Xử lý 'ma men' lái xe: Liên tục, không có ngày nghỉ

Ngay từ những ngày đầu năm 2024, việc xử lý vi phạm nồng độ cồn được ngành Công an tiếp tục triển khai quyết liệt trên tinh thần thượng tôn pháp luật, không có ngày nghỉ, không có vùng cấm.

4 ngày phạt hơn 9.000 "ma men"

Từ ngày 11/1, lực lượng CSGT Công an TP.HCM bắt đầu thực hiện ra quân đợt cao điểm đảm bảo trật tự an toàn giao thông dịp tết Giáp Thìn và các lễ hội đầu Xuân 2024.

Việc xử lý vi phạm nồng độ cồn được lực lượng chức năng tiếp tục triển khai quyết liệt trên tinh thần thượng tôn pháp luật, không có vùng cấm.

Theo ghi nhận, trong ngày đầu tiên, lực lượng CSGT tổ chức triển khai lập chốt tại trạm Rạch Chiếc và trạm Tân Túc, tiến hành tuần tra kiểm soát, xử lý vi phạm trên tuyến quốc lộ 1, đoạn qua địa bàn thành phố.

Tại chốt kiểm tra thuộc Trạm CSGT Tân Túc, lực lượng chức năng dừng nhiều phương tiện, chủ yếu là xe tải chở hàng hóa có dấu hiệu quá khổ, quá tải; xe khách; người điều khiển xe máy nghi vấn vi phạm nồng độ cồn…

Trường hợp phát hiện vi phạm, CSGT sẽ yêu cầu người điều khiển đưa xe vào khu vực xử lý. Tại đây, tổ CSGT kiểm tra giấy tờ và dùng máy đo nồng độ cồn, lập biên bản vi phạm hành chính, tạm giữ phương tiện nếu người điều khiển phương tiện vi phạm.

Thượng tá Đoàn Văn Quới, Phó trưởng Phòng CSGT Công an TP.HCM cho biết, chỉ tính riêng ngày đầu ra quân, CSGT thành phố đã tổng kiểm soát 1.518 phương tiện, lập biên bản xử lý 209 trường hợp, trong đó có 52 tài xế xe máy vi phạm nồng độ cồn.

Cùng thời điểm, tại Bình Định, thượng tá Võ Văn Chín, Trưởng phòng CSGT Công an tỉnh đã có mặt từ sớm tại Trạm CSGT Tuy Phước, đặt tại Km 1216+500 trên tuyến quốc lộ 1 qua địa bàn để chỉ đạo kiểm tra phương tiện qua lại. Việc kiểm tra sẽ thực hiện trong tất cả các khung giờ trong ngày.

Ngay từ sáng sớm, nhiều tài xế khi lưu thông qua Trạm CSGT Tuy Phước đã không khỏi bất ngờ khi được yêu cầu kiểm tra nồng độ cồn, test ma túy.

Anh Nguyễn Văn Tuấn, lái xe tải hướng Nam - Bắc cho biết: "Chúng tôi không nghĩ ngay từ sáng sớm mà lực lượng làm nhiệm vụ lại kiểm tra thế này. Việc làm nghiêm như vậy chắc chắn sẽ khiến cánh tài xế chấp hành tốt hơn".

Có mặt tại trạm, PV ghi nhận, hầu hết các xe tải, xe khách lưu thông qua đây đều được yêu cầu dừng xe kiểm tra, tuy nhiên cảnh sát phát hiện rất ít vi phạm, bởi đa số đều chấp hành nghiêm, trừ một xe chở quá tải.

Tương tự, hàng loạt tỉnh, thành trên cả nước cũng đã đồng loạt ra quân thực hiện cao điểm bảo đảm trật tự ATGT dịp Tết từ ngày 11/1.

Theo Cục CSGT (Bộ Công an), trong ngày đầu tiên, lực lượng CSGT toàn quốc đã xử lý 10.322 trường hợp vi phạm giao thông; phạt tiền trên 23 tỷ đồng. Trong đó, vi phạm về nồng độ cồn 2.393 trường hợp; ma túy 22 trường hợp; tốc độ 2.185 trường hợp.

Còn tính đến ngày 14/1, lực lượng CSGT toàn quốc đã xử lý 39.981 trường hợp vi phạm, trong đó có 9.098 trường hợp vi phạm nồng độ cồn.

Theo Cục CSGT, kế hoạch cao điểm bảo đảm trật tự an toàn giao thông và trật tự xã hội trên các tuyến giao thông sẽ diễn ra đến ngày 9/3.

Xử lý nghiêm bất kể là ai

Theo thượng tá Lê Mạnh Hà, Phó trưởng phòng Tham mưu Công an TP.HCM, đến nay, các trường hợp vi phạm nồng độ cồn đã giảm nhiều so với trước. Thời gian tới, các lực lượng công an thành phố sẽ tiếp tục ra quân kiểm tra nồng độ cồn ở tất cả tuyến đường, thậm chí cả trong hẻm nhỏ.

Thời gian tới, Bộ Công an sẽ tiếp tục triển khai quyết liệt xử lý các vi phạm, nhất là vi phạm về nồng độ cồn, ma túy… Trước mắt, Cục CSGT phối hợp với công an các đơn vị, địa phương nghiêm túc thực hiện công điện của Thủ tướng Chính phủ và điện của Bộ trưởng Bộ Công an về mở đợt cao điểm tấn công, trấn áp tội phạm, bảo đảm an ninh trật tự dịp Tết và các sự kiện lớn của đất nước.

Đại tá Nguyễn Quang Nhật

Thực tế, nhiều đêm theo chân lực lượng CSGT, PV nhận thấy, không ít trường hợp khi vi phạm đã gọi điện thoại cho người thân, và "khoe" những mối quan hệ nhằm xin bỏ qua vi phạm. Tuy nhiên, tất cả đều được xử lý nghiêm theo đúng quy định là phạt tiền, tước giấy phép lái xe và tạm giữ phương tiện.

"Chúng tôi quán triệt cán bộ, chiến sỹ trong đội tuyệt đối không bị tác động can thiệp trái pháp luật", thiếu tá Trần Quang Chinh, Đội trưởng Đội CSGT số 9, Phòng CSGT Công an TP Hà Nội nói.

Theo thiếu tá Chinh, cũng do CSGT làm nghiêm nên đến nay tình trạng ngỏ ý xin bỏ qua, hay gọi điện thoại cho người thân để tác động đã giảm. Bởi có gọi điện hay đề nghị xin bỏ qua cũng không bao giờ được chấp nhận nên nhiều người đã từ bỏ ý định.

Một điểm đáng chú ý nữa là trong năm qua, lực lượng CSGT TP Hà Nội đã tích cực xác minh những trường hợp vi phạm là cán bộ, đảng viên.

Trong số đó, điển hình là trường hợp ông L.H.Q, Chủ tịch UBND phường Trần Phú (quận Hoàng Mai) bị xử phạt 56 triệu đồng; trưởng công an một phường trên địa bàn quận Cầu Giấy vi phạm mức kịch khung…

Tại Thanh Hóa, ngoài vụ cán bộ văn phòng đăng ký đất đai huyện Hoằng Hóa uống rượu lái xe tông chết một phụ nữ hồi tháng 9/2023 (đã bị khởi tố), trong năm qua, có tới 402 trường hợp cán bộ, đảng viên vi phạm nồng độ cồn (chiếm 2,3% tổng số các vụ vi phạm).

Tại Cà Mau, việc xử lý cán bộ công chức uống rượu bia lái xe cũng được làm rất nghiêm. Trong đó, có ông H.T.T, Phó chủ tịch xã Lý Văn Lâm, TP Cà Mau. Khi bị kiểm tra, ông này khai họ tên khác chứ không phải mình. Ông T sau đó bị phạt 8 triệu đồng, bị cơ quan kỷ luật cảnh cáo.

Tại Thừa Thiên – Huế, giữa tháng 9, ông P.C.M, Chủ tịch UBND huyện Phú Lộc cũng được xác định vi phạm nồng độ cồn khi lái ô tô. Tuy nhiên, đến nay vẫn chưa rõ hình thức xử lý cụ thể với ông M ra sao.

Tạo răn đe, nâng cao ý thức

Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế Nguyễn Văn Phương cho biết, năm 2023, số người chết do TNGT trên địa bàn tỉnh giảm sâu so với năm 2022 và các năm trước. Đây là kết quả của những giải pháp khá căn cơ chứ không phải chỉ mang tính đột biến.

"Việc xử lý vi phạm nồng độ cồn cũng được lực lượng CSGT triển khai quyết liệt, các trường hợp vi phạm đều bị xử lý nghiêm chứ không có du di", ông Phương khẳng định.

Năm 2023, lực lượng CSGT Công an tỉnh Thừa Thiên Huế và các huyện, thị xã, TP Huế đã phát hiện và lập biên bản 16.930 trường hợp vi phạm nồng độ cồn (tăng hơn 10.000 trường hợp). Tỉnh là một trong 11 địa phương của cả nước giảm trên 20% số người chết do TNGT so với năm 2022.

Ban giám đốc Công an tỉnh cho biết, đã chỉ đạo triển khai xử lý vi phạm quyết liệt với phương châm không có vùng cấm, không có ngoại lệ. Đồng thời gắn trách nhiệm lãnh đạo, chỉ huy các cấp nếu để cán bộ chiến sĩ sai phạm.

Thượng tá Nguyễn Tiến Duật, Phó phòng CSGT Công an tỉnh Quảng Ninh cho biết, năm 2023, các đơn vị trên địa bàn tỉnh đã xử lý 9.423 trường hợp vi phạm về nồng độ cồn, góp phần quan trọng giúp Quảng Ninh tiếp tục giảm số người chết, số vụ tai nạn.

Tại Hải Phòng, những ngày cuối năm 2023, đầu năm 2024, một số cơ quan của thành phố đã tổ chức kiểm điểm, xử lý kỷ luật đối với nhiều trường hợp là cán bộ, lãnh đạo các cơ quan cấp sở, cán bộ công an, nhà báo, giáo viên… vi phạm nồng độ cồn.

Đại tá Bùi Trung Thành, Phó giám đốc Công an TP thông tin, nhờ xử lý quyết liệt nên TNGT liên quan đến rượu bia đã giảm đáng kể. Đặc biệt, người vi phạm là cán bộ, đảng viên, nhất là công an càng phải xử lý nghiêm khắc.

"Tới nay, nhận thức của người dân nói chung và cán bộ, đảng viên nói chung đã được nâng lên rất nhiều. Hầu như không còn hiện tượng gọi điện, tác động xin xỏ, vì có gọi cho ai cũng không thể giải quyết được", ông Thành khẳng định.

Thượng tá Võ Văn Chín, Trưởng phòng CSGT Công an tỉnh Bình Định cho biết, năm 2023 toàn tỉnh xảy ra 39 vụ tai nạn liên quan đến sử dụng rượu bia, chủ yếu xảy ra từ đầu năm. Từ khi thực hiện quyết liệt (giữa năm 2023) đến nay, số vụ giảm sâu.

Còn theo đại tá Trần Đình Nghĩa, Trưởng phòng CSGT Công an TP Hà Nội, để nâng cao hiệu quả xử lý, Công an TP Hà Nội đã thành lập 14 tổ xử lý vi phạm chéo địa bàn, tránh được tình trạng quen biết, nể nang.

Nâng cao tinh thần thượng tôn pháp luật

Theo đại tá Nguyễn Quang Nhật, Trưởng phòng Tuyên truyền, Cục CSGT (Bộ Công an), trong các năm 2022-2023, lực lượng CSGT đã tập trung xử lý vi phạm nồng độ cồn trên toàn quốc. Không chỉ giúp kiềm chế, làm giảm các vụ tai nạn giao thông, việc này còn giúp hạn chế xảy ra các vụ việc về an ninh trật tự, góp phần kéo giảm tội phạm.

"Qua hai năm triển khai các đợt cao điểm, kế hoạch này nhận được sự ủng hộ, đồng tình của nhân dân. Với chế tài đủ sức răn đe, kế hoạch đã làm thay đổi nhận thức của giới tài xế", Thượng tá Nhật nhìn nhận.

Cũng theo ông Nhật, thời gian qua, khi CSGT xử lý vi phạm nồng độ cồn trên tinh thần không có vùng cấm nên nhiều người vi phạm là cán bộ, công chức cũng không có ngoại lệ. Nửa cuối năm 2023, CSGT đã phát hiện hơn 240 trường hợp là cán bộ, công chức, nhà báo…

Các trường hợp này ngoài xử lý theo quy định, CSGT còn gửi thông báo về cơ quan, đơn vị công tác để xử lý nghiêm theo quy định của Đảng, của cơ quan. Xuyên suốt quá trình xử lý, lực lượng chức năng luôn quán triệt phải tuyệt đối thượng tôn pháp luật.

Năm 2023, giảm gần 2.000 người thiệt mạng do TNGT

Theo Ủy ban ATGT Quốc gia, năm 2023, tai nạn giao thông tiếp tục được kiềm chế và kéo giảm so với cùng kỳ năm 2022 về số vụ và số người chết. Cụ thể, giảm 1.285 vụ (-5.5%), giảm 1.922 người chết (-14.18%).

Có 33 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có số người chết do tai nạn giao thông giảm so với cùng kỳ năm 2022, trong đó 11 địa phương giảm trên 20% số người chết.

Trong năm 2023, ngành Công an đã ra quân thực hiện việc kiểm soát, xử lý vi phạm nồng độ cồn tại các địa phương, qua đó đã xử lý 770.374 trường hợp (chiếm 23,04% tổng số vi phạm).

Nhóm phóng viên

Nguồn ATGT: https://atgt.baogiaothong.vn/xu-ly-ma-men-lai-xe-lien-tuc-khong-co-ngay-nghi-19224011600291688.htm