỹ đã gặp các loạt đoạn chống trả từ các tay súng cực đoan. Máy bay Mỹ đã bắn trả và loại bỏ mối đe dọa, ông Trump nói.
Sau khi đến ngôi nhà trú ẩn của Baghdadi, lực lượng đặc nhiệm đã kích nổ một bức tường để tránh lối vào bị mắc kẹt lại và đó là khi "địa ngục mở ra", Tổng thống Mỹ nói thêm.
Lập tức sau khi tiếng nổ phát ra đánh động các vệ sĩ của Baghdadi, đặc nhiệm Mỹ đã tham gia vào một cuộc đấu súng và tiêu diệt toàn bộ mà không phải hứng chịu bất kỳ thương vong nào, theo ông Trump. "Hắn ta đã đi đến cuối đường hầm khi bị chó nghiệp vụ truy đuổi. Baghdadi đã kích nổ đai bom tự sát cùng 3 đứa trẻ. Cơ thể hắn ta bị vỡ vụn sau vụ nổ và bị đất đá vùi lấp", ông Trump thuật lại giây phút cuối đời của trùm khủng bố Baghdadi.
Tổng thống Trump cũng cho biết các lực lượng Mỹ đã thu được "tài liệu và thông tin rất nhạy cảm từ cuộc đột kích, liên quan nhiều đến IS - nguồn gốc, kế hoạch tương lai, những điều mà chúng tôi rất muốn biết".
Để chiến dịch kéo dài hơn 1 tiếng đồng hồ diễn ra theo kế hoạch, Baghdadi đã bị giám sát trong một vài tuần, ngoài ra phía quân đội Mỹ đã chuẩn bị từ 2-3 kịch bản khác nhau cho chiến dịch.
Trong khi chiến dịch được Lầu Năm góc phụ trách, Giám đốc CIA Gina Haspel và Giám đốc Tình báo Quốc gia Joe Maguire cũng tham gia rất nhiều trong suốt quá trình diễn ra sự kiện hôm thứ Bảy.
Bà Haspel đã theo dõi chiến dịch từ trụ sở CIA và liên lạc với Phòng Tình huống, tương tự như cách cựu Giám đốc CIA Leon Panetta tham gia vào chiến dịch đột kích giết chết thủ lĩnh al-Qaeda Osama bin Laden vào năm 2011.
Ông Trump cho biết hôm Chủ nhật rằng một số quốc gia nước ngoài, bao gồm Nga và Thổ Nhĩ Kỳ, đã được thông báo trước rằng Mỹ sẽ tiến hành một hoạt động bí mật tại Syria.
"Nga đối xử với chúng tôi tuyệt vời. Họ đã mở cửa không phận. Chúng tôi đã bay qua một số khu vực do Nga nắm giữ. Chúng tôi thực sự có sự hợp tác tuyệt vời với Nga và Iraq. Chúng tôi cũng đã đàm phán với Thổ Nhĩ Kỳ. Họ biết rằng chúng tôi sẽ tiến hành nhiệm vụ", ông Trump nói với các phóng viên.
“Đây là chiến thắng lớn nhất, “lớn hơn nhiều” so với việc tiêu diệt thủ lĩnh al-Qaeda Osama bin Laden hồi năm 2011”. Đây là lời phát biểu đầy tự hào của Tổng thống Trump đưa ra trong buổi họp báo với những thông báo chi tiết về cuộc đột kích của Mỹ. Việc al-Baghdadi bị tiêu diệt có thể coi là thành công lớn nhất của quân đội Mỹ kể từ sau chiến dịch tấn công tiêu diệt trùm khủng bố Osama bin Laden vào năm 2011, tạo lợi thế cho ông trong chiến dịch tranh cử tổng thống và làm “giảm bớt sự tập trung" của các nghị sĩ Dân chủ vào cuộc điều tra luận tội.
Thế giới cũng lên tiếng chúc mừng cuộc chiến chống khủng bố của Mỹ. Thủ tướng Anh Boris Johnson viết trên Twitter: “Cái chết của al-Baghdadi là một thời khắc quan trọng trong cuộc chiến chống khủng bố”, trong khi Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Erdogan ca ngợi nỗ lực chống khủng bố của Mỹ và khẳng định sẽ tiếp tục hợp tác với Mỹ trong cuộc chiến này.
Thủ tướng Israel Netanyahu cũng nhấn mạnh:“Tôi muốn chúc mừng Tổng thống Trump về kết quả ấn tượng và chiến dịch giúp tiêu diệt được al-Baghdadi. Điều này phản ánh sự hợp tác hiệu quả của các nước do Mỹ dẫn đầu trong cuộc chiến chống khủng bố. Đây là bước ngoặt quan trọng và là một phần trong cuộc chiến dài hơi mà chúng ta cần phải chiến thắng”.
Việc mất đi người cầm đầu sẽ tiếp tục là thất bại tiếp theo của IS sau khi mất nhiều vùng lãnh thổ tại Iraq và Syria. Tuy vậy, giới quan sát nhận định, đây chưa phải là dấu chấm hết cho tổ chức khủng bố này khi các lực lượng còn sót lại đang chờ cơ hội hồi sinh và hệ tư tưởng của tổ chức này vẫn là mối đe dọa đối với an ninh thế giới.
Lui vào bóng tối, IS không thực hiện các vụ tấn công gây chấn động thế giới như những năm trước đây, chuyển sang thực hiện chiến thuật du kích với các vụ tấn công nhỏ lẻ tại Iraq, Syria, Afghanistan. Cuộc chiến chưa kết thúc tại Syria, cùng bất ổn tại Yemen, Nigeria hay Afghanistan đang là cơ hội tốt cho IS hồi sinh. Không chỉ tích cực hoạt động tại các địa bàn cũ, IS đang mở rộng địa bàn hoạt động, vươn vòi rồng sang các nước Đông Nam Á với việc Indonesia và Philippines thời gian qua đã phải đối mặt với các vụ tấn công khủng bố do IS tiến hành.
Điều đáng lo ngại hơn cả đó là ý thức hệ và tư tưởng cực đoan của tổ chức này vẫn đang được truyền bá và có ảnh hưởng lớn. Những tay súng nước ngoài trà trộn vào dòng người tị nạn và trở về các quốc gia châu Âu, trở thành những “con sói đơn độc” với âm mưu đe dọa tấn công khủng bố các nước châu Âu. Nhiều thanh niên trẻ bị cực đoan hóa tại các nước cũng sẵn sàng “ tiếp sức” cho các “phần tử thánh chiến” theo lời kêu gọi của IS.
Điều đó cho thấy bóng ma của IS vẫn hiện hữu và cuộc chiến chống khủng bố sẽ phức tạp hơn nhiều. Tổng thống Pháp Emmanuel Macron khẳng định: “Cái chết của al-Baghdadi là một đòn nặng nề đối với IS, nhưng đây chỉ là một phần trên con đường chống khủng bố và quốc tế cần tiếp tục phối hợp để đánh bại đến cùng tổ chức khủng bố này”.