Xử lý triệt để những tồn tại, vướng mắc mới là đích đến và thành công của chất vấn

Chiều nay, 7.6, Quốc hội sẽ bắt đầu phiên chất vấn và trả lời chất vấn dài 2 ngày rưỡi đối với các 'tư lệnh ngành' thuộc 4 lĩnh vực gồm: nông nghiệp và phát triển nông thôn, tài chính, ngân hàng và giao thông vận tải. Trao đổi với Báo Đại biểu Nhân dân trước thềm phiên họp quan trọng này, Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội BÙI VĂN CƯỜNG chia sẻ, cử tri và nhân dân chờ đợi các phiên chất vấn không chỉ vì qua đó thấy được đại biểu Quốc hội và các 'tư lệnh ngành' đối đáp trực diện với nhau thế nào mà quan trọng hơn là vấn đề họ quan tâm sẽ được xử lý ra sao? Quốc hội sẽ làm gì, Chính phủ sẽ làm gì, bộ, ngành, địa phương sẽ làm gì để xử lý triệt để những tồn tại, khó khăn, vướng mắc? Đó mới là đích đến và thành công thực sự của hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn.

Thông tin tranh luận phải chính xác, đúng phạm vi chất vấn

- Chiều 7.6, Quốc hội sẽ tiến hành phiên chất vấn thứ hai của nhiệm kỳ Khóa XV. Xin ông cho biết các nội dung chất vấn đã được lựa chọn như thế nào?

- Về nội dung, trên cơ sở chương trình Kỳ họp thứ Ba, Quốc hội Khóa XV; báo cáo của Chính phủ về kinh tế - xã hội; báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri gửi đến Kỳ họp thứ Ba; báo cáo công tác dân nguyện hàng tháng của Quốc hội; tổng hợp các vấn đề nổi cộm qua các phiên thảo luận về kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước…, ý kiến của các Đoàn đại biểu Quốc hội và đại biểu Quốc hội về vấn đề chất vấn tại Kỳ họp thứ Ba, Tổng Thư ký Quốc hội đã tổng hợp thành 9 nhóm vấn đề xin ý kiến thường trực Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội để lựa chọn và bỏ phiếu nhóm vấn đề chất vấn tại Kỳ họp thứ Ba, chọn ra 6 nhóm vấn đề trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến và bỏ phiếu để chọn ra 5 nhóm vấn đề gửi xin ý kiến của các đại biểu Quốc hội. Trên cơ sở đó, các đại biểu Quốc hội đã cho ý kiến, bỏ phiếu và Quốc hội đã thống nhất lựa chọn 4 nhóm vấn đề thuộc 4 lĩnh vực để chất vấn tại Kỳ họp này.

Ảnh: Doãn Tấn

Ảnh: Doãn Tấn

Cụ thể, nhóm vấn đề thứ nhất thuộc lĩnh vực nông nghiệp và phát triển nông thôn. Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Lê Minh Hoan sẽ trả lời chất vấn về các nội dung: Công tác tổ chức sản xuất gắn với thị trường tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp; phối hợp xây dựng cơ chế, chính sách xúc tiến thương mại, đàm phán mở cửa, phát triển thị trường nông sản. Giải pháp ổn định thị trường, kiểm soát sự biến động giá của một số mặt hàng nông sản, thủy sản, thức ăn chăn nuôi, vật tư nông nghiệp. Việc cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính, thu hút đầu tư kinh doanh trong lĩnh vực nông nghiệp, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp, nâng cao giá trị sản phẩm, thích ứng với biến đổi khí hậu, bảo đảm phát triển bền vững.

Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc chịu trách nhiệm trả lời chính đối với nhóm vấn đề thứ 2 thuộc lĩnh vực tài chính gồm: Tình hình triển khai và giải pháp đẩy nhanh việc thực hiện Nghị quyết số 43/2022/QH15 về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội thuộc trách nhiệm quản lý nhà nước của Bộ Tài chính; công tác quản lý giá, mua sắm công và kiểm soát lạm phát theo Nghị quyết của Quốc hội. Thực trạng, nguyên nhân và giải pháp tháo gỡ các điểm nghẽn, nút thắt, thúc đẩy cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp và chuyển đơn vị sự nghiệp công lập thành công ty cổ phần. Hoạt động của thị trường vốn, chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp thời gian qua, giải pháp chấn chỉnh và xử lý các hành vi vi phạm, đặc biệt là tình trạng thao túng, làm giá, đưa thông tin xuyên tạc, thiếu kiểm chứng, không chính xác ảnh hưởng đến thị trường và giải pháp về xây dựng, phát triển thị trường tài chính lành mạnh, bảo đảm an toàn, bền vững trong thời gian tới. Các biện pháp chống thất thu thuế, nhất là trong hoạt động kinh doanh, chuyển nhượng bất động sản; việc quản lý thuế đối với các hoạt động kinh doanh trên nền tảng số.
Nhóm vấn đề thứ 3 thuộc lĩnh vực ngân hàng do Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng chịu trách nhiệm trả lời chính về: Tình hình triển khai và giải pháp đẩy nhanh việc thực hiện Nghị quyết số 43/2022/QH15 về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội thuộc trách nhiệm quản lý nhà nước của Ngân hàng Nhà nước, việc phối hợp chính sách tài khóa về kiểm soát lạm phát, củng cố nền tảng kinh tế vĩ mô. Việc thực hiện các nghị quyết của Quốc hội về cơ cấu lại các tổ chức tín dụng, xử lý các ngân hàng thương mại yếu kém gắn với xử lý nợ xấu, cơ chế cấp hạn mức tín dụng hàng năm cho các ngân hàng thương mại, việc quản lý, kiểm soát tín dụng trong lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro, nhất là cho vay chứng khoán, bất động sản và phát hành trái phiếu doanh nghiệp. Thực trạng và giải pháp phòng, chống tín dụng đen, tội phạm công nghệ cao trong lĩnh vực tiền tệ, tín dụng.

Nhóm vấn đề thứ 4 thuộc lĩnh vực giao thông vận tải do Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thể chịu trách nhiệm trả lời chính về: tiến độ, chất lượng và công tác phòng, chống thất thoát, lãng phí trong việc triển khai các dự án, công trình giao thông trọng điểm quốc gia, hệ thống đường cao tốc. Công tác kiểm tra, giám sát, bảo đảm chất lượng các công trình giao thông được đầu tư từ ngân sách nhà nước. Thực trạng và giải pháp xử lý các tồn đọng trong đầu tư, khai thác, kinh doanh các dự án giao thông theo hình thức BOT.

- Về thời gian và cách thức tổ chức phiên chất vấn thì sao, thưa ông?

- Quốc hội sẽ dành 2 ngày rưỡi cho phiên chất vấn và trả lời chất vấn và tiếp tục kế thừa phương thức “hỏi nhanh - đáp gọn”, đại biểu chất vấn không quá 1 phút, người trả lời chất vấn sẽ trả lời không quá 3 phút/1 chất vấn. Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng yêu cầu và quán triệt thực hiện nghiêm các quy định về thời gian và việc sử dụng quyền tranh luận. Theo đó, trường hợp đại biểu không đồng ý với câu trả lời có thể sử dụng bảng đăng ký tranh luận với thời gian tranh luận không quá 2 phút. Thông tin tranh luận phải chính xác, đúng phạm vi chất vấn, không đăng ký tranh luận để đặt câu hỏi chất vấn và không tranh luận giữa các đại biểu Quốc hội với nhau. Đối với người trả lời chất vấn thì không trình bày báo cáo, có thể phát biểu về vấn đề chất vấn không quá 5 phút trước khi đại biểu Quốc hội tiến hành chất vấn trực tiếp.

Cùng với các “tư lệnh ngành" chịu trách nhiệm trả lời chính, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng đã xác định rõ đối với từng lĩnh vực, từng nhóm vấn đề thì Phó Thủ tướng Chính phủ phụ trách và các “tư lệnh” ngành liên quan sẽ tham gia giải trình, làm rõ các vấn đề mà đại biểu Quốc hội đặt ra. Như với lĩnh vực nông nghiệp và phát triển nông thôn thì Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành và Bộ trưởng các Bộ: Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Công thương, Khoa học và Công nghệ, Tài nguyên và Môi trường sẽ tham gia trả lời chất vấn. Đặc biệt, với lĩnh vực tài chính, dự kiến sẽ có 2 Phó Thủ tướng Chính phủ và số lượng “tư lệnh ngành" liên quan tham gia trả lời chất vấn đông đảo gồm Bộ trưởng các Bộ: Kế hoạch và Đầu tư, Công thương, Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Giao thông Vận tải, Xây dựng, Tài nguyên và Môi trường, Lao động, Thương binh và Xã hội, Thông tin và Truyền thông, Công an; Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam; Tổng Thanh tra Chính phủ và kể cả Tổng Kiểm toán nhà nước…

Cuối phiên chất vấn, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Phạm Bình Minh sẽ phát biểu, giải trình những vấn đề thuộc thẩm quyền chung của Chính phủ và trực tiếp trả lời chất vấn của các đại biểu Quốc hội. Sau phiên chất vấn, Quốc hội sẽ ban hành Nghị quyết để nâng cao hiệu lực thi hành các luật, nghị quyết của Quốc hội, làm cơ sở cho việc giám sát thực hiện trong thời gian tới.

Chắt lọc thông tin để chất vấn cho thật đích đáng

- Chất vấn và trả lời chất vấn luôn là một trong những phiên họp hấp dẫn, thu hút sự quan tâm, theo dõi của cử tri và nhân dân cả nước bởi luôn đề cập đến những vấn đề rất nóng trong thực tiễn. Với những nội dung được lựa chọn để chất vấn lần này, ông có bình luận như thế nào?

- Trước hết, phải nói là các nội dung được Ủy ban Thường vụ Quốc hội đưa ra xin ý kiến đại biểu Quốc hội đã được cân nhắc rất kỹ lưỡng, tổng hợp từ nhiều nguồn thông tin và từ các Ủy ban, các Đoàn đại biểu Quốc hội, các đại biểu Quốc hội, bảo đảm sát thực nhất với tình hình thực tiễn, với mong muốn, nguyện vọng và những vấn đề cử tri, nhân dân đang quan tâm, đang lo lắng hay bức xúc.

Kết quả lấy phiếu ý kiến của đại biểu Quốc hội và nhiều đại biểu Quốc hội trong trao đổi với báo chí vừa qua cũng đánh giá rất cao các đề xuất của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và cho rằng, những vấn đề đưa ra chất vấn lần này đã đáp ứng đúng và trúng yêu cầu của thực tiễn cũng như tâm tư, nguyện vọng của nhân dân, không chỉ có ý nghĩa, tác động trực tiếp trong điều kiện chúng ta đang nỗ lực phục hồi kinh tế, lấy lại đà tăng trưởng mà còn đối với sự phát triển lành mạnh, bền vững của nền kinh tế trong dài hạn.

- Ông kỳ vọng và mong muốn điều gì ở phiên chất vấn lần này?

- Chúng ta hay nói rằng, mỗi phiên chất vấn tại diễn đàn Quốc hội là một “cuộc sát hạch” không chỉ đối với người trả lời chất vấn mà còn với chính đại biểu Quốc hội, với Chính phủ và với Quốc hội, việc đó rất quan trọng để nâng tầm, nâng chất của người trả lời chất vấn, người chất vấn. Điều này rất đúng, bởi ngay trong việc lựa chọn nội dung chất vấn đã thể hiện Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội và từng đại biểu Quốc hội có thấu hiểu cuộc sống, thấu hiểu tâm tư, nguyện vọng của người dân hay không.

Cử tri và nhân dân chờ đợi các phiên chất vấn không chỉ vì qua đó họ thấy được đại biểu Quốc hội và các "tư lệnh ngành" đối đáp trực diện với nhau thế nào mà quan trọng hơn là vấn đề họ quan tâm sẽ được xử lý ra sao? Quốc hội sẽ làm gì, Chính phủ sẽ làm gì, bộ, ngành, địa phương sẽ làm gì để xử lý triệt để những tồn tại, khó khăn, vướng mắc để giúp cho người dân và doanh nghiệp có cuộc sống tốt hơn, sản xuất kinh doanh hiệu quả hơn, kinh tế - xã hội phát triển hơn. Đó mới chính là đích đến và là thành công thực sự của hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn.

Tôi ví dụ lĩnh vực tài chính, những vấn đề “nóng hổi” vừa qua như hoạt động bất thường của thị trường chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp, tình trạng thao túng, làm giá, đưa thông tin không đúng sự thật, không kiểm chứng, gây nhiễu loạn thị trường không chỉ gây thiệt hại về vật chất mà còn làm suy giảm niềm tin của nhà đầu tư đối với thị trường. Bộ trưởng Bộ Tài chính khi giải trình tại phiên thảo luận kinh tế - xã hội của Quốc hội đã khẳng định, về lâu dài, thị trường chứng khoán vẫn là kênh huy động vốn trung và dài hạn tốt. Điều này đúng rồi, nhưng điều mà cử tri và nhân dân chờ đợi là giải pháp cụ thể như thế nào để chấn chỉnh, phòng ngừa những sai phạm, tạo hành lang pháp lý chặt chẽ, minh bạch cho sự phát triển lành mạnh của thị trường hết sức quan trọng này. Bộ trưởng cũng đã cam kết sẽ trình Quốc hội sửa đổi Luật Chứng khoán, Luật Doanh nghiệp, trình Chính phủ sửa đổi Nghị định 153 để "bịt" lỗ hổng trên thị trường chứng khoán… Tôi đánh giá cao những đề xuất này nhưng cần cụ thể hơn nữa, bao giờ sẽ trình các nội dung này và phương án “bịt” lỗ hổng như thế nào để đạt mục tiêu lành mạnh hóa, minh bạch hóa thị trường chứ không phải là những giải pháp mang tính tình thế, chuyển đột ngột trạng thái “từ cực tả, sang cực hữu” từ quản lý lỏng lẻo, sang bóp nghẹt thị trường.

Hay trong việc thực hiện Nghị quyết số 43/2022/QH15 về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, việc phối hợp chính sách tài khóa, tiền tệ để kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô. Chúng ta biết rằng Nghị quyết 43 được ban hành trong bối cảnh rất đặc biệt với kỳ vọng rất lớn sẽ tạo cú hích để thúc đẩy nhanh hơn tiến trình phục hồi kinh tế sau hơn 2 năm chịu tác động nặng nề của đại dịch Covid-19, nhưng đến nay việc triển khai còn rất chậm. Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ tại phiên họp sáng 4.6 vừa qua đã nhấn mạnh, triển khai Nghị quyết 43 là nhiệm vụ khó nhưng phải làm và phải cố gắng làm nhanh nhất, hiệu quả nhất. Qua thảo luận tại Kỳ họp thứ Ba này, chúng ta đều thống nhất, phải xác định việc thực hiện khẩn trương, hiệu quả Nghị quyết 43 là nhiệm vụ chính trị hàng đầu của các bộ, ngành, địa phương, phải cá thể hóa trách nhiệm của người đứng đầu trong việc triển khai phần việc của ngành mình, lĩnh vực mình, địa phương mình. Vậy đại biểu Quốc hội phải truy cho rõ giải pháp để tổ chức thực hiện các nhiệm vụ đó như thế nào? Ví dụ trong ngành tài chính thế nào? Trong ngành ngân hàng thế nào? Từng bộ, ngành liên quan ra sao? Thậm chí các địa phương thế nào… chứ không thể chỉ dừng lại ở những cam kết chung chung.

Thông tin về diễn biến, tình hình trong tất cả các lĩnh vực hiện nay đều rất phong phú. Thời gian dành cho hoạt động chất vấn với mỗi đại biểu Quốc hội không nhiều, trong 1 phút đó đại biểu cần chắt lọc để chất vấn cho thật thích đáng và hiệu quả.

Chất vấn không phải chỉ để truy trách nhiệm mà quan trọng hơn là phải tìm ra được những biện pháp, giải pháp hữu hiệu nhất để xử lý những vấn đề đang đặt ra trong thực tiễn, yêu cầu phát triển của đất nước. Với tâm thế như vậy, tôi tin rằng, 2 ngày rưỡi dành cho hoạt động chất vấn tại Kỳ họp này sẽ được các đại biểu tận dụng tối đa để đạt hiệu quả cao nhất.

- Xin trân trọng cảm ơn ông!

Quỳnh Chi thực hiện

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/dien-dan-quoc-hoi-va-cu-tri/xu-ly-triet-de-nhung-ton-tai-vuong-mac-moi-la-dich-den-va-thanh-cong-cua-chat-van-i291354/