Xử lý các vấn đề phát sinh, không để xảy ra tình trạng khiếu nại, tố cáo phức tạp

Tiếp tục chương trình Phiên họp thứ 37, ngày 26-9, tại Nhà Quốc hội, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn, sự điều hành của Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về báo cáo của Chính phủ về công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo về hành chính năm 2024.

Nhiều vụ việc khiếu nại, tố cáo phức tạp, kéo dài được giải quyết

Theo báo cáo của Chính phủ, năm 2024, trong bối cảnh đất nước tiếp tục gặp nhiều khó khăn, thách thức trong việc thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, tình hình khiếu nại, tố cáo vẫn phức tạp.

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn phát biểu tại phiên họp.

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn phát biểu tại phiên họp.

Tuy nhiên, dưới sự chỉ đạo của Trung ương Đảng, sự đồng hành của Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Tổng Kiểm toán nhà nước quan tâm, lãnh đạo, chỉ đạo, các cấp, các ngành đã cố gắng, nỗ lực, cùng với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo tiếp tục đạt được những kết quả quan trọng, tích cực, góp phần củng cố lòng tin của nhân dân đối với Đảng và Nhà nước, giữ vững ổn định an ninh, trật tự để thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội.

Các cấp, các ngành cũng đã cố gắng, nỗ lực để nâng cao chất lượng, hiệu quả giải quyết khiếu nại, tố cáo. Việc rà soát, xử lý các vụ việc khiếu nại, tố cáo tồn đọng, phức tạp, kéo dài được quan tâm, chỉ đạo quyết liệt, giải quyết được nhiều vụ việc gây bức xúc trong nhân dân, được dư luận quan tâm.

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng phát biểu tại phiên họp.

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng phát biểu tại phiên họp.

Bên cạnh kết quả tích cực, báo cáo cũng nêu một số tồn tại, hạn chế. Theo đó, trong công tác tiếp công dân, mặc dù đã chuyển biến tốt hơn so với trước nhưng việc trực tiếp tiếp công dân của thủ trưởng cơ quan hành chính các cấp chưa bảo đảm số ngày theo quy định. Trong công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo, tỷ lệ giải quyết các vụ việc thuộc thẩm quyền (đạt 81,4%) thấp hơn so với cùng kỳ năm trước (83%)...

Số đoàn đông người đến các bộ, ngành giảm

Đại diện cơ quan thẩm tra, báo cáo tại phiên họp, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng cho biết, Thường trực Ủy ban đánh giá cao các bộ, ngành, địa phương và các cơ quan đã nỗ lực trong việc tổ chức tiếp công dân với những đổi mới theo hướng thiết thực, hiệu quả.

Tuy nhiên, so với năm 2023, số đoàn đông người đến Thanh tra Chính phủ tăng mạnh (bằng 229%); ngược lại, số đoàn đông người đến các bộ, ngành lại giảm mạnh (giảm 55%), đề nghị Chính phủ làm rõ nguyên nhân của tình hình này để có giải pháp phù hợp xử lý, khắc phục.

Quang cảnh phiên họp.

Quang cảnh phiên họp.

Cơ quan thẩm tra thẳng thắn nêu, thủ trưởng cơ quan hành chính Nhà nước các cấp vẫn chưa thực hiện đầy đủ trách nhiệm trực tiếp tiếp công dân theo quy định của Luật Tiếp công dân; tình trạng ủy quyền tiếp công dân tại bộ, ngành, địa phương vẫn còn nhiều. Trong đó, bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan ngang bộ ủy quyền tiếp công dân chiếm 41% số buổi theo quy định.

Nêu ý kiến tại phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn cho rằng, công tác tiếp công dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo có sự chỉ đạo của Trung ương, các bộ, ngành và địa phương, sự quan tâm dù chưa đồng đều nhưng phần nào đã giải quyết phần nào khiếu nại, tố cáo của công dân.

Với tỷ lệ các vụ việc khiếu nại, tố cáo tăng 6% so với cùng kỳ năm 2023, Chủ tịch Quốc hội đề nghị cần quan tâm, rà soát, hoàn thiện pháp luật trên các lĩnh vực còn chậm; lưu ý đến việc trực tiếp tiếp công dân của thủ trưởng cơ quan hành chính các cấp chưa bảo đảm đủ số ngày theo quy định...

Liên quan đến các tồn tại, hạn chế, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn đề nghị Chính phủ làm rõ nguyên nhân chủ yếu các đoàn đông người đến các bộ, ngành giảm nhưng đến Thanh tra Chính phủ lại tăng; phân tích rõ số liệu các vụ việc tồn đọng phức tạp, kéo dài, làm rõ tình trạng chậm xem xét, giải quyết hoặc trả lời không đầy đủ, đúng hạn đối với các đơn thư của công dân, các cơ quan của Quốc hội chuyển đến.

Dự báo năm 2025, tình hình vẫn tiềm ẩn nhiều diễn biến phức tạp, có thể phát sinh nhiều khiếu nại, tố cáo về hành chính liên quan đến đất đai, môi trường, công tác nhân sự... Vì vậy, các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Chính phủ cần quan tâm, bám sát tình hình, quyết liệt chỉ đạo, đề ra các nhiệm vụ, giải pháp cụ thể có tính khả thi, tăng cường trách nhiệm của các cơ quan có liên quan để kịp thời xử lý các vấn đề phát sinh, không để xảy ra tình trạng khiếu nại, tố cáo phức tạp.

ANH PHƯƠNG

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/chinh-tri/tin-tuc/xu-ly-cac-van-de-phat-sinh-khong-de-xay-ra-tinh-trang-khieu-nai-to-cao-phuc-tap-796177