Xu hướng tiêu dùng xanh khiến doanh nghiệp phải chuyển đổi để cạnh tranh
Chất lượng xanh, sản phẩm xanh đang là một tiêu chí cạnh tranh quan trọng của các doanh nghiệp trong xu hướng sống xanh, tiêu dùng xanh của người dân.
Nhu cầu về sản phẩm xanh tăng
Báo cáo của Bộ Công Thương, nhu cầu tiêu dùng sản phẩm xanh tại Việt Nam tăng trưởng trung bình 15% mỗi năm (giai đoạn 2021 - 2023). Khoảng 2/3 người tiêu dùng sẵn sàng chi trả nhiều hơn cho các sản phẩm xanh để bảo vệ sức khỏe và bảo vệ môi trường.
Từ nhiều năm nay, chị Nguyễn Thị Cẩm Tú (phường Minh Khai, Hà Nội) mỗi tuần thường 3 lần đi tới chuỗi cửa hàng thực phẩm sạch mua rau hữu cơ về để sử dụng trong gia đình. “Thực phẩm, rau xanh tôi luôn chọn các cửa hàng mà sản phẩm có nguồn gốc, từ mã vạch để có thể tra cứu được thông tin, thực phẩm sạch là yếu tố đầu tiên để bảo vệ sức khỏe của gia đình, góp phần bảo vệ môi trường”, chị Tú chia sẻ.

Dán mã QR để truy xuất nguồn gốc, quy trình sản xuất chăn nuôi
Khác với chị Tú, chị Đoàn Thúy Đoan do bận rộn với công việc ở cơ quan nên thường chọn việc mua sắm trực tuyến và các địa chỉ thường xuyên lựa chọn là gian hàng organic trên mạng.
“Từ lâu tôi đã mua thực phẩm, rau xanh… trên mạng, hiện giờ cũng không thiếu các cửa hàng bán sản phẩm hữu cơ online. Các sản phẩm này thì nguồn gốc, quy trình sản xuất cũng dễ kiểm tra, đương nhiên các sản phẩm này sẽ đắt hơn nhưng đảm bảo để sử dụng”, chị Đoan nói.
Không chỉ trong sinh hoạt gia đình, nhiều cửa hàng đã sử dụng ống hút giấy, ống hút gạo, cốc bã mía và túi thân thiện với môi trường… Giá thành của các sản phẩm thân thiện môi trường sẽ đắt hơn so với sản phẩm nhựa nhưng nhiều nơi đã coi môi trường xanh trong kinh doanh là một yếu tố để cạnh tranh.
Nhu cầu tiêu dùng các sản phẩm xanh đang là một xu hướng tất yếu. Người tiêu dùng cũng sẵn sàng chi trả tăng thêm để có thể sử dụng sản phẩm xanh ở những mức độ khác nhau, trong đó mức độ chi trả tăng thêm được hưởng ứng nhiều nhất là 5%- 10% so với sản phẩm thông thường.
Các chuỗi cung ứng sản phẩm xanh từ trực tiếp đến mua bán trực tuyến vừa đáp ứng được nhu cầu thị trường và cũng là tiền đề thúc đẩy cho việc chuyển dịch hướng đến sản xuất xanh.

Diễn đàn “Tiêu dùng bền vững hướng đến Kỷ nguyên xanh 2025” do Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia – Cục Đổi mới sáng tạo, Chuyển đổi xanh và Khuyến công – Báo Điện tử Tiếng nói Việt Nam (VOV) tổ chức sẽ diễn ra vào chiều 2/7 tại Khách sạn Thắng Lợi, Hà Nội.
Chất lượng “xanh” sẽ trở thành lợi thế cạnh tranh của doanh nghiệp
Việt Nam đã và đang thực hiện cam kết đến năm 2050 đưa rác thải ròng về 0, điều này có nghĩa là ngoài việc Chính phủ phải quyết liệt trong việc xây dựng các chính sách, chương trình hành động thì có vai trò lớn từ các địa phương, các doanh nghiệp. Nhiều nội dung liên quan đến tiêu dùng xanh, tiêu dùng bền vững đã sớm được đưa vào nội dung chính sách, được lồng ghép quy định trong nhiều văn bản của Đảng và Nhà nước.
Những năm gần đây, chỉ số ESG (đo lường tính bền vững và trách nhiệm đối với môi trường, xã hội của doanh nghiệp) bắt đầu được các doanh nghiệp quan tâm. Xu hướng hiện nay doanh nghiệp chủ động chuyển đổi sản xuất xanh, nắm công nghệ xanh. Sản phẩm với chất lượng “xanh” sẽ trở thành lợi thế cạnh tranh giúp các doanh nghiệp chiếm lĩnh thị phần tốt hơn.

Việc phát triển thương hiệu gắn với yếu tố “xanh” - sử dụng nguyên, vật liệu, công nghệ thân thiện, đưa ra sản phẩm sạch, bảo đảm môi trường đang ngày một tăng lên. Tiêu dùng xanh vừa là cơ hội, vừa là thách thức, đòi hỏi sự thay đổi trong tư duy sản xuất và kinh doanh, hướng tới phát triển bền vững.
Để thúc đẩy sản xuất và tiêu dùng xanh, các chuyên gia cho rằng cần có chính sách hỗ trợ rõ ràng hơn từ phía Nhà nước. Hiện nay, dù đã có nhiều chính sách về giảm thuế, hỗ trợ tài chính cho doanh nghiệp xanh, nhưng khâu thực thi vẫn còn nhiều bất cập.
Ông Mạc Quốc Anh, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Hà Nội cho rằng: “Chi phí đầu tư cho sản xuất xanh không thấp, ngoài việc doanh nghiệp phải chuyển đổi mạnh mẽ thì cần có giải pháp khuyến khích và ưu tiên những doanh nghiệp sản xuất xanh, sạch hơn; hoàn thiện khung cơ chế, chính sách để hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi sang nền sản xuất xanh và tiêu dùng bền vững”.
Các thương hiệu thời trang toàn cầu như Nike, Adidas, Zara, H&M, Levi’s… đã đồng loạt có những hành động hướng đến sản xuất bền vững, góp phần giảm bớt căng thẳng liên quan đến môi trường và khí hậu.
Trong đó, Nike cam kết sử dụng 100% năng lượng tái tạo tại các nhà máy vào năm 2025; Zara cam kết đến năm 2025 chỉ sử dụng bông, vải lanh và polyester hữu cơ hoặc tái chế để làm quần áo, hạn chế sản xuất gây tác hại đến môi trường; H&M hiện có 35% sản phẩm được sản xuất bằng nguyên liệu tái chế và mục tiêu đến năm 2030 sẽ chỉ dùng loại nguyên liệu này…