Xuất khẩu của Việt Nam sang EU có thể tăng 40%

(Chinhphu.vn)– Hiệp định FTA Việt Nam-EU được ký kết sẽ mang lại những lợi ích to lớn cho nhiều ngành và lĩnh vực của Việt Nam cũng như tăng trưởng thương mại hai chiều.

Ngày 5/3, tại TPHCM, Dự án Hỗ trợ chính sách thương mại và đầu tư của Châu Âu (EU-MUTRAP) phối hợp với Trung tâm hỗ trợ hội nhập WTO tổ chức Hội thảo “Đánh giá tác động kinh tế, xã hội và môi trường của Hiệp định thương mại tự do Việt Nam–EU”.

Nguyên Bộ trưởng Trương Đình Tuyển, chuyên gia chính Dự án EU-MUTRAP cho biết: EU là thị trường có vị trí hàng đầu trong xuất khẩu và tiếp nhận đầu tư của Việt Nam. Kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam vào thị trường EU tăng trưởng ổn định với tốc độ cao, bình quân khoảng 15-20%/năm.

Từ năm 1995 đến năm 2012, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam vào EU tăng 20 lần. Năm 2013, Việt Nam xuất khẩu trên 24,3 tỷ USD và nhập khẩu 9,4 tỷ USD.

EU cũng là nhà đầu tư hàng đầu vào Việt Nam với tổng số vốn đã đầu tư đạt 17 tỷ USD với 1.300 dự án. Đồng thời từ năm 2007-2013, EU đã cung cấp 5,2 tỷ USD vốn ODA cho Việt Nam, trong đó có 43% là viện trợ không hoàn lại.

Chính vì vậy, tác động của Hiệp định mậu dịch tự do Việt Nam-EU đến KTXH của Việt Nam là rất lớn, tạo động lực cho đổi mới thể chế và cải thiện môi trường kinh doanh.

Chia sẻ quan điểm này, bà Phạm Thị Lan Hương, chuyên gia dự án EU-MUTRAP cho rằng: Hiệp định được ký kết sẽ mang lại những lợi ích to lớn cho nhiều ngành và lĩnh vực của Việt Nam cũng như tăng trưởng thương mại hai chiều.

Phân tích cụ thể hơn, ông Claudio Dordi, Trưởng Nhóm tư vấn kỹ thuật EU-MUTRAP khẳng định: Việc cắt giảm thuế quan khi thực thi FTA giữa Việt Nam-EU có thể làm tăng xuất khẩu của Việt Nam sang EU lên khoảng 30-40%.

Trong đó, các ngành có khả năng hưởng lợi nhiều nhất từ FTA gồm có: Dệt may, giày, chế biến thực phẩm (trong đó có thủy sản). Tuy nhiên, mức độ mở rộng năng lực sản xuất của Việt Nam nhằm đáp ứng nhu cầu gia tăng của EU về một số mặt hàng sẽ quyết định mức tăng tổng thể về tăng trưởng xuất khẩu.

Bên cạnh đó, việc mở rộng năng lực sản xuất của Việt Nam cũng có nhiều lợi thế và thuận lợi, bởi FTA được kỳ vọng sẽ thúc đẩy đầu tư và cải tiến công nghệ nhờ vào việc áp thuế đối với các máy móc thiết bị công nghệ được giảm một cách tối đa, từ đó dịch chuyển năng suất và tăng đầu ra.

Từ góc độ môi trường, các chuyên gia Dự án EU-MUTRAP cho rằng: Hiệp định này tác động đến môi trường là không đáng kể. Tuy nhiên, phát thải carbon ở Việt Nam về cơ bản sẽ tăng trong quá trình triển khai hiệp định như hệ quả của mở rộng nền kinh tế, bất luận có FTA hay không.

Cùng với đó, sau khi Hiệp định được ký kết, Việt Nam sẽ có thêm khoảng 95.700 người sẽ thoát nghèo vào năm 2020.

Được biết, sau 6 vòng đàm phán kể từ tháng 6/2012, dự kiến 9/2014 Việt Nam và Liên minh Châu Âu sẽ tiến hành ký kết Hiệp định tự do thương mại song phương.

Lê Anh

Nguồn Chính Phủ: http://baodientu.chinhphu.vn/thi-truong/xuat-khau-cua-viet-nam-sang-eu-co-the-tang-40/193988.vgp