Xuân về trên vùng đất ATK

Mùa xuân đang gõ cửa từng nhà, Nhân dân các dân tộc vùng an toàn khu (ATK) huyện Bắc Sơn, huyện Tràng Định đón xuân mới trong niềm vui mừng, phấn khởi trước những đổi thay của quê hương…

Toàn cảnh xã ATK Tân Lập, huyện Bắc Sơn

Đổi thay ở vùng chiến khu xưa

Xã Tân Lập, huyện Bắc Sơn – vùng đất cách mạng thời kỳ kháng chiến chống Pháp những ngày này được bao phủ bởi màu xanh của núi rừng bạt ngàn, sắc thắm của hoa đào phai, sắc trắng của hoa mơ, hoa mận, điểm xuyết những chồi non, lộc biếc. Trên mái những ngôi nhà sàn xen lẫn nhà tầng khang trang, cờ Tổ quốc đỏ thắm tung bay theo gió báo hiệu xuân đã về tràn ngập khắp mọi nơi.

Xã Tân Lập được công nhận là xã ATK trong thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp vào năm 2013. Từ khi được sự đầu tư của Đảng và Nhà nước, đời sống của người dân nơi đây được cải thiện rõ rệt, đặc biệt trong phát triển kinh tế bà con đã đẩy mạnh áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật và đưa những mô hình mới vào sản xuất như trồng cây cam đường Canh, trồng bưởi… có những hộ thu nhập từ 500 triệu đồng/năm. Năm 2023, thu nhập bình quân đầu người của xã đạt 45 triệu/người/ năm. Hiện xã còn 22 hộ nghèo, 55 hộ cận nghèo trong tổng số 595 hộ dân, chiếm 12,9%, giảm 12,1% so với năm 2022.

Trên con đường bê tông dài 3 km vào thôn Nà Nâm thăm vườn cam đường Canh của gia đình anh Hoàng Doãn Hưng, ông Dương Doãn Hùng, Chủ tịch UBND xã Tân Lập chia sẻ: Thôn Nà Nâm có 147 hộ dân, nhờ những chính sách của Nhà nước, đến nay, cơ sở hạ tầng của thôn khang trang, nhà văn hóa được xây đạt chuẩn, 100% đường liên thôn, nội thôn đã được bê tông hóa. Đời sống người dân được cải thiện cả về vật chất và tinh thần. Hiện trong thôn có 89% số hộ có kinh tế khá giả với mức thu nhập từ 100 triệu đồng trở lên từ các mô hình trồng cây ăn quả, chăn nuôi gia súc, gia cầm. Mấy năm nay, bà con trong thôn đón tết cổ truyền của dân tộc đầy đủ, sung túc hơn trước rất nhiều.

Mô hình trồng cây cam đường Canh của gia đình anh Hoàng Doãn Hưng cho thu nhập trên 300 triệu đồng/năm

Gia đình anh Hoàng Doãn Hưng là một trong những hộ đầu tiên của xã Tân Lập trồng cây cam đường Canh theo hướng hàng hóa. Hiện nay, gia đình anh có khoảng 1.500 cây cam đường Canh, trong đó có 500 cây đang cho thu hoạch ổn định. Vụ cam năm 2022, gia đình anh thu được 12 tấn quả với giá bán trung bình 35.000 đồng/kg, sau khi trừ chi phí, ước tính thu lãi khoảng 360 triệu đồng. Anh Hưng phấn khởi: Năm 2019, tôi vay 200 triệu đồng từ Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Bắc Sơn để mua 500 cây cam giống và phân bón. Sau 3 năm vườn cam cho thu hoạch quả, tôi trả hết nợ ngân hàng và mở rộng thêm diện tích trồng. Có được thành quả này, tôi đã cố gắng học hỏi kinh nghiệm từ mọi người. Quan trọng là trong tôi lúc nào cũng sục sôi tinh thần ý chí cách mạng của cha ông, nghĩ mình sẽ làm được và luôn sẵn sàng giúp các hộ dân trong thôn phát triển kinh tế.

Rời mảnh đất “châu xưa” anh hùng, chúng tôi đến xã Đề Thám thuộc vùng căn cứ cách mạng của huyện Tràng Định, nơi đang khoác lên mình “tấm áo mới”. ông Hướng Ngọc Hoàn, Bí thư Đảng ủy xã Đề Thám cho biết: Xã có 11 thôn với hơn 5.000 nhân khẩu. Xã Đề Thám được Nhà nước phong tặng danh hiệu “Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân” và đã được Nhà nước công nhận là xã ATK vào năm 2020. Sau khi được công nhận xã ATK, từ nguồn vốn lồng ghép các chương trình, xã đã làm được gần 2 km đường giao thông nông thôn với tổng vốn 3,9 tỷ đồng; xây dựng được 5 nhà văn hóa thôn đạt chuẩn với tổng vốn 600 triệu đồng. Tiềm năng phát triển kinh tế của xã chủ yếu là nông, lâm nghiệp với những sản phẩm thế mạnh như thạch đen, hồi, các loại rau màu. Hạ tầng được đầu tư xây dựng, sản xuất phát triển, đời sống của người dân ngày càng được nâng lên, tỷ lệ hộ nghèo giảm dần qua các năm, hiện nay tỷ lệ hộ nghèo của xã còn 3,69%, thu nhập bình quân đạt 39 triệu đồng/người/ năm.

Qua đây có thể thấy rằng, cuộc sống người dân vùng căn cứ cách mạng xưa đã và đang dần “thay da, đổi thịt”, ấm no, đủ đầy hơn…

Tập trung nguồn lực xây dựng quê hương cách mạng

Hiện nay, toàn tỉnh có 18 xã, thị trấn được công nhận là xã ATK, trong đó huyện Bắc Sơn có 12 xã, thị trấn; huyện Tràng Định có 6 xã. Những năm qua, người dân các xã ATK đã ra sức thi đua, lao động sản xuất, phát triển kinh tế, xây dựng đời sống ấm no, gìn giữ bản sắc văn hóa dân tộc. Cùng với đó được sự quan tâm, hỗ trợ của các cấp, các ngành trong xây dựng cơ sở vật chất, triển khai các chính sách hỗ trợ, đời sống vật chất và tinh thần của bà con ngày càng được nâng lên.

Từ các nguồn lực Trung ương và địa phương, từ năm 2015 đến nay, 12 xã ATK, vùng ATK của huyện Bắc Sơn đã được triển khai 160 dự án, công trình như: trường học, nhà văn hóa, nước sinh hoạt… với tổng vốn đầu tư hơn 250 tỷ đồng; 6 xã ATK của Tràng Định trong giai đoạn 2021 – 2023 đã có 55 dự án được đầu tư xây dựng bao gồm: các công trình đường giao thông nông thôn, trường học, nhà văn hóa, công trình thủy lợi, bia di tích lịch sử… với tổng vốn hơn 74,42 tỷ đồng. Nhờ đó, bộ mặt nông thôn các xã ATK, vùng ATK trên địa bàn đã có nhiều đổi thay, đời sống của Nhân dân ngày càng được cải thiện; trên 80% đường giao thông đến trung tâm các thôn được cứng hóa; hàng năm giảm trên 3% tỷ lệ hộ nghèo đa chiều…

Ông Đinh Khắc Hiển, Trưởng Phòng Nội vụ huyện Tràng Định cho biết: Đến nay, đã có 5/6 xã ATK đạt chuẩn nông thôn mới, trong đó 1 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao. Hiện nay, huyện Tràng Định đang triển khai Đề án phát triển kinh tế – xã hội; bảo tồn, tôn tạo di tích lịch sử các xã ATK giai đoạn 2021 – 2030, từ đó có các giải pháp để phát huy tiềm năng, khai thác thế mạnh của địa phương, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, nâng cao đời sống của bà con.

Theo bà Phùng Thị Thanh Nga, Chủ tịch UBND huyện Bắc Sơn, sau hơn 4 năm huyện triển khai Đề án phát triển kinh tế – xã hội và bảo tồn, tôn tạo các di tích lịch sử cho 12 xã vùng ATK và vùng ATK huyện Bắc Sơn, từ các nguồn lực của Nhà nước và sự đóng góp của Nhân dân, cộng đồng doanh nghiệp, cơ sở hạ tầng của các xã ATK từng bước được đầu tư. Tổng nguồn vốn đã triển khai thực hiện tại các xã ATK, vùng ATK Bắc Sơn khoảng 400 tỷ đồng. Chúng tôi đã tập trung xây dựng cơ sở hạ tầng, nâng cấp, phục hồi, tôn tạo các điểm di tích lịch sử trên địa bàn, nhất là các điểm di tích cấp quốc gia. Đặc biệt từ khi di tích lịch sử khởi nghĩa Bắc Sơn được công nhận là di tích quốc gia đặc biệt, huyện Bắc Sơn đã lập hai đề án phát triển kinh tế – xã hội, bảo tồn, tôn tạo các di tích lịch sử cho các xã ATK trên địa bàn huyện với tổng kinh phí hơn 1.200 tỷ đồng. Qua đó, vùng ATK huyện Bắc Sơn đã có nhiều đổi thay, tiềm năng, thế mạnh của địa phương từng bước được khai thác, đời sống của Nhân dân càng thêm ấm no.

Hiện nay, bên cạnh việc tập trung đầu tư xây dựng nông thôn mới, các cấp chính quyền các xã ATK cũng chú trọng thúc đẩy đầu tư phát triển du lịch cộng đồng, đầu tư hoàn thiện và nhân rộng các mô hình phục vụ khách du lịch. Đồng thời xây dựng các mô hình kinh tế gắn với phát triển vùng hàng hóa, nâng cao đời sống cho Nhân dân các dân tộc ở vùng ATK.

Đến các xã ATK trên địa bàn tỉnh trong những ngày xuân mới Giáp Thìn, chứng kiến cuộc sống của người dân vùng đất chiến khu xưa ngày càng “thay da đổi thịt” cho thấy Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc xã ATK đã phát huy tốt truyền thống cách mạng, đoàn kết một lòng, tập trung khai thác tiềm năng thế mạnh của địa phương, xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp, văn minh.

HOÀNG HƯƠNG

Nguồn Lạng Sơn: https://baolangson.vn/xa-hoi/642867-xuan-ve-tren-vung-dat-atk.html