Xử lý 38 đầu nậu đất, bảo kê xây dựng như thế nào?

'Việc xử lý 38 đầu nậu, cò đất, bảo kê xây dựng đã được thực hiện thế nào và đã khởi tố hình sự trường hợp nào chưa?', đại biểu Nguyễn Thị Tố Trâm đặt câu hỏi.

Sáng 10/7, một lần nữa, vấn đề giải quyết khiếu nại của người dân Thủ Thiêm được nêu ra tại kỳ họp HĐND TP.HCM thứ 20 khóa IX.

Đại biểu Nguyễn Thị Quyết Tâm đề nghị: "Các ban của HĐND cần tập trung để 100% ý kiến khiếu nại, kiến nghị của người dân được giải quyết, giải tỏa bức xúc. Đặc biệt, những ý kiến khiếu nại của người dân Thủ Thiêm đã kéo dài hàng chục năm và vẫn đang trông chờ câu trả lời".

Người dân đúng hay sai cần trả lời

Bà Nguyễn Thị Quyết Tâm cho biết về những khiếu nại của người dân khu 4,3 ha (phường Bình An, quận 2), chính quyền thành phố đã tìm cách giải quyết, xây dựng chính sách theo kết luận của Thanh tra Chính phủ. Tuy nhiên, vấn đề của Khu đô thị mới Thủ Thiêm còn liên quan đến người dân tại nhiều khu vực khác và vẫn chưa có hướng giải quyết cụ thể.

"Người dân đang trông chờ lắm, những khiếu nại của người dân là đúng hay sai, chúng ta cần căn cứ vào cơ sở pháp lý để trả lời cụ thể", bà Tâm nói.

Đại biểu Nguyễn Thị Quyết Tâm tại kỳ họp HĐND TP.HCM. Ảnh: Duy Anh.

Ngoài khiếu nại của người dân, bà Tâm đề nghị thành phố cần làm rõ tính chính xác của việc lập hồ sơ đền bù, tiến độ giải quyết khiếu nại để đảm bảo quyền lợi chính đáng của người dân.

"Có trường hợp người dân khiếu nại UBND TP.HCM và bị bác khiếu nại. Họ kiện ra tòa thì tòa xử họ đúng, tuy nhiên lúc đó đã quyết toán hết rồi thì không còn tiền để đền bù", bà Tâm nêu ví dụ và đề nghị lãnh đạo chính quyền thành phố cần xem xét, có biện pháp phù hợp hơn.

Tại phiên thảo luận, đại biểu Nguyễn Minh Nhựt cũng nhìn nhận việc giải quyết chính sách bồi thường, hỗ trợ tái định cư bổ sung đối với người dân Thủ Thiêm còn chậm. Để đảm bảo an ninh chính trị, trật tự xã hội, các cấp chính quyền cần đẩy nhanh tiến độ, giải quyết dứt điểm vụ việc đã kéo dài nhiều năm qua nhiều nhiệm kỳ.

"Qua 9 tháng ban hành nghị quyết, thành phố, các sở, ngành và quận 2 đã có hàng chục văn bản liên quan vấn đề của Thủ Thiêm nhưng chính sách vẫn dừng lại ở giai đoạn đã phê duyệt. Việc thực hiện chính sách cần làm khẩn trương để đảm bảo quyền lợi, đời sống người dân", ông Nguyễn Minh Nhựt đề nghị.

Đầu nậu chưa bị xử lý, nhà dân bị cưỡng chế

Tiếp tục nói về câu chuyện đất đai, bà Quyết Tâm lưu ý chính quyền TP.HCM cần đặc biệt lưu ý chuyện đầu nậu thu gom đất, phân lô bán nền trái phép vẫn xảy ra tại thành phố.

Nguyên nhân của thực trạng này bà Tâm cho rằng người dân chưa nắm được những quy định của pháp luật. Ở chiều ngược lại, chính quyền còn buông lỏng quản lý và chưa đáp ứng được nhu cầu về nhà ở của người dân.

Bí thư Thành ủy TP.HCM khảo sát vi phạm xây dựng tại huyện Bình Chánh. Ảnh: Quang Huy.

"Khi phát hiện sai phạm, hầu hết vụ việc chúng ta chưa xử lý được đầu nậu nhưng vẫn phải cưỡng chế công trình, nhà ở không hợp pháp của người dân. Hầu hết họ là người dân nghèo, gom góp nhiều năm mới đủ tiền mua đất, họ sai luật nhưng chúng ta cũng cần tính toán để họ có nơi ở khác", đại biểu Nguyễn Thị Quyết Tâm góp ý.

Đại biểu Nguyễn Thị Tố Trâm nhắc lại vụ việc Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Thiện Nhân trực tiếp thị sát những vi phạm xây dựng tại huyện Bình Chánh hồi tháng 5 và đặt câu hỏi cho lãnh đạo quận về tiến độ xử lý những cán bộ tiếp tay cho đầu nậu, cò đất.

"Huyện Bình Chánh đã xem xét xử lý những cán bộ tiếp tay cho vi phạm xây dựng theo chỉ đạo của Bí thư Nhân hay chưa? Việc xử lý 38 đầu nậu, cò đất, bảo kê xây dựng đã được thực hiện thế nào và đã khởi tố hình sự trường hợp nào chưa?", đại biểu đặt câu hỏi.

Thời gian tới, bà Nguyễn Thị Quyết Tâm mong muốn HĐND TP.HCM có chương trình giám sát, khảo sát lại việc chuyển đổi đất nông nghiệp trên địa bàn để phát huy hiệu quả của việc chuyển đổi. Cụ thể, đại biểu yêu cầu cần làm rõ khu đất được chuyển đổi được đầu tư ra sao, mục đích sử dụng sau chuyển đổi thế nào.

Quang Huy - Thu Hằng

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/xu-ly-38-dau-nau-co-dat-bao-ke-xay-dung-nhu-the-nao-post1105153.html