Xuất khẩu xanh: Thay đổi thích ứng với 'luật chơi' mới

Để không bị loại khỏi cuộc chơi nhiều doanh nghiệp đã thay đổi tư duy, quan tâm tới tính xanh của chuỗi cung ứng và trong thương mại quốc tế để đáp ứng yêu cầu khắt khe của thị trường.

Trong bối cảnh thị trường thế giới đang hướng tới mục tiêu trung hòa carbon và phát triển bền vững, vấn đề chuyển đổi xanh, xuất khẩu xanh đang tạo nên “luật chơi” mới trong thương mại và đầu tư. Do đó, để không bị loại khỏi cuộc chơi nhiều doanh nghiệp đã thay đổi tư duy, quan tâm tới tính xanh của chuỗi cung ứng và trong thương mại quốc tế để đáp ứng yêu cầu khắt khe của thị trường.

Theo các chuyên gia thương mại, tăng trưởng xanh, phát triển xanh, kinh tế tuần hoàn đã trở thành xu hướng trên toàn cầu như một giải pháp tích cực nhằm giảm phát thải nhà kính, nâng cao năng lực chống chịu và tính sáng tạo của nền kinh tế, hướng tới mục tiêu trung hòa carbon và phát triển bền vững. Xu hướng phát triển này đã và đang hình thành nên “luật chơi” mới về thương mại và đầu tư.

Doanh nghiệp Việt Nam chế biến thanh long xuất khẩu sang thị trường Canada: Ảnh: Nguyễn Văn Việt/TTXVN

Doanh nghiệp Việt Nam chế biến thanh long xuất khẩu sang thị trường Canada: Ảnh: Nguyễn Văn Việt/TTXVN

Nhiều nền kinh tế phát triển trên thế giới đã đặt ra những quy định liên quan đến môi trường khắt khe hơn đối với hàng hóa nhập khẩu như chính sách tăng trưởng xanh châu Âu, thỏa thuận xanh châu Âu, kèm theo các cơ chế, chương trình như: Cơ chế điều chỉnh biên giới carbon (CBAM); chiến lược từ trang trại đến bàn ăn; kế hoạch hành động kinh tế tuần hoàn hay chiến lược đa dạng sinh học đến năm 2030...

Theo ông Huỳnh Thanh Hiệp - Trưởng Phòng Quản lý chất lượng, Công ty CP Đường Quảng Ngãi, trong quá trình hoạt động công ty luôn tuân thủ quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường, chủ động phòng ngừa, giảm thiểu tác động xấu tới môi trường, khắc phục kịp thời sự cố, xử lý ô nhiễm, phục hồi và cải thiện môi trường.

Hơn nữa, nhằm nâng cao sức cạnh tranh cho sản phẩm, đường Quảng Ngãi đã đẩy mạnh đưa thiết bị cơ giới hóa trong quá trình làm đất, trồng, bón phân, chăm sóc và thu hoạch mía; đầu tư thiết bị, công nghệ hiện đại trong sản xuất sản phẩm sau đường; ứng dụng phần mềm trong chuỗi sản phẩm, quản lý sản xuất-kinh doanh…Đồng thời, chất lượng sản phẩm được kiểm soát bảo đảm theo tiêu chuẩn quốc tế như kiểm soát bảo đảm an toàn thực phẩm theo FSSC 22000…

Ông Huỳnh Thanh Hiệp cho biết: Hiệu quả mang lại sau khi ứng dụng khoa học và công nghệ là khai thác tối đa lượng đường trong nguyên liệu mía chín; nguyên liệu mía được kiểm soát chín - tươi - sạch; bảo đảm an toàn thực phẩm từ khâu đốn chặt đến khi đưa về nhà máy đưa vào sản xuất. Từ đó, sản phẩm ra thị đường cũng bảo đảm an toàn từ nguồn nguyên liệu đến thành phẩm.

Theo bà Nguyễn Thị Mai Phương - Giám đốc Thương mại ngành hàng, Tập đoàn Central Retail (Siêu thị GO!, BIG C, Top Market), hiện nay người tiêu dùng đã sẵn sàng chi tiêu cho tiêu dùng xanh, chung tay cùng doanh nghiệp tham gia các chương trình không sử dụng túi nilon, sẵn sàng dùng thùng carton với đơn hàng lớn.

Hiệp hội Dệt May Việt Nam (Vitas) triển khai mô hình sản xuất xanh, thân thiện với môi trường cho các doanh nghiệp thành viên. Ảnh minh họa: TTXVN

Hiệp hội Dệt May Việt Nam (Vitas) triển khai mô hình sản xuất xanh, thân thiện với môi trường cho các doanh nghiệp thành viên. Ảnh minh họa: TTXVN

Ngoài hoạt động trọng yếu là bán lẻ là phát triển kinh doanh, Central Retail rất chú trọng phát triển tiêu dùng xanh, tiêu dùng bền vững. Siêu thị với hơn 30.000 sản phẩm đã có sự chuyển biến rõ rệt, có nhiều hơn sản phẩm xanh, bao bì xanh ở nhiều ngành hàng… Đây là bước ngoặt lớn thể hiện nỗ lực của doanh nghiệp trong làm việc với các nhà cung cấp.

Khảo sát của Nielsen IQ cho thấy, 49% người tiêu dùng mang túi riêng, sử dụng túi tái chế; 47% chỉ mua đồ cần thiết, tránh lãng phí; 45% người tiêu dùng có ý thức phân loại rác tái chế và tiết kiệm điện. Nghiên cứu cũng chỉ rõ, 80% người tiêu dùng Việt Nam sẵn sàng chi trả nhiều hơn cho các sản phẩm có cam kết xanh và sạch, sản xuất từ những nguyên liệu thân thiện với môi trường.

Điều này khẳng định sự ủng hộ và sẵn sàng chấp nhận mức chi phí cao hơn thông thường của người tiêu dùng với sản phẩm xanh là đòn bẩy để các nhà sản xuất mạnh dạn thay đổi. Nếu bắt nhịp được với xu hướng tiêu dùng xanh này, doanh nghiệp Việt Nam sẽ có nhiều cơ hội để phát triển và tham gia sâu hơn vào chuỗi cung ứng toàn cầu.

Với lĩnh vực thời trang, đại diện Tập đoàn Uniqlo nhấn mạnh xu hướng trong tiêu dùng hiện nay là ưu tiên sản phẩm bền vững, minh bạch thông tin, ít phát thải và tái sử dụng. Trong bối cảnh đó, mục tiêu của Uniqlo là nâng tỷ lệ vật liệu tái chế và các vật liệu khác có lượng phát thải khí nhà kính thấp lên 50% vào năm 2030. Uniqlo cũng ưu tiên chuyển đổi và nâng tỷ lệ sử dụng năng lượng tái tạo tại các nhà máy, giảm lượng nước sử dụng trong quá trình sản xuất… Điều này cũng chính là yêu cầu chung cho tất cả các đơn vị muốn tham gia vào chuỗi cung ứng của Uniqlo.

Về phía doanh nghiệp cung cấp xanh, ông Trần Nhật Ninh, Phó Tổng giám đốc CTCP Nhựa Thiếu niên Tiền Phong chia sẻ, cách đây 10 năm, công ty đã hướng tới sản xuất xanh và phát triển bền vững; trong đó, sản phẩm của Nhựa Thiếu niên Tiền Phong xuất khẩu sang các thị trường khó tính như Australia, châu Âu.

Nếu không có ESG, sản phẩm của công ty không thể xuất khẩu được. Nhựa Tiền Phong và CTCP Shinec đã tiến hành hợp tác chiến lược với nhau để cung cấp ống nhựa Tiền Phong cho các công trình hạ tầng khu - cụm công nghiệp của Shinec trên khắp cả nước.

Người dân thành phố Huế sử dụng túi vải mua sắm tại chợ Đông Ba. Ảnh: Tường Vi - TTXVN

Người dân thành phố Huế sử dụng túi vải mua sắm tại chợ Đông Ba. Ảnh: Tường Vi - TTXVN

Đặc biệt, Công ty đã cung cấp sản phẩm nhựa cho Khu công nghiệp của Shinec với yêu cầu cao, bám sát với xu hướng phát triển bền vững, hướng tới trung hòa carbon và net zero 2050. Vì vậy, Nhựa Tiền Phong tiếp tục đẩy mạnh đầu tư máy móc hiện đại, làm giảm phát thải ít hơn và đang nỗ lực để đáp ứng nhu cầu phát triển trong lĩnh vực bất động sản công nghiệp và thương mại hướng tới phát triển xanh, bền vững.

Đại diện Thương vụ Việt Nam tại EU cho rằng, việc đưa ra quy định khắt khe hơn với mặt hàng dệt may của EU sẽ gây sức ép rất lớn cho doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam như buộc phải chuẩn bị quy trình sản xuất tuần hoàn, giảm rác thải từ dệt may; sử dụng vật liệu thân thiện môi trường, có thể tái chế. Nếu đáp ứng được các tiêu chuẩn, đây sẽ là cơ hội để hàng hóa Việt Nam có chỗ đứng vững chắc tại thị trường châu Âu.

Ông Nguyễn Chí Trung, Chủ tịch HĐQT Công ty Giày Gia Định cho rằng, để phát triển bền vững, giữ được các đơn hàng và thị trường, doanh nghiệp cần tái cơ cấu sản xuất gắn với tiết giảm chi phí kinh doanh; đồng thời nâng cao năng lực thiết kế, xây dựng thương hiệu, ứng dụng nguyên liệu mới và nâng cao năng lực cạnh tranh, tiến tới tập trung sản xuất phù hợp với nhu cầu, xu hướng thị trường, đáp ứng tiêu chuẩn khắt khe của nhà nhập khẩu.

Tương tự, Công ty TNHH MTV Catlongs – chuyên sản xuất giày dép xuất khẩu sang Hoa Kỳ, Nhật Bản cũng đang từng bước thực hiện chuyển đổi sản xuất để đáp ứng yêu cầu của các thị trường. Bà Kiều Thị Tâm Anh, Giám đốc công ty cho biết, công ty đã sử dụng nguyên liệu tái chế để sản xuất các sản phẩm giày dép. Đặc biệt, các sản phẩm đế giày làm từ vỏ trấu, vỏ đậu phộng của công ty đã được xuất khẩu đi châu Âu trong nhiều năm qua.

Tại Công ty TNHH Ever Tech Plastic Việt Nam (Bình Dương), doanh nghiệp đang sản xuất, gia công đế, khuôn mẫu giày… với 2 nhà máy hơn 1.800 lao động. Công ty xuất khẩu hàng sang Hoa Kỳ, EU và đang nỗ lực tìm kiếm đơn hàng thông qua phương thức sản xuất theo tiêu chuẩn xanh để đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của thị trường. Với việc "xanh hóa", ngành da giày đang từng bước nâng cao chất lượng sản phẩm, giảm thiểu chi phí cho sản xuất, hướng đến phát triển bền vững. Đây cũng là lợi thế giúp da giày Việt Nam tăng khả năng cạnh tranh khi tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu.

Ông Tạ Hoàng Linh - Vụ trưởng Vụ Thị trường châu Âu - châu Mỹ (Bộ Công Thương) nhấn mạnh: Bộ Công Thương đã nỗ lực tháo gỡ khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp, hiệp hội ngành hàng Việt Nam. Qua đó hỗ trợ hiệu quả hơn cho doanh nghiệp trong việc tham gia sâu hơn vào chuỗi sản xuất và cung ứng toàn cầu, thúc đẩy kết nối giữa kênh phân phối, nhà nhập khẩu nước ngoài và doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu trong nước. Đồng thời, Thương vụ Việt Nam ở nước ngoài cũng đã hướng dẫn về chính sách của các khu vực và thị trường nhằm tháo gỡ khó khăn, nâng cao sức cạnh tranh cho hàng hóa Việt Nam ở thị trường nước ngoài.

Uyên Hương/BNEWS/TTXVN

Nguồn Bnews: https://bnews.vn/xuat-khau-xanh-thay-doi-thich-ung-voi-luat-choi-moi/343111.html