Xu hướng 'chắt lọc' tin tức

Một nghiên cứu mới cho biết, hiện có tình trạng nhiều người trên thế giới ngày càng hạn chế tiếp xúc với một số loại tin tức nhất định.

Con người hiện đại có quá nhiều nguồn thông tin, dẫn đến sự “bội thực tin tức”. (Nguồn: Kuwait Times)

Con người hiện đại có quá nhiều nguồn thông tin, dẫn đến sự “bội thực tin tức”. (Nguồn: Kuwait Times)

Nghiên cứu này được công bố trên ấn bản mới nhất Báo cáo Tin tức kỹ thuật số hàng năm của Viện Nghiên cứu báo chí Reuters (Anh).

Gần đây, cụm từ phổ biến trong giới truyền thông phương Tây là: “Tránh tin tức có chọn lọc”. Phần đông những người có lựa chọn này cho rằng họ chọn tránh các tin tức tiêu cực.

Các nhà nghiên cứu cho biết: “Trong khi hầu hết mọi người vẫn cập nhật tin tức thường xuyên, chúng tôi nhận thấy rằng nhiều người khác lại chọn hạn chế tiếp cận với tin tức - hay ít nhất là với một số loại tin tức nhất định”.

Theo CNN, báo cáo được coi là nghiên cứu toàn diện nhất về việc “tiêu thụ” tin tức trên toàn thế giới.

"Sự bất lực" của độc giả

Các nhà phân tích truyền thông đã viết rất nhiều về “sự mệt mỏi tin tức” (công chúng mệt mỏi do phải “tiêu thụ” quá nhiều tin tức) ở Mỹ. Hiện tượng này cũng xảy ra ở các nước khác. Các cuộc khảo sát của Viện Nghiên cứu báo chí Reuters về độc giả tin tức trực tuyến tại 46 thị trường cho thấy ngày càng có nhiều người “tránh tin tức”, từ Brazil đến Australia, Anh và Mỹ.

Ông Rasmus K. Nielsen, Giám đốc Viện Nghiên cứu báo chí Reuters cho biết: Với một số người, đơn giản là họ ít quan tâm đến tin tức hơn so với trước đây. Tuy nhiên, ngay cả trong số những người “say mê” cập nhật tin tức thì vẫn có nhiều người vẫn “thường xuyên hoặc thỉnh thoảng tránh tin tức một cách có chọn lọc” theo chủ đề cụ thể hoặc chỉ lựa chọn tiếp nhận một lượng thông tin nhất định.

“Khi được hỏi nguyên nhân, một số người trả lời là lý do chính trị”, ông Nielsen nói. “Một số người nói rằng họ thấy tin tức không đáng tin cậy hoặc có định kiến”. Một bộ phận lớn độc giả cho rằng những tin tức này ảnh hưởng tiêu cực đến tâm trạng của họ.

Ngày nay, trên Internet, con người có thể tìm thấy vô vàn lựa chọn thay thế cho tin tức. Không có gì lạ khi ngày càng có nhiều người thay đổi thói quen giải trí của mình.

Các nhà báo cũng thấy được điều đó. “Trong vài tháng qua, chúng ta đã đi từ thảm kịch kinh hoàng này sang thảm kịch tiếp theo”, Tổng biên tập Danielle Belton của báo HuffPost viết trên Twitter.

Tác giả nghiên cứu, Giáo sư Brian Klaas gọi đây là một “vòng lặp loạn lạc của những tin tức đáng sợ”, “nơi những tiết lộ mới về âm mưu đảo chính có tổ chức bị đẩy ra khỏi bản tin chính và thay thế bằng thông tin về vụ bắn giết hàng loạt trẻ em, hay tin về chiếc xe tải chở những người di cư đã chết...”.

Trong một cuộc thảo luận mới đây ở New York do Reuters tổ chức, viên chức phụ trách xuất bản của hãng Vox, bà Melissa Bell, đã nói về “sự bất lực” mà độc giả cảm thấy khi phải đối diện hết tin tức ảm đạm này đến câu chuyện ảm đạm khác.

Bà kêu gọi các tòa soạn hãy nghĩ về việc sản xuất báo chí hướng đến công chúng, thay vì chạy theo các tin giật gân.

Thách thức của nhà báo

Theo ông Nielsen, “truyền thông kỹ thuật số là thị trường cạnh tranh căng thẳng nhất trong lịch sử nhân loại”.

Báo cáo nêu rõ “sự tin tưởng vào tin tức đã giảm ở gần một nửa số quốc gia trong cuộc khảo sát và tăng lên chỉ khoảng 7% sau thời kỳ đỉnh điểm của đại dịch Covid-19”.

Ở Mỹ, những người theo cánh hữu có xu hướng không tin vào tin tức cao hơn gấp hai lần so với những người cánh tả. Đầu năm 2021, chỉ có 14% những người thuộc phe cánh hữu cho biết họ tin vào tin tức.

Ông Nielsen lưu ý, phần lớn công chúng không trả tiền để mua tin tức, và nhiều người không muốn trả tiền. Theo nghiên cứu, chỉ có khoảng một phần năm số người Mỹ trả tiền cho tin tức trực tuyến.

Khi các nhà nghiên cứu hỏi: “Cách tiếp cận tin tức của bạn là gì?”, chỉ có 23% số người được hỏi cho biết đã truy cập trực tiếp vào các trang tin tức. Số còn lại lấy tin từ các nguồn như mạng xã hội, các công cụ tìm kiếm và thông báo trên điện thoại di động.

TikTok là mạng phát triển nhanh nhất trên toàn cầu về tin tức, và phổ biến nhất với những người dưới 25 tuổi. Nói rộng hơn, mạng xã hội trực quan tiếp tục là công cụ phát triển nhanh trong lĩnh vực cung cấp thông tin.

“Khán giả trẻ xem và suy nghĩ về tin tức ngày càng khác biệt so với khán giả lớn tuổi”, nhà nghiên cứu Kirsten Eddy viết. “Họ là những người sử dụng tin tức dựa vào mạng xã hội nhiều hơn, và ít kết nối với các hãng tin tức hơn. Họ cũng có những nhận thức khác nhau về tin tức là gì và cách thực hiện như thế nào”.

Những vấn đề nêu trên cho thấy dấu hiệu của sự “bội thực, quá tải tin tức” trong kỷ nguyên kỹ thuật số. “Tôi nghĩ đó là một thách thức dành cho các nhà báo”, nhà báo Ros Atkins của hãng BBC nói.

(theo CNN)

Trung Hiếu

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/xu-huong-chat-loc-tin-tuc-190034.html