Xứng danh thành phố nghĩa tình

Với truyền thống nghĩa tình, Thành phố Hồ Chí Minh luôn có nhiều chương trình thiết thực chăm lo, hỗ trợ cho những người có hoàn cảnh khó khăn. Những hoạt động đó thể hiện nỗ lực của thành phố trong việc thực hiện mục tiêu nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân, xây dựng thành phố văn minh, hiện đại, nghĩa tình.

Bà Nguyễn Thị Lý (đứng giữa) và đại diện Mặt trận Tổ quốc Phường 11 (quận Phú Nhuận) bên chiếc xe máy được trao tặng làm phương tiện mưu sinh.

Thực tế đã chứng minh, dù trong bất cứ thời điểm nào, khó khăn nào, chính quyền, nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh đều có những giải pháp, cách làm hiệu quả để hỗ trợ người dân.

Thấu hiểu khó khăn của người dân

Chiều muộn, bà Nguyễn Thị Lý, 60 tuổi, ngụ khu phố 3, Phường 11, quận Phú Nhuận tất tả trở về nhà sau một ngày làm việc vất vả. Vừa dựng chiếc xe xong, bà vội vào nhà chuẩn bị bữa tối cho cả nhà để còn kịp "tăng ca" cho công việc tiếp theo. Ngoài công việc chính là làm tạp vụ cho trường học trên địa bàn phường, bà còn nhận thêm việc đưa, rước các em nhỏ cho một số gia đình chung quanh.

Chỉ vào chiếc xe máy còn mới tinh dựng trước cổng, bà Lý cho biết: Trước đây, khi chưa có chiếc xe máy này, thời gian của bà còn gấp gáp hơn nhiều vì có hôm phải đi bộ. Chiếc xe bà nhắc đến chính là món quà mà bà rất trân quý, do Ủy ban Mặt trận Tổ quốc phường và các đơn vị nhà hảo tâm đã chung tay trao tặng để bà có phương tiện đi lại. Ngồi phụ bà Lý nhặt mớ rau, chị Nguyễn Thị Thanh Thanh, Chủ tịch Mặt trận Tổ quốc Phường 11 nói vui: "Bà quý chiếc xe như con vậy. Xe mà dính đất là bà lau sạch ngay".

Chiếc xe máy, phương tiện sinh kế mà bà Lý được trao tặng trị giá 25 triệu đồng, với gia đình bà là một tài sản mà với thu nhập, hoàn cảnh hiện tại có thể sẽ mãi là niềm mơ ước của cả gia đình.

Với hai anh em Mã Chí Kiên, sinh năm 2004 và Mã Uyên Trang, sinh năm 2007 (ngụ Phường 21, quận Bình Thạnh), sự đau buồn khi mất đi người cha thân yêu của mình trong tâm dịch Covid-19 phần nào nguôi ngoai vì sau thời điểm đó, chính quyền, các tổ chức chính trị-xã hội, nhà hảo tâm của phường, quận luôn quan tâm giúp các em tiếp tục giấc mơ đến trường.

Chị Phạm Thị Thu Hương, mẹ của Kiên và Trang nghẹn ngào nhắc về những tình cảm đó: "Bố hai đứa nhỏ mất đi, ba mẹ con mất đi điểm tựa chính trong gia đình. Nếu không có sự đùm bọc của mọi người, thực tình bọn trẻ sẽ khó được như ngày hôm nay. Các con vẫn được đến trường là điều khiến tôi hạnh phúc nhất".

Thành phố Hồ Chí Minh không chỉ là địa phương có sự phát triển năng động, là đầu tàu trên nhiều lĩnh vực, mà còn là đơn vị triển khai hiệu quả các hoạt động an sinh xã hội, hỗ trợ các hoàn cảnh khó khăn. Từ hệ thống chính quyền thành phố đến các địa phương, cơ quan, đơn vị, nhà hảo tâm đều luôn duy trì và tổ chức các hoạt động gây quỹ, mô hình hỗ trợ, sẻ chia đối với các hoạt động an sinh, giúp nhau cùng phát triển.

Quỹ "Vì người nghèo" của thành phố là một mô hình như thế. Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc thành phố Trần Kim Yến cho biết: Năm 2022, Quỹ "Vì người nghèo" do Mặt trận Tổ quốc thành phố quản lý, thông qua Mặt trận các cấp đã vận động đạt hơn 165 tỷ đồng. Con số này là rất đáng mừng bởi hai năm trước đó, thành phố đã chịu hậu quả rất nặng nề từ tác động của đại dịch Covid-19, nhưng với truyền thống đùm bọc, sẻ chia, chính quyền, nhân dân, doanh nghiệp thành phố luôn sẵn sàng chung tay dù nội tại đang gặp nhiều khó khăn.

Trong năm 2022, Quỹ này đã xây dựng 62 căn nhà, sửa chữa 217 căn nhà tình thương; trao tặng gần 6.000 suất học bổng Nguyễn Hữu Thọ, tặng hơn 150 phương tiện đi học, 167 phương tiện sinh kế cùng hàng trăm nghìn suất quà cho gia đình chính sách, hộ nghèo, hộ cận nghèo.

Theo bà Trần Kim Yến, với nguồn quỹ vận động được trong năm qua, Mặt trận và các tổ chức đoàn thể chính trị các cấp sẽ tiếp tục chăm lo các nhu cầu còn thiếu hụt của hộ nghèo, hộ cận nghèo theo chủ trương giảm nghèo đa chiều của thành phố giai đoạn 2021-2025.

Trong dịp Tết Nguyên đán 2023, công tác chăm lo Tết cho người dân thành phố, người lao động các địa phương không có điều kiện về quê cũng được các cấp, các ngành quan tâm, chăm lo chu đáo, bảo đảm mọi người, mọi nhà đều có Tết.

Hướng đến giải pháp chiều sâu

Khi ông Nguyễn Văn Năm (ngụ tổ 7, ấp An Hòa, xã An Phú, huyện Củ Chi) nhận con bò giống để làm "phương tiện sinh kế" do Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Thành phố Hồ Chí Minh trao tặng, ông không giấu được sự xúc động vì đây là "món quà" mà gia đình ông mong ước bấy lâu nay. Ông Năm cho biết: "Không chỉ nhận bò giống, các cán bộ địa phương còn chỉ cách chăm sóc để bò phát triển và sinh sản.

Từ "nguồn vốn cố định" này, gia đình tui yên tâm phát triển sản xuất, từng bước tạo nguồn thu để thoát nghèo bền vững". Ông Nguyễn Văn Năm, bà Nguyễn Thị Lý và hàng nghìn hộ dân khác đã và đang có cuộc sống tốt lên từng ngày nhờ những cách làm hiệu quả của chính quyền các cấp.

Để giúp người dân có cuộc sống ấm no, đầy đủ hơn, nhiều năm qua, Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh cùng các địa phương đã có nhiều chương trình, hoạt động thiết thực để đồng hành cùng người dân vươn lên thoát nghèo. Riêng trong giai đoạn 2021-2025, phong trào thi đua "Vì người nghèo-Không để ai bị bỏ lại phía sau" đã đạt được những kết quả rất thiết thực.

Thống kê mới nhất của Sở Lao động-Thương binh và Xã hội Thành phố Hồ Chí Minh về kết quả thực hiện chương trình giảm nghèo bền vững năm 2022, thành phố còn 28.896 hộ nghèo, chiếm 1,14% tổng số hộ dân thành phố và còn 22.455 hộ cận nghèo, chiếm 0,89% tổng số hộ dân thành phố, đạt 100% chỉ tiêu theo kế hoạch đề ra.

Đến năm 2025, thành phố phấn đấu đạt chỉ tiêu cơ bản không còn hộ nghèo theo chuẩn nghèo cả nước, còn dưới 0,5% hộ nghèo theo chuẩn nghèo thành phố (hộ có thu nhập bình quân đầu người từ 36 triệu đồng/người/năm trở xuống; hộ cận nghèo có thu nhập từ 36-46 triệu đồng/người/năm).

Đánh giá về kết quả thực hiện công tác giảm nghèo của thành phố giai đoạn 2016-2020 và năm 2021, định hướng thực hiện Chương trình giảm nghèo giai đoạn 2021-2025, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Văn Nên từng nhấn mạnh: Các đơn vị cần phát huy mạnh mẽ những nhân tố tích cực đã làm nên kết quả thời gian qua, đồng thời khắc phục những hạn chế yếu kém còn tồn tại, vướng mắc.

Toàn hệ thống chính trị thành phố phải xem công tác giảm nghèo bền vững là nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên và phải luôn nỗ lực hành động. Thành phố cần phát huy mạnh mẽ hơn nữa truyền thống tương thân, tương ái trong cộng đồng, bố trí nguồn ngân sách để công tác giảm nghèo đạt kết quả cao nhất. Nhấn mạnh về tinh thần đùm bọc, sẻ chia nhau của nhân dân thành phố, lãnh đạo Thành phố Hồ Chí Minh từng nhiều lần khẳng định: Trong nhiều thời điểm gian khó, nhân dân thành phố càng đoàn kết, gắn bó với nhau. Cuộc chiến phòng, chống đại dịch Covid-19 vừa qua là một minh chứng rõ nhất, những thời khắc khốc liệt nhất cũng là lúc thể hiện sống động nhất sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc.

Sau khi đại dịch Covid-19 đã được khống chế, những khó khăn của đời sống kinh tế-xã hội vẫn đang tiềm ẩn nhiều nguy cơ, nhưng chính quyền, các tầng lớp nhân dân thành phố vẫn luôn sẵn sàng chung tay hành động vì một cộng đồng hướng đến mục tiêu giàu mạnh, văn minh. Một mục tiêu đã trở thành "thương hiệu" riêng trên thành phố mang tên Bác.

Giờ đây, khi cuộc sống của gia đình bà Nguyễn Thị Lý đang tốt lên từng ngày, các con bà đang có một tương lai tốt hơn nhờ sự đùm bọc, sẻ chia của cộng đồng. Gia đình ông Nguyễn Văn Năm sẽ có thêm những con bò con khi con bò giống đang phát triển khỏe mạnh. Hàng chục nghìn hộ dân khác đang sử dụng hiệu quả các phương tiện sinh kế đã được trao, cuộc sống của các gia đình sẽ khá lên. Đó là những giải pháp bền vững, ổn định mà chính quyền các cấp của Thành phố Hồ Chí Minh đang thực hiện để hỗ trợ đồng bào có cuộc sống ngày một tốt đẹp hơn.

TRẦN QUANG QUÝ

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.vn/xung-danh-thanh-pho-nghia-tinh-post738672.html