Xử lại vụ đập 228 đầu cọc bê tông lấy sắt vụn nhiều tranh cãi
Tại phiên xử phúc thẩm của TAND Cấp cao tại TP.HCM vào năm 2021 và phiên xử sơ thẩm lại mới đây của TAND tỉnh Vĩnh Long, tòa đều yêu cầu điều tra làm rõ phần thiệt hại tài sản gây tranh cãi.
Theo kế hoạch ngày 9-5 tới, TAND tỉnh Vĩnh Long sẽ mở phiên xử sơ thẩm lần hai vụ hai bị cáo Nguyễn Thanh Thế và Tô Huy Thông bị cáo buộc tội hủy hoại tài sản mà phần lớn là những cọc bê tông đã ép xuống lòng đất, khó xác định thiệt hại.
Hai cấp tòa yêu cầu điều tra bổ sung
Trước đó ngày 6-1, tòa tỉnh này đã mở phiên xử nhưng phải trả hồ sơ để điều tra bổ sung đặc biệt là yêu cầu giám định lại phần thiệt hại tài sản.
Ngày 4-1-2021 TAND Cấp cao tại TP.HCM từng xử phúc thẩm chấp nhận kháng cáo của hai bị cáo tuyên hủy án sơ thẩm lần 1 để điều tra làm rõ nhiều vấn đề trong đó có việc xác định giá trị tài sản bị thiệt hại không đúng làm ảnh hưởng đến việc xác định khung hình phạt.
Như PLO đã phản ánh, theo cáo trạng, ông Thế lập Công ty Xây dựng An Phú và thế chấp năm thửa đất để vay 20 tỉ đồng làm dự án nhà ở. Sau khi được giải ngân 9,8 tỉ đồng, ông Thế san lấp mặt bằng, xây dựng hàng rào, đúc ép cọc bê tông. Sau đó ngân hàng giới thiệu Công ty TNHH MTV Vật liệu xây dựng và Xây lắp thương mại BMC (Công ty BMC) nhận chuyển giao dự án từ Công ty An Phú.
Tháng 7-2005, Công ty An Phú khởi kiện yêu cầu giải ngân tiếp số tiền hơn 11 tỉ đồng và tạm ngưng thanh lý dự án là tài sản thế chấp. TAND tỉnh Vĩnh Long xử sơ thẩm, tuyên bác yêu cầu buộc Công ty An Phú phải trả cho ngân hàng hơn 11 tỉ đồng. Lúc này bị cáo Thế đến trả nợ nhưng ngân hàng không chịu vì cho rằng đất đã được bán cho Công ty BMC trước khi có bản án.
Cho rằng ngân hàng xử lý tài sản sai nên Thế nhờ bị cáo Thông chuộc lại bằng cách thay mặt đàm phán với ngân hàng và Công ty BMC. Sau đó hai bị cáo bị cáo buộc đã phá bỏ 319 cọc bê tông đã ép xuống lòng đất (91 cọc hư hỏng hoàn toàn, 228 cọc chỉ đập phần nhô lên mặt đất khoảng 1 m) và nhiều ống cống nên bị khởi tố tội hủy hoại tài sản (thiệt hại hơn 1,7 tỉ đồng).
Đáng chú ý, ngày 30-5-2019, công an tỉnh có văn bản gửi UBND TP Vĩnh Long đề nghị chỉ xử phạt hành chính đối với ông Thông vì hành vi chưa đủ cấu thành tội phạm. Tuy nhiên, cơ quan này cho rằng cần xử lý hình sự vì nếu phạt hành chính thì có thể bị khiếu nại hoặc khởi kiện, thời gian thi hành quyết định sẽ kéo dài...
Tại phiên tòa ngày 6-1 đại diện bị hại là Công ty BMC cho biết phần thiệt hại của công ty này là 319 cọc bê tông và hơn 232 ống cống. Hiện tại công ty đã nhận lại lô đất và qua khảo sát thì trên đất còn 81 cọc nhô lên mặt đất khoảng 1 m chưa bị ai tác động.
VKS không ra cáo trạng mới
Theo hồ sơ mới nhất sau khi TAND tỉnh trả hồ sơ yêu cầu điều tra bổ sung ngày 22-3 VKSND cùng cấp có công văn số 63 gửi tòa đề nghị bảo lưu cáo trạng cũ số 26 ngày 21-6-2021 truy tố hai bị cáo, không ban hành cáo trạng mới.
Theo VKS qua kết luận điều tra bổ sung ngày 9-3 của CQĐT công an tỉnh thì không làm thay đổi nội dung cáo trạng số 26 nên gửi công văn này cùng hồ sơ tài liệu bổ sung để tòa án đưa vụ án ra xét xử. Công văn cũng nêu ra một số nội dung được cho là CQĐT đã đã tiến hành điều tra bổ sung theo yêu cầu của tòa và khẳng định việc truy tố hai bị cáo là có cơ sở.
Ngày 30-3 VKSND tỉnh tiếp tục có công văn số 03 gửi tòa về việc bổ sung tài liệu chứng cứ là việc thẩm định chất lượng các cọc bê tông tại hiện trường. Theo đó CQĐT công an tỉnh đã yêu cầu trung tâm giám định chất lượng xây dựng thuộc Sở Xây dựng kiểm tra chất lượng theo yêu cầu của tòa. Kết quả định giá sau khi thẩm định thì CQĐT đã trưng cầu định giá và đang chờ kết quả, khi có sẽ gửi đến tòa, đề nghị tòa đưa vụ án ra xét xử.
Tiếp đó ngày 22-4 CQĐT có văn bản gửi kết quả định giá tài sản sau khi thẩm định cho VKSND tỉnh.
Bị cáo Thông cho rằng chỉ vô tình phạm tội
Tại phiên xử ngày 6-1, bị cáo Thế cho rằng thời điểm xảy ra việc đập phá cọc bê tông quyền sử dụng đất đứng tên cá nhân bị cáo, chưa ký chuyển nhượng cho Công ty BMC. Ngoài ra, CQĐT xác định giá trị tài sản bị hủy hoại gồm các cọc bê tông và ống cống là chưa đúng vì trong số các cọc bê tông có một phần của bị cáo và một phần của Công ty BMC. Phần cọc bê tông bị đập phá nhô lên mặt đất khoảng 1 m, phần cọc còn lại đã ép xuống đất vẫn còn nguyên, không bị ảnh hưởng...
Bị cáo Thông thì cho rằng cáo trạng truy tố là oan vì không cố ý hủy hoại tài sản. Bị cáo không biết các tài sản trên đất có một phần là của Công ty BMC do bị cáo Thế trước sau khẳng định là của Thế. Theo bản án dân sự cùng bản cam kết của bị cáo Thế và khi đến hiện trạng khu đất thì bị cáo nghĩ toàn bộ tài sản trên đất là của bị cáo Thế…